Đưa nhà trọ vào khuôn khổ

DIỆU HOA thực hiện 18/11/2023 06:00

Cần thiết bổ sung vào Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh khu nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê theo quy định của Chính phủ.

>>> Nghịch lý nhà ở xã hội vừa thiếu vừa ế

Đó là chia sẻ của ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cùng DDDN, xung quanh câu chuyện TP HCM phát hiện 58 công trình với 2.165 "hộp ngủ" tiềm ẩn nguy cơ về tính mạng khi xảy ra sự cố.

“Bom nổ chậm” từ nhu cầu lưu trú thực

- Những “hộp ngủ” không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy, được ví như những quả “bom nổ chậm”, vì đâu vẫn tồn tại, thưa ông?

TP. HCM có khoảng 3 triệu người nhập cư và thành phố vẫn phải chịu trách nhiệm bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có vấn đề nhà ở cho toàn bộ người dân của thành phố bao gồm người nhập cư, công nhân nhập cư.

Chỉ riêng với công nhân trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với 1.062 doanh nghiệp, gồm 653 doanh nghiệp trong nước và 409 doanh nghiệp FDI, lao động ngoại tỉnh (nhập cư) đã chiếm tỉ lệ 65%.

Tuy nhiên, đến nay chỉ mới có 6 khu chế xuất, khu công nghiệp xây dựng hoàn thành khu lưu trú công nhân (khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung 1, Tân Bình, Tân Tạo, Hiệp Phước, Vĩnh Lộc). Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đã xây dựng nhà lưu trú công nhân.

Nhưng, các khu nhà lưu trú mới giải quyết chỗ ở cho khoảng 15% công nhân lao động các khu chế xuất, khu công nghiệp và đa số công nhân lao động nhập cư thuê phòng trọ của các cá nhân, hộ gia đình.

Có thể thấy rằng việc ra đời của các phòng trọ diện tích nhỏ, thậm chí là các “hộp ngủ” đều xuất phát từ nhu cầu lưu trú chính đáng của người dân. Có thể, họ thuê trọ tại các khu này vì chỉ cần một chỗ ngủ sau những đêm tăng ca mệt nhọc.

Nhưng từ nhà ở riêng lẻ sang phòng trọ được thiết kế dạng “hộp ngủ”, thường không đảm bảo các tiêu chí về an toàn phòng cháy chữa cháy như: Lối thoát nạn, hành lang thoát nạn, các thiết bị, hệ thống phòng cháy chữa cháy. Do đó, cần khắc phục những bất cập này.

Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng trọ

- Vậy cần giải bài toàn về nơi lưu trú cho công nhân, người lao động không đủ tài chính để sở hữu nhà như thế nào, thưa ông?

Cần nhấn mạnh là không chỉ riêng TP HCM mà tất cả các tỉnh, thành khác đều chịu trách nhiệm bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có vấn đề nhà ở cho toàn bộ người dân của địa phương, bao gồm người nhập cư, công nhân nhập cư.

Thời gian qua, quy định pháp luật hiện hành cho phép hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng các khu nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở, nhưng chưa cho phép doanh nghiệp bất động sản thực hiện các dự án khu nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở.

Nếu cho phép doanh nghiệp được tham gia các dự án này, thì sẽ đảm bảo chất lượng xây dựng khu nhà trọ và các tiện ích, dịch vụ phục vụ công nhân, người lao động tốt hơn. Từ đó, sẽ tạo "áp lực" cạnh tranh lành mạnh buộc các hộ gia đình, cá nhân đang sở hữu các khu nhà trọ phải đảm bảo chất lượng công trình và tăng các tiện ích, dịch vụ phục vụ người thuê tốt hơn.

>>> 6 nội dung chỉnh lý mới nhất trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi

Ngoài ra, điều này cũng phù hợp với định hướng khuyến khích việc chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp.
Một ví dụ thực tiễn là trường hợp tại khu nhà trọ tại thị trấn An Lạc, quận Bình Tân. Khu nhà gồm 2 tòa nhà 5 tầng, có thang máy rất khang trang với 285 phòng trọ, mỗi phòng có diện tích 19m2 dành cho 2 người thuê ở (không tính trẻ nhỏ) với giá thuê khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.

 Dự án nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, TP.HCM. Ảnh: V.HOA

Dự án nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, TP.HCM. Ảnh: V.HOA

Khu trọ thực chất do Công ty TNHH Lê Thành đầu tư xây dựng, kinh doanh và trực tiếp quản lý vận hành, nhưng phải "núp" dưới danh nghĩa cá nhân ông Lê Hữu Nghĩa là chủ của Công ty Lê Thành đứng tên dự án để “đúng quy định”.

Khu nhà trọ có phòng sinh hoạt chung, phương tiện nghe nhìn và được Công ty Lê Thành quản lý vận hành, thực hiện đầy đủ đăng ký tạm trú, tạm vắng nên bảo đảm an ninh trật tự, là mô hình rất hiệu quả.

- Để đảm bảo yêu cầu về PCCC, những khu nhà trọ này cần được quản lý ra sao, thưa ông?

Từ ví dụ ở trên, có thể thấy rất cần thiết bổ sung vào Điều 108 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh khu nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê ở theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, cần có quy định tiêu chuẩn thiết kế cho các phòng trọ. Như góp ý trước đó của Hiệp hội là "diện tích tối thiểu" của phòng trọ là 10m2 (hoặc có thể là 12m2; 15m2), diện tích sử dụng không nhỏ hơn 5m2 (hoặc có thể là 6m2; 7,5m2) cho một người để ở, nhằm bảo đảm không gian ở phù hợp, vừa đáp ứng được các cam kết quốc tế về điều kiện ở của công nhân lao động nhưng không tạo áp lực làm tăng giá tiền thuê phòng trọ, vượt quá khả năng tài chính của người thuê.

Đồng thời, nên xem xét có các chính sách hỗ trợ về thuế, về tín dụng ưu đãi cho các chủ nhà trọ để họ cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê ở.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • “Ngộp thở” trong những chiếc hộp ngủ không thấy ánh mặt trời

    “Ngộp thở” trong những chiếc hộp ngủ không thấy ánh mặt trời

    16:07, 15/11/2023

  • Rà soát hàng ngàn

    Rà soát hàng ngàn "hộp ngủ" tại TP.HCM

    01:00, 15/11/2023

  • Startup 'hộp ngủ' Mark Zuckerberg nịnh vợ gọi được vốn hơn 100.000 USD

    Startup 'hộp ngủ' Mark Zuckerberg nịnh vợ gọi được vốn hơn 100.000 USD

    04:05, 20/07/2019

DIỆU HOA thực hiện