Triển vọng kinh doanh 2019: Các nhà băng quá lạc quan?
Vụ Dự báo Thống kê thuộc NHNN Việt Nam vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý I/2019, cho thấy một tâm lý vô cùng lạc quan của các nhà băng.
Từ kỳ vọng...
Theo đó, có tới 79,3% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện” trong quý I và 88,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 “cải thiện” hơn so với năm 2018, trong đó 24-35% TCTD kỳ vọng “cải thiện nhiều”.
Đặc biệt, các TCTD kỳ vọng nhu cầu của khách hàng về việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2019, trong đó nhu cầu vay vốn tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng cao nhất; nhu cầu tiền gửi, thanh toán và thẻ cũng được kỳ vọng tăng với tốc độ cao hơn trong quý đầu năm.
Cụ thể, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,1% trong quý I và tăng 15,27% trong năm 2019 (thấp hơn đáng kể so mức tăng thực tế 18,24% năm 2017 và mức tăng kỳ vọng 17,71% của năm 2018). Trong khi đó, huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 3,71% trong quý I và tăng 13,9% trong cả năm 2019 (thấp hơn mức tăng thực tế 14,98% năm 2017 và mức kỳ vọng 16,66% của năm 2018).
Có thể bạn quan tâm
Lãi suất cho vay khó tránh khỏi tăng cao trong năm 2019
11:01, 17/01/2019
Khó ổn định mặt bằng lãi suất 2019
05:13, 12/01/2019
Mặt bằng lãi suất mới
11:01, 14/12/2018
Mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng trong năm 2019?
11:01, 10/12/2018
Siết tín dụng, lợi nhuận ngân hàng năm 2019 có bị ảnh hưởng?
05:01, 14/01/2019
Lợi nhuận ngân hàng tư nhân nhóm đầu gọi tên ngân hàng nào?
08:44, 12/02/2018
Do kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ được cải thiện nên có tới 59,3% TCTD dự kiến tiếp tục tuyển thêm lao động ngay trong quý đầu năm nay.
Các TCTD cũng nhận định và kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng tiếp tục được giữ ở mức thấp và có xu hướng giảm trong năm 2019 so với năm 2018. Mặt bằng lãi suất huy động vốn – cho vay được các TCTD kỳ vọng tiếp tục duy trì ổn định trong quý I và cả năm 2019.
Cũng là điều dễ hiểu cho tâm lý lạc quan này của các nhà băng khi mà họ vừa khép lại năm 2018 với một kết quả kinh doanh khá mỹ mãn. Theo đó, phần lớn các ngân hàng đều đạt hoặc vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2018, thậm chí một số ngân hàng còn vượt ở mức rất cao. Đơn cử như Vietcombank đã kết thúc năm 2018 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 63,5% so với năm 2017. BIDV cũng đạt lợi nhuận trước thuế 8.959 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2017. Ngay như VietinBank, mặc dù trong quý cuối năm 2018, nhà băng này đã phải giảm dư nợ tín dụng để đảm bảo hệ số an toàn vốn, song lợi nhuận cả năm cũng đạt tới 6.800 tỷ đồng. Các ngân hàng trong khối cổ phần cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm qua.
… đến thực tế
Theo các chuyên gia, việc các nhà băng đưa ra những kỳ vọng, dự báo lạc quan như vậy một phần cũng bởi cuộc điều tra do Vụ Dự báo thống kê NHNN thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 24/11/2018 đến ngày 14/12/2018, tức trước khi Chỉ thị 01/2019/CT-NHNN của Thống đốc NHNN được ban hành với tinh thần sẽ tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ kiểm soát lạm phát cũng như củng cố năng lực tài chính của các nhà băng để đáp ứng chuẩn Basel II.
Trên tinh thần đó, tăng trưởng tín dụng năm 2019 sẽ được khống chế ở mức 14%, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Lẽ đương nhiên khi tín dụng bị siết lại sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu và lợi nhuận của các nhà băng khi mà tín dụng vẫn đóng góp tới 70- 80% tổng nguồn thu của họ.
Đó là chưa kể thời điểm áp dụng Basel II đã cận kề, nhiều nhà băng chẳng những không dám đẩy tăng tín dụng, thậm chí có thể còn phải thu hẹp nếu không tăng được vốn như trường hợp của VietinBank hồi cuối năm 2018. Tín dụng không tăng thì lợi nhuận sao tăng cao được.
Chưa kể, biên lợi nhuận (NIM) của các nhà băng được dự báo sẽ thu hẹp lại so với năm 2018 khi mà lãi suất huy động vẫn đang có xu hướng tăng và nhiều dự báo cho thấy mặt bằng lãi suất năm 2019 có thể sẽ tiếp tục đứng ở mức cao do áp lực lạm phát năm nay vẫn rất lớn. Trong khi đó, lãi suất cho vay lại không thể theo kịp, thậm chí hiện lại đang chịu sức ép giảm với việc 4 ông lớn tuyên bố giảm lãi suất ngay thời điểm đầu năm nay.
Không chỉ vậy, theo Công ty chứng khoán BVSC, NIM của một số ngân hàng còn bị giảm do tác động tiêu cực từ việc giảm tỷ lệ ngắn hạn cho vay trung dài hạn về còn 40% và nguồn vốn giá rẻ từ kho bạc giảm trong năm 2019.
Với tất cả những điều đó, không ít chuyên gia nhận định, lợi nhuận của các nhà băng có thể đã đạt đỉnh trong năm vừa qua và khó có thể duy trì ở mức cao như vậy trong năm nay, trừ khi các ngân hàng đẩy mạnh cung ứng dịch vụ, giảm bớt phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng.