TP.HCM giám sát việc triển khai các dự án nhà ở xã hội
HĐND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch giám sát việc triển khai các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn giai đoạn 2016-2025.
>>Mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội: Xem xét các trường hợp yếu thế
Theo đó, HĐND TP.HCM sẽ giám sát công tác chỉ đạo, điều hành của UBND TP.HCM; các sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức trong việc ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, tổ chức triển khai, thực hiện dự án nhà ở xã hội sau khi có Nghị quyết 10/2018 và Nghị quyết 30/2022 của HĐND TP.HCM. Giám sát kết quả tổ chức thực hiện với các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn trong giai đoạn trên; đề xuất, kiến nghị giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho biết, trên địa bàn TP có nhiều dự án nhà ở xã hội và nhà cư trú cho công nhân. Có những dự án đáp ứng quy định pháp luật, nhưng cũng có dự án còn nhiều vướng mắc, bất cập. Do đó, hoạt động giám sát lần này HĐND TP muốn xác định rõ trách nhiệm của TP cũng như những vướng mắc, khó khăn của các bên liên quan trong quá trình thực hiện.
Lãnh đạo TP.HCM cho hay, từ nay đến ngày 8.9, các đơn vị được chọn giám sát sẽ gửi báo cáo chính thức bằng văn bản về HĐND TP.HCM.
Từ ngày 11 đến 15.9, HĐND TP sẽ tổ chức khảo sát đối với một số dự án được chọn; tổ chức giám sát qua báo cáo đối với các đơn vị; từ ngày 18 đến 29.9 tổ chức đoàn giám sát, khảo sát trực tiếp. Kết quả giám sát sẽ được báo cáo tại kỳ họp HĐND TP.HCM cuối năm 2023.
Đáng chú ý, trong đợt này, HĐND sẽ kiểm tra việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội được điều tiết trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, bao gồm: dự án nhà ở thương mại có bố trí 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội hoặc chuyển giao quỹ nhà ở tương đương 20% quỹ đất để sử dụng làm nhà ở xã hội, hoặc nộp tiền tương đương 20% quỹ đất vào ngân sách Nhà nước.
Việc điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Cùng với đó là kiểm tra việc quản lý nguồn thu từ việc chủ đầu tư nộp tiền tương đương 20% quỹ đất vào ngân sách để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn TP.
Theo Nghị quyết 98, UBND TP phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt, bảo đảm tỷ lệ diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật có liên quan.
>>Hải Phòng: Phấn đấu hoàn thành 33.500 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030
Trước đó, tại phiên họp tình hình kinh tế - xã hội quý 1 triển khai nhiệm vụ giải pháp quý 2 do UBND TP.HCM tổ chức, ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết các dự án nhà ở xã hội của TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn.
Trong quý I, 18 dự án nhà ở xã hội đăng ký, có 9 dự án khởi công, động thổ nhưng đều vướng chính sách liên quan các luật nhà ở, đất đai, tài sản công. Tuy nhiên, hầu hết các dự án nhà ở xã hội khởi công xong để đó là do pháp lý chưa hoàn chỉnh, chủ yếu chủ đầu tư khởi công để lấy ngày, sau đó sẽ hoàn thiện thủ tục để thi công.
Đơn cử, cuối tháng 4/2022, Sở Xây dựng TP.HCM phối hợp với Tập đoàn Nam Long tổ chức lễ động thổ dự án nhà ở xã hội tại Khu dân cư Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh). Thế nhưng sau đó, khu vực triển khai dự án vẫn im lìm, cỏ dại bao phủ đầy mặt bằng dự án.
Một dự án khác là nhà ở xã hội MR1 thuộc Khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7) cũng trong tình trạng "đắp chiếu". Ngày 30/8/2022, dự án này được Sở Xây dựng TP.HCM phối hợp cùng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Xuân Mai Sài Gòn làm lễ động thổ trên khu đất rộng 7.000 m2, cung cấp 712 căn hộ cho 1.400 người lao động có thu nhập trung bình với đầy đủ tiện ích. Nhưng động thổ xong dự án không triển khai gì thêm.
Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành cho biết, hầu hết các dự án khởi công xong để đó là do pháp lý chưa hoàn chỉnh, chủ yếu là "khởi công để lấy ngày", sau đó sẽ hoàn thiện thủ tục để thi công.
Theo ông Nghĩa, từ đầu năm 2022 đến nay, chính quyền TP.HCM đã tạo điều kiện để dự án có thể triển khai, song trên thực tế vẫn còn vướng ở một số sở, ngành.
Cụ thể, theo hướng dẫn mới nhất của thành phố thì thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội có ba bước. Sau khi thực hiện bước một là đánh giá sơ bộ điều kiện cơ bản như phù hợp quy hoạch, pháp lý đất đai, Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện bước hai là tham mưu UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, Sở này cho rằng, chủ trương đầu tư được chấp thuận trước khi điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 là không phù hợp với Luật Đầu tư. Vì vậy, các dự án bị tắc ở đây nên không thể làm tiếp bước ba là lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Chưa kể, vấn đề chi phí cũng là một rào cản lớn đối với các chủ đầu tư. Làm nhà ở xã hội chỉ lãi 10%, nhưng thời gian làm mất khoảng 5 năm, như vậy mỗi năm lợi nhuận chỉ có 2%. Con số lợi nhuận này thua xa tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng.
Có thể bạn quan tâm
Mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội: Xem xét các trường hợp yếu thế
12:00, 23/08/2023
Hải Phòng: Phấn đấu hoàn thành 33.500 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030
03:00, 22/08/2023
Hải Dương: Hơn 1 vạn người dân có nhu cầu nhà ở xã hội
02:00, 22/08/2023
Mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội
14:38, 21/08/2023
Nguồn vốn tối ưu phát triển nhà ở xã hội
13:00, 20/08/2023