"Lệch pha" quy hoạch khiến doanh nghiệp và địa phương khó xử lý
Các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đang có sự chồng chéo lẫn nhau dẫn đến bất cập trong quản lý cũng như ảnh hưởng quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.
>>Yêu cầu hoàn chỉnh 6 nội dung trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội
Vừa qua tại nghị trường thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nội dung về nguyên tắc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, được quy định tại khoản 9, Điều 60 dự thảo Luật, đã nhận về nhiều ý kiến.
Không phải chuyện mới
Hiện tại, về nội dung này, dự thảo Luật đưa ra 3 phương án:
Phương án 1: Cho phép các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời nhưng quy hoạch cấp cao hơn phải được phê duyệt, quyết định trước quy hoạch thấp hơn. Khi kết thúc thời kỳ quy hoạch sử dụng đất mà quy hoạch thời kỳ mới chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt thì tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu chưa thực hiện đến khi quy hoạch sử dụng đất thời kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
Phương án 2: Các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời; quy hoạch được lập, thẩm định xong trước được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh phù hợp quy hoạch cao hơn. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 598/BC-CP.
Phương án 3: Quy hoạch sử dụng đất các cấp được lập, quyết định, phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Với 3 phương án trên, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn Phú Thọ) đã có đề nghị rà soát, phân định rõ ranh giới về nội dung giữa các quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia để bảo đảm có sự khớp nối liên tục trong một chỉnh thể thống nhất giữa các quy hoạch, không để khoảng trống.
Trên thực tế, những năm qua, tình trạng các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đang có sự chồng chéo lẫn nhau dẫn đến bất cập trong quản lý cũng như ảnh hưởng quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, thời kỳ quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất được lập cho giai đoạn 10 năm còn quy hoạch xây dựng lập cho giai đoạn từ 15-20 năm, thậm chí 25 năm. Giai đoạn quy hoạch khác nhau, thời điểm lập quy hoạch khác nhau nên tính đồng bộ về quy hoạch rất khó.
Một bất cập nữa là không gian lập quy hoạch đô thị đối với quy hoạch chung đô thị được lập theo ranh giới của một đô thị hoặc định hướng phát triển chung có thể phát triển ra ngoài địa giới hành chính của một đô thị. Trong khi đó, quy hoạch sử dụng đất chỉ xác định theo ranh giới hành chính của từng địa bàn nên phát sinh các bất cập. Ngoài ra, tên gọi, ký hiệu chức năng theo quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị có sự khác nhau dẫn đến các vướng mắc trong việc quản lý đất đai, xây dựng.
Hệ quả có thể thấy như tại Bắc Giang, có tới 24 dự án khu đô thị, khu dân cư đã được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc đang lựa chọn nhà đầu tư. Các dự án này bị “tắc” do không phù hợp với phương án khoanh vùng đất đai kèm theo Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rất nhiều dự án có nguy cơ bị dừng nếu không đủ điều kiện triển khai sau khi rà soát và xin ý kiến các cơ quan chức năng.
Theo đó, Bắc Giang đã phải đã phải rà soát từng dự án, nếu đủ điều kiện triển khai thì đề xuất cho phép triển khai hoặc đề xuất dừng triển khai nếu không đủ điều kiện.
>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến năm 2040
Thống nhất quy định
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh), dẫn chứng, đối với quy hoạch về sử dụng đất quốc gia, các quy định về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất, căn cứ và nội dung kế hoạch sử dụng đất quốc gia được quy định tại Điều 65 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong khi đó, nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia lại được quy định tại Điều 24, Luật Quy hoạch. Vấn đề này cũng xảy ra tương tự đối với nội dung đất quốc phòng, an ninh và một số loại đất khác.
Như vậy, nếu giữ nguyên như dự thảo Luật thì sau khi ban hành việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật sẽ bị xé lẻ, manh mún.
Theo đại biểu, đặt cương vị là đơn vị lập quy hoạch sử dụng đất thì phải áp dụng cùng một lúc hai luật bởi nội dung tuy nằm trong Luật Quy hoạch nhưng căn cứ lại thuộc Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu này đề nghị, các quy định về quy hoạch sử dụng đất cần được sửa đổi, bổ sung vào ngay Chương 5 của dự thảo Luật lần này. Đồng thời, bãi bỏ các quy định về nội dung, quy trình đang bị chồng chéo tại Luật Quy hoạch.
Trong khi đó, trao đổi với PV, đại diện một doanh nghiệp bất động sản cho biết, sự thiếu đồng bộ giữa các quy hoạch còn được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép. Bởi có một số trường hợp, một số cá nhân, tổ chức có đất ở vị trí phù hợp với quy hoạch sử dụng đất nhưng lại chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng, do thời gian chờ đợi điều chỉnh quy hoạch hay hoàn thành các thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng có thời hạn quá lâu đã… “làm liều” xây dựng trước khi được cấp phép.
Nói như vậy để thấy, việc tháo gỡ các vướng mắc, điều chỉnh các quy định để đồng bộ các quy hoạch là nhu cầu rất bức thiết hiện nay. Chỉ khi các quy hoạch có được sự đồng bộ, thống nhất, loại bỏ được các bất hợp lý, vướng mắc thì quyền lợi của người dân, doanh nghiệp mới được đảm bảo.
Có thể bạn quan tâm
Lào Cai: Quy hoạch "mở đường"
11:27, 05/11/2023
Yêu cầu hoàn chỉnh 6 nội dung trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội
22:59, 04/11/2023
Địa phương đề xuất thêm cơ cấu nguồn điện trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VII
13:21, 31/10/2023
Điện mặt trời mái nhà: Cần phát triển phù hợp với mục tiêu của Quy hoạch điện VIII
03:00, 28/10/2023