M&A ngân hàng sẽ sôi động hơn
Tăng vốn đang là yêu cầu bức thiết đối với các ngân hàng hiện nay, nhất là các ngân hàng nhỏ. Bởi vậy, sự phân hóa sẽ diễn ra ngày mạnh, kéo theo áp lực sáp nhập để tăng năng lực cạnh tranh.
Theo tính toán của Fitch Ratings vào cuối quý 3, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần tới 20 tỷ USD, tương đương 9% GDP để đáp ứng việc triển khai Basel II.
Muốn tăng vốn… nhưng khó
Theo bà Trần Thúy Ngọc - Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN, ngoài việc tính vốn yêu cầu cho rủi ro tín dụng, các ngân hàng sẽ cần phải tính vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động mà trước đây chưa có quy định. Do đó, phần vốn yêu cầu đối với các ngân hàng sẽ tăng lên.
Theo lộ trình đề ra đến năm 2020, các NHTM có mức vốn tự có theo chuẩn Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 NHTM áp dụng thành công Basel II. Tuy nhiên tính tới cuối tháng 11 vừa qua, mới chỉ có Vietcombank và VIB được NHNN chấp thuận áp dụng Thông tư 41 sớm một năm so với thời hạn hiệu lực.
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II liệu có được nới room tín dụng?
15:00, 29/11/2018
VIB được trao đạt quyết định đạt chuẩn quốc tế Basel II
06:06, 29/11/2018
Nâng tầm quản trị rủi ro với chuẩn Basel II
06:06, 20/11/2018
Bước tiến mới của BIDV trong triển khai Basel II
05:59, 12/04/2018
Sở dĩ như vậy là bởi việc tăng vốn của các ngân hàng đang vấp phải rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do thị trường chứng khoán năm nay trồi sụt bất thường khiến kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn của nhiều nhà băng bị phá sản. Khó khăn càng chồng chất khi mà các Tập đoàn kinh tế Nhà nước lớn thậm chí còn phải thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng theo yêu cầu của Chính phủ. Trong khi đó, các định chế tài chính nước ngoài một mặt cũng tỏ ra thận trọng hơn trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu bất định như hiện nay; mặt khác nếu bỏ vốn đầu tư, họ cũng chọn phương thức thành lập chi nhánh hay ngân hàng con 100% vốn để kinh doanh tại Việt Nam, thay vì liên kết với ngân hàng nội.
Khó tăng vốn cổ phần (vốn cấp 1), buộc các nhà băng phải tính tới chuyện tăng vốn cấp 2 thông qua việc phát hành trái phiếu. TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, việc các ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu thời gian gần đây có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, những trái phiếu kỳ hạn dài có thể được tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng, từ đó làm tăng vốn tự có, giúp cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) đang khá thấp, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng lớn. Thứ hai, các ngân hàng phải huy động vốn trung và dài hạn nhiều hơn nữa vì tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ xuống còn 40% từ năm 2019.
Áp lực sáp nhập
Làn sóng tăng vốn có thể trở thành cuộc đua tranh gay gắt giữa các ngân hàng do nhu cầu lớn mà nguồn lực lại có hạn, và trong cuộc đua này lợi thế vẫn thuộc về các ngân hàng lớn.
Còn nhớ trong mùa ĐHCĐ năm 2018 có đến 18/34 ngân hàng thông qua kế hoạch tăng vốn với số vốn tăng thêm gần 63.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có các ngân hàng tầm trung và lớn thực hiện được mục tiêu đề ra. Trong khi đó, mãi đến nửa cuối năm nay, trong nhóm ngân hàng nhỏ mới có Vietbank và NCB được NHNN chấp thuận cho tăng vốn. Còn hàng loạt kế hoạch tăng vốn của các nhà băng khác như SaigonBank, VietCapital Bank, BaoVietBank… cho đến nay vẫn dậm chân tại chỗ.
Theo các chuyên gia, “cửa” cạnh tranh để tăng vốn của các ngân hàng nhỏ rất hẹp. Thứ nhất, lợi nhuận của các ngân hàng này thấp nên chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng không giúp vốn điều lệ tăng được nhiều. Thứ hai, thông tin của các ngân hàng này kém minh bạch, thị giá cổ phiếu quá thấp nên việc tăng vốn thông qua việc phát hành, chào bán cổ phiếu cũng không dễ dàng.
Nếu không tăng được vốn, lẽ đương nhiên các ngân hàng này sẽ buộc phải giảm thiểu tài sản rủi ro, giảm tăng trưởng tín dụng. Trong khi tín dụng vẫn là nguồn sống chủ yếu khi chiếm tới 70- 80% tổng thu nhập của các ngân hàng, việc giảm tăng trưởng tín dụng cũng đồng nghĩa với doanh thu và lợi nhuận của không ít ngân hàng sẽ không thể đạt được những con số khả quan như năm 2018.
Lợi nhuận thấp lại càng khiến việc tăng vốn của các ngân hàng nhỏ càng khó khăn. Vòng xoáy đó khiến cho sự phân hóa giữa các ngân hàng sẽ ngày càng diễn ra mạnh mẽ và nhóm ngân hàng nhỏ có nguy cơ bị tụt lại phía sau ngày càng xa hơn. Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia, sáp nhập để gia tăng năng lực cạnh tranh là bài toàn cần được tính tới của các ngân hàng nhỏ.
“Việc NHNN đang yêu cầu các ngân hàng phải áp dụng chuẩn mực Basel II là một áp lực và động lực khiến một số NHTM phải tính đến bài toán sáp nhập để lớn hơn”, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho biết và dự báo, trong thời gian từ nay đến 2020, các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng sẽ sôi động hơn 2-3 năm qua.