HoREA đề xuất tiếp tục sửa đổi “bất cập” tại Thông tư 06/2023
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN ngưng thực hiện một số quy định của Thông tư 06/2023/TT-NHNN để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp.
>>Bất động sản hai cực Đông - Tây Hà Nội lập thế cân bằng?
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết đây là tin mừng rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng thuộc các lĩnh vực của toàn bộ nền kinh tế có điều kiện tiếp cận tín dụng được thuận lợi hơn và đồng thời cũng tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong việc cung ứng vốn để góp phần vào công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế, tạo việc làm và ổn định an sinh xã hội.
Tuy nhiên, HoREA tiếp tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định khác.
Một là, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 Điều 16 Thông tư 22/2019/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Thông tư 08/2020/TT-NHNN) theo hướng đề nghị gia hạn thêm 12 tháng, bởi lẽ chỉ còn hơn 01 tháng nữa (01/10/2023) thì các tổ chức tín dụng “phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 30%.
Hai là, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính mình.
Theo HoREA, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp, nên hoạt động phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ của chính mình là hợp pháp.
Và căn cứ khoản 1 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì nhà đầu tư có quyền đề xuất vay tín dụng và tổ chức tín dụng có nghĩa vụ xem xét cấp tín dụng cho “mục đích sử dụng vốn hợp pháp” này của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về tín dụng, nên rất cần thiết phải “bỏ” điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát để xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định “bất cập” tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN mà các doanh nghiệp, Hiệp hội và chuyên gia đã kiến nghị, bởi lẽ Thông tư 10/2023/TT-NHNN ngày 23/08/2023 của Ngân hàng Nhà nước chỉ mới “ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 01/09/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này”, chứ tại thời điểm hiện nay thì chưa có “văn bản quy phạm pháp luật” nào về việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định này.
Trước đó, nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp bất động sản cho rằng, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN đã tạo ra một số quy định cho vay "thắt chặt" hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, việc tiếp cận nguồn vốn trở nên khó khăn. Trong đó, hai nội dung bất cập nổi bật trong Thông tư 06 được chỉ ra là tăng thêm các trường hợp không được cho vay vốn và chưa rõ ràng về điều kiện vay. Điều này sẽ tiếp tục gây ách tắc, ảnh hưởng đến nguồn cung và khả năng mua nhà của người dân.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP Invest) chia sẻ, trong tình hình ngành bất động sản đang khó khăn, việc áp dụng các quy định thắt chặt về vay vốn có thể gây ra tình trạng "siết" đối với các doanh nghiệp trong ngành. Hiện tại, khi pháp lý của các dự án gặp nghẽn, đến bước vay vốn, ngân hàng lại lần nữa dùng pháp lý để ép các doanh nghiệp, gây ra tình trạng "siết" lần thứ hai.
Ông Hiệp cho rằng, với các dự án bất động sản, việc sử dụng đất và đầu tư hạ tầng chiếm một phần lớn tổng mức đầu tư, thậm chí lên đến 60-70%. Do đó, việc tiếp cận vốn tín dụng từ giai đoạn dự án bắt đầu triển khai là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, các dự án có quy mô lớn, có thể lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, việc có nguồn vốn tín dụng từ giai đoạn ban đầu càng trở nên cấp bách.
Trong khi đó, tình trạng tín dụng bị "siết" như vậy sẽ tiếp tục gây “tắc” cho thị trường bất động sản và khó vượt qua khó khăn sau nhiều nỗ lực từ các chính sách và sự hợp tác của các bộ, ngành, địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Lại bỏ quy định bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn
16:51, 24/08/2023
Bất động sản hai cực Đông - Tây Hà Nội lập thế cân bằng?
05:00, 24/08/2023
Giao dịch bất động sản qua sàn: Có nên bắt buộc?
00:10, 24/08/2023
Điều gì thú vị ở doanh nghiệp bất động sản lấy Đạo Phật làm nền tảng?
14:28, 23/08/2023