Vì sao ngân hàng phải chuyển sang thẻ chip?
NHNN đã ấn định lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN. Tuy nhiên theo giới chuyên gia, việc chuyển đổi này không hề đơn giản.
Hiện cả nước có trên 18.200 điểm ATM, cùng gần 300.000 thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS), tăng lần lượt 4,2% và 7,5% so với cuối năm 2017.
Chuyển đổi là cần thiết
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ mất tiền trên tài khoản thẻ. Mặc dù các vụ mất tiền thời gian qua hầu hết là do bị chủ thẻ để lộ mật khẩu, nhưng không thể phủ nhận công nghệ thẻ từ mà các ngân hàng Việt Nam đang áp dụng cũng đang tạo ra khá nhiều lỗ hổng để kẻ gian lợi dụng.
Có thể bạn quan tâm
Nâng khả năng bảo mật thẻ ATM với thẻ chip
05:05, 21/12/2018
Năm 2020, 70 triệu thẻ ATM sẽ được chuyển sang thẻ chip điện tử
10:16, 23/05/2018
Thẻ chip điện tử “chìa khóa” chống lại hacker
06:20, 28/04/2018
Thách thức khi chuyển sang thẻ chip chuẩn EMV
11:21, 16/04/2018
Agribank ra mắt hệ thống phát hành và thanh toán thẻ chip theo chuẩn EMV
11:38, 21/12/2015
Trên thực tế, thẻ từ áp dụng công nghệ bảo mật bằng từ tính và lưu trữ thông tin trên dải băng từ ở mặt sau thẻ. Các thông tin chỉ được mã hóa một lần và khi quẹt thẻ qua máy thanh toán, thông tin sẽ được giải mã. Do vậy, kẻ gian có thể dễ dàng đánh cắp thông tin trên thẻ từ của người dùng.
Theo CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), đơn vị này đang phối hợp với 6 ngân hàng thương mại triển khai thí điểm ứng dụng Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa và dự kiến chính thức công bố phát hành ra thị trường những chiếc thẻ chip nội địa đầu tiên vào quý I/2019.
Trong khi đó, thẻ chip áp dụng công nghệ gắn chip điện tử với bộ vi xử lý, giống như một máy tính thu nhỏ và hoàn toàn độc lập, các thông tin quan trọng đều được mã hóa. Cùng với đó, quy trình giao dịch bằng thẻ chip phải trải qua 8 bước gửi và xác thực thông tin với độ bảo mật cao, do đó an toàn hơn nhiều so với thẻ từ.
Đó chính là lý do tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ, lần đầu tiên NHNN đưa ra lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.
Theo đó, đối với các tổ chức thanh toán thẻ, NHNN yêu cầu đến cuối tháng 12/2019 ít nhất 75% ATM, 100% POS đang hoạt động tại Việt Nam phải chấp nhận thẻ chip tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, và đến cuối tháng 12/2021, 100% ATM/POS đang hoạt động và lắp đặt mới tại Việt Nam phải chấp nhận thẻ chip.
Còn với các tổ chức phát hành thẻ (TCPHT), lộ trình chuyển đổi được chia thành 3 giai đoạn, cụ thể: đến cuối tháng 12/2020, ít nhất 30% số thẻ có BIN do NHNN cấp đang lưu hành của TCPHT tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, đến cuối tháng 12/2021 là 60%, và đến cuối tháng 12/2022 là 100%.
Tốn kém vẫn phải làm
Giám đốc thẻ của một một ngân hàng thương mại lớn cho biết, việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip sẽ khiến các ngân hàng gặp một số khó khăn, thách thức. Theo đó, không chỉ phải thu hồi, thay thế số thẻ từ đã phát hành bằng thẻ chip, ngân hàng còn phải nâng cấp công nghệ, thay thế máy ATM, POS không đọc được thẻ chip. Điều đó đòi hỏi một lượng kinh phí không nhỏ. “Hiện chi phí tối thiểu để phát hành thẻ chip khoảng 70.000 đồng/thẻ, ước tính chi phí thay thế cả chục triệu thẻ mà ngân hàng đã phát hành lên tới mấy trăm tỷ đồng. Đó là một con số không hề nhỏ và liệu ngân hàng có thể yêu cầu khách hàng chia sẻ hay không cũng là cả một vấn đề”, vị này bày tỏ.
Quả vậy, theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến cuối quý III/2018, cả nước có khoảng 101,3 triệu thẻ ngân hàng các loại, trong đó có hơn 85 triệu thẻ từ. Có nghĩa, trong vòng 5 năm tới các ngân hàng phải bỏ ra gần 6.000 tỷ đồng cho việc thay thế lượng thẻ này thành thẻ chip, chưa kể phần kinh phí bỏ ra để nâng cấp công nghệ và lượng máy ATM/POS không tương thích.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của nhiều phương thức thanh toán mới như thanh toán qua điện thoại, thanh toán qua ví điện tử hay thanh toán không tiếp xúc… cũng là lý do khiến các ngân hàng đang cân nhắc, chưa kiên quyết chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.
Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, nếu các ngân hàng thực sự quyết làm thì sẽ không khó. “Đầu tư công nghệ không quá phức tạp, vì công nghệ có sẵn rồi. Vấn đề là các ngân hàng có quyết định làm hay không”, TS. Cấn Văn Lực nói.
NHNN cho biết, việc đưa ra lộ trình nói trên là bởi trên 57% ATM và trên 95% POS đã chấp nhận thẻ chíp, trên 40% thẻ quốc tế đã phát hành là thẻ chíp EMV. Kết quả triển khai thí điểm cũng cho thấy, các quy định kỹ thuật tại Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa do NHNN công bố là khả thi trên môi trường thực tế.