Hà Nội xử lý việc xây nhà “quên” xây trường
Hà Nội quyết định thu hồi một loạt khu đất để xây trường học trong các khu đô thị, tập trung đầu tư theo phương thức đầu tư công hoặc kêu gọi xã hội hóa.
Một trong những dự án có thể kể đến như Khu đô thị Ngoại Giao đoàn – Bắc Từ Liêm có các ô đất để xây dựng 2 nhà trẻ, 1 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở. Tuy nhiên, thực tế, những lô đất này hiện vẫn chỉ là những bãi đất trống, hoặc được sử dụng để chứa vật liệu xây dựng của các công trình xung quanh hay dùng làm đất trồng cây.
Chất lượng giáo dục bị coi nhẹ
Chị Dương Huệ sinh sống tại Khu Ngoại Giao Đoàn cho biết, khi có ý định mua nhà tại dự án này thì được giới thiệu có rất nhiều tiện ích, trong đó bao gồm cả trường học. Tuy nhiên, sau vài năm chuyển về đây, khu đô thị đã có sự điều chỉnh nhiều lần, kèm theo đó là mật độ cư dân ngày càng tăng cao khiến hạ tầng khu vực bị quá tải. Trong khi đó, dù chuyển về từ lâu nhưng chị vẫn mất thời gian đưa con đi học ở xa bởi chưa có trường học trong nội khu.
Tương tự, Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm thuộc Khu đô thị Linh Đàm - Hoàng Mai được quy hoạch với 6 ô đất dành cho xây dựng trường học, nhưng hiện nay chỉ có duy nhất 1 công trình trường tiểu học được xây dựng và sử dụng.
Chị My – người dân sống tại Chung cư VP3 - Linh Đàm cho biết, chị cảm thấy may mắn khi đăng ký được cho con trai vào Trường Tiểu học Hoàng Liệt – trường tiểu học công lập trong khu vực. Tuy nhiên, chị cũng cảm thấy lo lắng bởi lượng học sinh trong lớp với gần 60 học sinh/lớp, số lượng học sinh trong lớp quá lớn sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Theo chị My, những chủ đầu tư dự án chung cư tại đây chỉ tập trung xây dựng nhà mà không có dự án xây dựng các trường học. Với số lượng cư dân đông đúc và nhiều trẻ em trong độ tuổi học, điều này tạo thành một bất cập lớn đã tồn tại trong nhiều năm qua. Do đó, cư dân khu vực này đề nghị chính quyền địa phương nghiên cứu xây dựng thêm ít nhất 2-3 trường cấp 1 và cấp 2 để có thể đáp ứng được nhu cầu học tập tối thiểu của học sinh.
Thực tế, tình trạng thiếu trường học đã kéo dài trong nhiều năm ở Hà Nội. Mỗi khi đến giai đoạn tuyển sinh, nhiều phụ huynh có con lên lớp 1, lớp 6 và lớp 10 phải xếp hàng xuyên đêm để nộp hồ sơ nhập học cho con.
Vấn đề này phổ biến tại hầu hết các quận, đặc biệt là phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai). Với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, phường này hiện có khoảng 90.000 dân nhưng chỉ có 7 trường công lập từ mầm non đến trung học phổ thông. Mỗi năm, phường này có thêm 2.000 công dân mới sinh ra, đồng thời với việc nhiều chung cư cao tầng được đưa vào sử dụng, gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông, y tế và giáo dục.
Anh Phan Anh Tuấn (cư trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, theo ý kiến từ một số người, nếu không đỗ vào trường công lập, có thể lựa chọn cho con học các trường tư thục. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có khả năng kinh tế để chi trả mức học phí đắt đỏ tại các trường tư.
Thu hồi đất để xây trường học
Việc Tp Hà Nội vừa quyết định thu hồi một loạt khu đất để xây dựng trường học trong các khu đô thị, được người dân TP kỳ vọng sẽ khắc phục việc thiếu trường lớp trên địa bàn thành phố. Nhận định về vấn đề này, KTS. Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, việc xây dựng trường học phải là ưu tiên hàng đầu. Cần rà soát và kiểm tra lại tất cả các khu đô thị, nơi nào chưa có trường học thì phải xây dựng trường học ngay.
Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm với việc không xây dựng trường học theo quy định. Khi dân số đến ở, thì phải đảm bảo có đủ trường học cho con em của họ. Ông nhấn mạnh rằng việc này phải được thực hiện một cách thông suốt và quyết liệt, đặc biệt là trong công tác lập quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch.
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đề nghị các quận tiếp tục rà soát toàn bộ quỹ đất tại các khu đô thị, đặc biệt là khu vực Q.Hoàng Mai. Bên cạnh đó, các vị trí đất còn trống hoặc chậm triển khai sẽ được xem xét thu hồi để ưu tiên xây dựng trường học, với mục tiêu hoàn thành trong năm 2023.
Trong đó, Q.Hoàng Mai kiến nghị TP Hà Nội thu hồi 4 ô đất đã được HUD bàn giao, đề nghị được hỗ trợ nguồn ngân sách TP để thực hiện đầu tư công cho 2 ô đất. Đối với 4 ô đất mà quận đề xuất dành để xây dựng trường học, Chủ tịch UBND thành phố đã đồng ý với đề xuất và điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM gặp khó trong việc bồi thường thu hồi đất nhà nhiều hộ, nhiều tầng
03:00, 27/06/2023
Thanh Hóa: Chính quyền đề xuất thu hồi đất, doanh nghiệp vẫn “cố thủ” giữ
22:50, 25/06/2023
Cần thiết ban hành Nghị quyết về mức chi khi thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
03:30, 03/06/2023
Quảng Nam bổ sung 26 danh mục dự án thu hồi đất
09:58, 07/05/2023
Xem xét rút ngắn thời gian thông báo thu hồi đất
18:13, 06/04/2023