Nam Định: Hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp đón các nhà đầu tư
Với cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, cộng với cơ sở hạ tầng KCN, hạ tầng giao thông đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao... Nam Định đã sẵn sàng để đón các nhà đầu tư.
>>>Nam Định: Thi công cây cầu mang tính liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng
Từ hạ tầng KCN...
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định, nhằm góp phần thu hút đầu tư, thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng của tỉnh Nam Định đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển các khu, CCN theo quy hoạch.
Theo quy hoạch đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh đã có 4 KCN (Hoà Xá, Mỹ Trung, Dệt may Rạng Đông, Bảo Minh) hình thành với tổng diện tích 1.091,20ha. Mặt khác, tỉnh cũng đã chủ động đưa ra khỏi quy hoạch một số diện tích chưa thành lập do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, dùng quỹ đất để phát triển KCN khác có điều kiện thuận lợi hơn.
Thời kỳ 2021-2030, tỉnh quy hoạch mới 8 KCN với diện tích là 1.454,80ha, nâng tổng số lên 12 KCN với tổng diện tích 2.546ha năm 2030. Trong giai đoạn 2031-2050 tỉnh sẽ mở rộng, tăng thêm 30 KCN mới với diện tích là 5.843ha, nâng tổng số đến năm 2050 tỉnh là 42 KCN với tổng diện tích 8.389,48ha.
Đối với quy hoạch các CCN, đến năm 2020 toàn tỉnh có 24 CCN đã thành lập với tổng diện tích 496,2ha. cùng với quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tỉnh cũng quy hoạch giai đoạn 2031-2050. Trong đó, đến nay đã có 3 CCN thuộc quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đã thành lập với tổng diện tích 78,6ha (có mở rộng thêm diện tích).
Song song với việc lập quy hoạch, tỉnh Nam Định cũng nỗ lực thu hút đầu tư, hỗ trợ tối đa để chủ đầu tư triển khai xây dựng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, CCN theo quy hoạch; đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính. UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với các sở, ngành có liên quan tích cực cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục, hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng hạ tầng KCN trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.
Đặc biệt, tỉnh còn ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước hàng năm để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông ngoài hàng rào các khu, CCN; quan tâm đầu tư hạ tầng xã hội, ưu tiên trước cho địa bàn có khu, CCN sử dụng nhiều lao động, đã có doanh nghiệp hoạt động hoặc nhiều doanh nghiệp đăng ký.
Các công trình hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành như cấp điện, cấp nước, thông tin, viễn thông… các đơn vị chuyên ngành tạo điều kiện thuận lợi đầu tư xây dựng để cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư theo hợp đồng giữa các bên.
Ngoài ra, tỉnh còn tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng các khu, CCN được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng nhằm gia tăng nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các khu, CCN. Tỉnh đang tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, CCN đã sẵn sàng về quỹ đất để cung ứng cho nhà đầu tư thứ cấp triển khai xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Kiểm - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Bảo Minh cho biết: “Chúng tôi đang tập trung hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp với phương châm có mặt bằng sạch đến đâu sẽ triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật ngay đến đó kịp thu hút đầu tư. Từ đầu năm 2023 đến nay đã có rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… đến khảo sát, ký ghi nhớ đầu tư tại Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng”.
Để tạo sức hút đối với các nhà đầu tư, Khu công nghiệp Bảo Minh đã và đang tiếp tục đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng như nhà máy xử lý nước sạch với công suất 40.000 m3/ngày đêm; đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 3.000 m3/ngày đêm, đảm bảo không thoát nước thải ra môi trường. Khu công nghiệp mở rộng sẽ hướng tới những nhà đầu tư sản xuất các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao, phù hợp với định hướng phát triển xanh, không thu hút các doanh nghiệp nhỏ quy mô mặt bằng sản xuất dưới 2 ha.
Theo ông Phạm Ngọc Chi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vụ Bản, để sớm bàn giao mặt bằng phục vụ dự án Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng, huyện đã thành lập Ban giải phóng mặt bằng, tổ chức nhiều cuộc đối thoại, vận động người dân. Hiện nay hầu hết người dân đều đồng tình bàn giao mặt bằng, huyện sẽ cố gắng vận động, thuyết phục các hộ còn lại di chuyển để Khu công nghiệp sớm đón các nhà đầu tư, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Hiện nay các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định như: Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng; Khu công nghiệp Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc; Cụm công nghiệp Yên Bằng, huyện Ý Yên; Cụm công nghiệp Thanh Côi, huyện Vụ Bản… đang gấp rút hoàn thiện hạ tầng để sớm thu hút các nhà đầu tư.
...đến kết nối liên vùng
Theo ông Đỗ Ngọc Hòa - PGĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định, đến hết tháng 8/2023, tỉnh Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 24 dự án (bao gồm 18 dự án đầu tư trong nước và 6 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký khoảng 1.270 tỷ đồng và 141,3 triệu USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,3%, tổng sản phẩm GRDP của Nam Định ước tăng 8,5%, đứng thứ 6 toàn quốc và đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng.
Đặc biệt, Nam Định đã đón làn sóng đầu tư lớn từ các tập đoàn nước ngoài như: Tập đoàn Quanta Computer Inc đầu tư dự án sản xuất máy tính với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD, công suất thiết kế dự kiến 4,5 triệu máy tính/năm; Tập đoàn JiaWei đầu tư nhóm ba dự án sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao với tổng số vốn dự kiến khoảng 100 triệu USD; Tập đoàn Sunrise Material đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc polymer công nghệ cao trị giá 100 triệu USD…
Ông Nguyễn Mai Thuận - Phó Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Nam Định cho biết, bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp, điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khi đến với Nam Định là đang hoàn thiện nhiều dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng, trong đó có dự án tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại tới các cảng biển, sân bay góp phần giải quyết yêu cầu về logistics cho các doanh nghiệp.
Để phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng, tỉnh Nam Định đã xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông cho từng giai đoạn như: Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Nam Định năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Nam Định năm 2020, định hướng đến năm 2030; bổ sung quy hoạch tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – đường bộ ven biển; bổ sung quy hoạch tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định – đường trục phát triển kinh tế biển Nam Định…
Ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết: Để kịp thời đón nhận những làn sóng dịch chuyển đầu tư, tỉnh Nam Định đang tích cực đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm như: xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển; giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ – Ninh Bình; xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; xây dựng cầu qua sông Đào, đường trục phía nam thành phố Nam Định…
Ngoài ra, tỉnh cũng đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ; phê duyệt các quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Hải Hậu – Giao Thủy, vùng liên huyện Nghĩa Hưng – Ý Yên… để thu hút các nhà đầu tư.
Có thể bạn quan tâm