Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị
Theo định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, thành phố Hà Nội sẽ phát triển theo chùm đô thị, trong đó có đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh.
>>> Để Hà Nội mãi xanh
Triển khai thực hiện Kế hoạch số 139/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội, Chương trình hành động số 21-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP. Hà Nội đang chú trọng đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy đô thị hoá nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô.
Về phát triển đô thị, TP. Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng đô thị theo hướng từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, gắn kết với giao thông công cộng (TOD), hình thành một số cực tăng trưởng mới; Quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm. Đồng thời, hình thành, phát triển các khu đô thị mới theo hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, ưu tiên phát triển các đô thị loại nhỏ và vùng ven đô, đầu tư phát triển các đô thị có giá trị, tiềm năng về di sản, du lịch…
Định hướng nghiên cứu Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065) đã được Ban Cán sự đảng UBND thành phố thống nhất chủ trương.
Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm: 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái, thị trấn và vùng nông thôn; được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và quốc gia.
Theo bản quy hoạch tổng thể Thủ đô, về quy mô dân số, theo dự báo phát triển sơ bộ, đến năm 2030 từ 11,410-11,950 triệu người; dự báo đến năm 2040 từ 13,03 đến 13,76 triệu người; bổ sung dự báo đến năm 2045 từ 13,74-14,6 triệu người; dự báo đến năm 2050 từ 14,6-15,56 triệu người.
Về định hướng điều chỉnh, bản quy hoạch tổng thể cơ bản kế thừa mô hình phát triển đô thị đã được xác định tại Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt. Trong đó, đô thị trung tâm là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của thành phố và cả nước, gồm: Khu vực chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng (khu vực Long Biên - Gia Lâm và khu vực thành phố phía Bắc - Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); khu vực chuỗi đô thị phía Nam sông Hồng (khu vực nội đô lịch sử và nội đô mở rộng, khu vực phía Đông và phía Tây đường Vành đai 4, khu vực vành đai xanh...); khu vực sông Hồng - sông Đuống.
Các thành phố phía Tây (khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai) gồm: Đô thị khoa học - công nghệ và giáo dục đào tạo. Cùng với đó là các đô thị vệ tinh: Sơn Tây (đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng), Phú Xuyên (đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa). Đô thị trung tâm Hà Nội theo quy hoạch sẽ được phân cách với thành phố phía Tây, các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh. Đến năm 2050, quy mô diện tích, tỷ lệ sử dụng đất cơ bản ổn định.
Việc tổ chức không gian đô thị Hà Nội theo mô hình chùm đô thị được kỳ vọng là động lực phát triển mới quan trọng cho phát triển kinh tế Thủ đô. Đây cũng là mô hình được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công, sử dụng quỹ đất một cách hiệu quả để giảm tải mật độ dân, giảm tải sức ép hạ tầng cho vùng lõi nội đô lịch sử.
Các chuyên gia cho rằg, việc lập các đồ án quy hoạch phân khu chức năng tại các đô thị vệ tinh để cụ thể hóa quy hoạch chung đang được các sở, ngành thành phố Hà Nội khẩn trương thực hiện. Đây được xem là nhiệm vụ không thể chậm trễ thêm. Bởi nếu cứ kéo dài việc lập và phê duyệt quy hoạch và chưa biết tới bao giờ các đô thị vệ tinh mới thành hình thì chúng ta sẽ mất đi rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho ý kiến, khó khăn rất lớn trong phát triển Thủ đô trong đó có đầu tư phát triển hạ tầng là thu hút đầu tư xã hội. Nếu không có cơ chế vượt trội thì rất khó thu hút đầu tư, nhất là tháo gỡ vướng mắc để triển khai các hình thức đầu tư, như: BT, PPP chính là giải pháp động lực để tạo ra các đô thị bền vững khi không còn phụ thuộc vào nguồn vốn ODA nữa.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch Hà Nội: Đảm bảo đủ tiêu chí thành phố trong Thủ đô
18:36, 22/10/2022
Quy hoạch Hà Nội thành không gian sống xứng tầm Thủ đô
05:00, 20/03/2022
Chú trọng liên kết vùng trong quy hoạch Hà Nội
05:00, 10/12/2021
Những dự án nào đang “phá nát” quy hoạch Hà Nội?
14:12, 03/06/2019
"Điệp khúc" điều chỉnh quy hoạch Hà Nội: Nguy cơ tiền lệ xấu
14:18, 10/01/2019
Thủ tướng đồng ý bổ sung trường đua ngựa vào quy hoạch Hà Nội
17:50, 25/12/2018