Đề xuất lập trung tâm giao dịch bất động sản của Nhà nước
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến các bộ, ngành về đề xuất thành lập trung tâm giao dịch bất động sản của Nhà nước trên cơ sở tích hợp sàn giao dịch quyền sử dụng đất với sàn giao dịch bất động sản.
>>> "Hai mặt" giao dịch bất động sản qua sàn
Mới đây, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ TN-MT nghiên cứu lập sàn giao dịch bất động sản và sàn giao dịch quyền sử dụng đất. Quá trình thực hiện chỉ đạo này, Bộ Xây dựng nhận thấy nên tích hợp 2 sàn giao dịch thành trung tâm giao dịch quyền sử dụng đất.
Bộ Xây dựng đã gửi văn bản lấy ý kiến Văn phòng Chính phủ, Bộ TN-MT, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công an về chủ trương tích hợp sàn giao dịch quyền sử dụng đất với sàn giao dịch bất động sản thành trung tâm giao dịch bất động sản.
Trung tâm này thuộc UBND các tỉnh, thành, có ba nhiệm vụ chính: quản lý giao dịch bất động sản, thu thuế, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cơ cấu bộ máy có 1 giám đốc và 2 phó giám đốc, do chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm. Bên dưới có các bộ phận chuyên môn: tiếp nhận hồ sơ, hành chính tổng hợp...
Bộ Xây dựng cho rằng việc thành lập trung tâm là giải pháp đổi mới cách thức vận hành của thị trường bất động sản, đơn giản hóa thủ tục, chống thất thu thuế, chống rửa tiền.
Trung tâm này sẽ tích hợp hệ thống dữ liệu của các đơn vị liên quan để quản lý giao dịch bất động sản, thu thuế, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoạt động theo cơ chế một cửa liên thông.
Hai bên giao dịch chỉ cần đi lại một lần đến trung tâm có thể làm xong tất cả thủ tục. Bên bán và bên mua thực hiện các thủ tục khai báo thông tin mua bán bất động sản qua trung tâm và sau 2 ngày xét duyệt có thể nhận ngay sổ đỏ.
Trong văn bản góp ý mới đây, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân đề xuất xây dựng theo hai mô hình: Trung tâm của nhà nước và của doanh nghiệp để tận dụng các sàn giao dịch bất động sản hiện nay, tránh tạo ra bất ổn chính trị, xã hội.
>>> "Lệch pha" kỳ vọng giá bất động sản
Bộ TN-MT đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung hành lang pháp lý về việc giao dịch bất động sản, giao dịch quyền sử dụng đất cũng như các quy định về kinh doanh bất động sản, đất đai, công chứng để đề xuất sửa đổi. Bộ Xây dựng cũng cần đánh giá về tình hình hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản (số lượng, mô hình, phạm vi hoạt động) và kết quả, tình hình thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất qua các năm.
Về phía Bộ Công an, trong văn bản góp ý cũng nêu quan ngại các nhiệm vụ như quản lý giao dịch bất động sản, quản lý thu thuế, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có chồng lấn nhiệm vụ của các cơ quan khác nên đề nghị rà soát lại. Đặc biệt, chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là nhiệm vụ do văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện và Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai quản lý.
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: Lâu nay các bất động sản được giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản chủ yếu là các sản phẩm hình thành trong tương lai, chưa có quyền sử dụng đất. Còn QSDĐ hầu hết vẫn được giao dịch một cách tự do, không kiểm soát trong dân. Trong khi, chính loại “sản phẩm” này mới chiếm số lượng lớn và giá trị giao dịch cao trên thị trường bất động sản. Điều này vô hình chung trở thành nguồn cơn của rất nhiều hệ lụy, gây nhiễu loạn thị trường, khiến Nhà nước thất thoát thuế.
Nhìn sang câu chuyện của các nước có thị trường bất động sản phát triển, giao dịch bất động sản đều phải thực hiện qua sàn hoặc một đơn vị trung gian.
Tại Mỹ, để giao dịch nhà đất, người bán, trao tặng và người mua, nhận trao tặng phải giao dịch và thanh toán thông qua trung gian một công ty môi giới. Kể cả khi người bán và người mua chủ động tìm kiếm nhau một cách tự do. Sau đó, mọi giao dịch vẫn bắt buộc phải qua bên thứ ba.
Quay trở lại Việt Nam, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi (đang được trình Quốc Hội xem xét) cũng quy định các giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch.
Theo TS Đính, muốn sàn giao dịch quyền sử dụng đất thực sự phát huy được tác dụng, không chồng chéo, gây phát sinh thêm các thủ tục hành chính phức tạp cho người dân, cần phải có một quá trình nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, tỉ mỉ.
Việc làm này yêu cầu sự tham gia, phối hợp của cả các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia đầu ngành. Đặc biệt, sự tham gia ý kiến từ những cá nhân, tổ chức có kinh nghiệm thực tiễn là rất quan trọng.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Kinh doanh bất động sản: Có nên thể chế hóa condotel?
04:00, 26/09/2023
Sửa Luật Kinh doanh bất động sản: Cần làm rõ dấu hiệu thao túng thị trường
04:00, 01/09/2023
Sửa Luật Kinh doanh bất động sản: Cần thiết phải công chứng, chứng thực trong giao dịch
03:50, 31/08/2023
Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi): Vai trò "đặc biệt" của tổ chức môi giới
05:00, 20/08/2023
Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi): Cần xóa bỏ tư duy “không buôn gì lãi bằng buôn đất”
16:48, 23/06/2023