Cảnh báo "bẫy" lừa đảo khi mua nhà trên đất nông nghiệp
Việc xây nhà trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về giao dịch. Thế nhưng, nhiều môi giới vẫn “cố tình” rao bán cùng cam kết nhà ở được “bao pháp lý".
>>> 6 nội dung chỉnh lý mới nhất trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi
Thực tế, nhiều năm qua tình trạng lấn chiếm, xây dựng nhà ở kiên cố trái phép diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Dù đã có quy định cụ thể và chế tài xử lý đi kèm, nhưng tại một số địa phương, hoạt động xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Nguy cơ trắng tay
Theo đó, tại nhiều địa phương đã diễn ra tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp. Có nhiều nơi ban đầu chỉ có vài hộ, sau đó, các hộ khác đua nhau làm theo, thậm chí có cả người ở địa phương khác tới đây mua đất nông nghiệp để xây nhà sinh sống. Ngoài ra, cũng có không ít các hộ kinh doanh ban đầu sử dụng khu đất của mình để xây nhà xưởng sản xuất nhưng sau một thời gian đã chuyển sang xây nhà kiên cố.
Lợi dụng sơ hở trên, nhiều môi giới đã xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng tại thời điểm xây dựng hoặc xây dựng xong chưa bị chính quyền địa phương xử phạt vi phạm và được bên bán cam kết không bị phá dỡ. Khi bán sẽ có giá thấp hơn ở nhà có sổ đỏ, sổ hồng. Qua đó, bên bán sẽ đánh trúng vào tâm lý mua nhà giá rẻ đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM hay các tỉnh lân cận, rất nhiều người dân trắng tay vì tin lời môi giới mua nhà ở nông nghiệp với giá rẻ. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Linh (Hà Tĩnh) sau nhiều năm làm công nhân tại Bình Dương đã tích góp được một khoản tiền nhỏ. Sau khi được giới thiệu căn nhà giá rẻ tại khu phố Long Khánh, tỉnh Bình Dương đã đi xem và quyết định mua để ở.
Thời điểm vợ chồng chị Linh đến xem, nhà mới bắt đầu đào móng, cả môi giới và chủ nhà đều hứa “bao xây dựng", “bao tranh chấp". Thế nhưng, khi mới vào ở được 1 năm, chị nhận được thông báo từ UBND phường về việc phải tháo dỡ do nhà xây trên đất nông nghiệp. Chị Linh cùng những hộ dân khác đến liên hệ với chủ đất nhưng không được. Sau khi được cán bộ phường giải thích, chị mới ngỡ ngàng biết rằng hồ sơ công chứng vi bằng không đủ cơ sở để tách lô, ra sổ như hứa hẹn của người bán.
>>> Nghịch lý nhà ở xã hội vừa thiếu vừa ế
“Cả cuộc đời làm công nhân mới tích góp được chút tiền để có chỗ che mưa che nắng. Khi đi xem nhà tôi nhìn xung quanh thấy hàng xóm đã kín, nghĩ không có vấn đề gì nên đã vay mượn thêm tiền để mua nhà. Giờ thì trắng tay" - chị nghẹn ngào kể.
Hay trước đó, tại nhiều tỉnh như Gia Lai, TP HCM, ngoại thành Hà Nội, hàng chục hộ dân đã phải ngậm ngùi dỡ căn nhà nhỏ của mình vì đã “trót” mua nhà trên đất nông nghiệp. Khi nhiều diện tích là đất nông nghiệp bị sử dụng sai mục đích, hệ luỵ để lại là gây thất thoát cho ngân sách, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường. Người dân không chỉ mất trắng mà còn rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất".
Không phải giao dịch hợp pháp
Theo Luật Đất đai 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2014, quy định rất rõ, đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất chủ yếu phục vụ cho việc trồng trọt và chăn nuôi, không có mục đích để ở. Vì thế, người sử dụng đất không được xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất nông nghiệp.
Liên quan đến vướng mắc về xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, lãnh đạo các địa phương giải thích, khi phát hiện các công trình như thế này thì địa phương đã yêu cầu dừng. Tuy nhiên, các chủ đầu tư lợi dụng ban đêm, ngày lễ để tiếp tục làm. Một số cá nhân, tổ chức dựng hàng rào chắn bên ngoài, bên trong tiến hành xây dựng, khi có lực lượng chức năng đến thì rời đi.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân (TP HCM) cho biết, khi phát hiện vi phạm, địa phương xuống nhắc nhở, vận động tháo dỡ. Quận cũng chỉ đạo các phường có nhiều khu đất vướng quy hoạch, khu vực có nguy cơ cao xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp phải tập trung kiểm tra, giám sát. Đối với những khu đất đủ điều kiện chuyển đổi mục đích xây dựng, các cơ quan liên quan sẽ hỗ trợ tối đa thủ tục cho người dân. “Người dân khi xây dựng phải xin phép, không nên mua đất xây nhà ở tại các khu đất không phù hợp quy hoạch để đảm bảo quyền lợi, tránh phát sinh vấn đề về sau".
Theo luật sư Đỗ Trúc Lâm - Giám đốc điều hành hãng luật Lâm Trí Việt, Nghị định 91 xử phạt mức 6-400 triệu đồng, buộc trả lại hiện trạng ban đầu đối với nhà xây trên đất nông nghiệp mà không được cơ quan nhà nước cho phép. Khi xây nhà trên đất quy hoạch, không đúng quy định, người dân như "nắm dao đằng lưỡi", gặp nhiều bất lợi về sau bởi nhà trên đất nông nghiệp không phải là giao dịch hợp pháp. Cho dù bên bán có cam kết nhà ở được bao pháp lý thì nhà ở đó cũng không đủ điều kiện để bán và không thể sang tên, bởi lẽ không có sổ đỏ, sổ hồng.
Có thể bạn quan tâm
Tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp diễn ra ở nhiều địa phương
12:59, 23/05/2023
Phân định rõ đất nông nghiệp và thương mại
02:00, 10/03/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Giúp khai thác hiệu quả nguồn lực đất nông nghiệp
04:00, 01/03/2023
Nghệ An: Xử phạt doanh nghiệp “xoá sổ” đất nông nghiệp để khai thác mỏ
00:02, 15/11/2022