Ai quản cho vay ngang hàng?

Hà Anh 26/01/2019 04:40

Hiện hành lang pháp lý đối với hoạt động cho vay ngang hàng (P2P) vẫn đang để ngỏ và vẫn chưa biết cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý hoạt động này.

Mô hình P2P đã xuất hiện tại nhiều quốc gia phát triển từ cách đây hơn chục năm nay.

Mô hình P2P đã xuất hiện tại nhiều quốc gia phát triển từ cách đây hơn chục năm nay.

P2P là hình thức người có tiền và cần tiền sẽ tìm đến nhau và giao dịch mà không phải qua ngân hàng. Mô hình này đã tạo ra một kênh cung ứng vốn mới trên thị trường, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển.

Điểm tích cực đầu tiên của mô hình P2P là mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho nhiều khách hàng, đặc biệt những người không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng. Thứ hai, thủ tục vay cũng rất đơn giản, khách hàng không cần chứng minh tài chính, thời gian giải ngân nhanh.

Có thể bạn quan tâm

  • Chế tài nào quản lý dịch vụ P2P tại Việt Nam?

    Chế tài nào quản lý dịch vụ P2P tại Việt Nam?

    11:01, 15/01/2019

  • Tránh “vết xe đổ” P2P của Trung Quốc

    Tránh “vết xe đổ” P2P của Trung Quốc

    11:30, 25/11/2018

  • Làm sao tránh vết xe đổ cho vay ngang hàng của Trung Quốc?

    Làm sao tránh vết xe đổ cho vay ngang hàng của Trung Quốc?

    08:12, 20/11/2018

  • Bài học quản lý cho vay ngang hàng

    Bài học quản lý cho vay ngang hàng

    17:05, 17/11/2018

  • Cần sớm có khung pháp lý cho vay ngang hàng

    Cần sớm có khung pháp lý cho vay ngang hàng

    16:50, 15/11/2018

Với những thế mạnh như vậy, nên vừa chớm “nở” tại Việt Nam trong 1-2 năm trở lại đây, song mô hình P2P phát triển rất nhanh. Hiện trên thị trường đã có khá nhiều cái tên như huydong.com, Tima, SHA, Mobivi, Vaymuon.vn, Mofin hay Lenbiz… Quy mô hoạt động của các công ty này cũng tăng trưởng chóng mặt.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hoạt động P2P cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Thông tin của các bên liên quan có thể bị khai thác bất hợp pháp; hệ thống lưu trữ thông tin của Công ty P2P có thể bị hack dẫn đến toàn bộ thông tin giao dịch của các bên bị mất hoặc xóa; một số đối tượng ẩn danh và núp bóng giao dịch trên các nền tảng P2P để trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố; rồi tình trạng lừa đảo, chiếm dụng vốn bất hợp pháp, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen “núp bóng” các nền tảng P2P…

Rủi ro càng thêm lớn khi mà các nền tảng P2P chỉ có vốn điều lệ vỏn vẹn vài tỷ đồng và hoạt động dưới hình thức kết nối giữa người vay và người cho vay, nên nếu xảy ra tranh chấp, khó truy đòi trách nhiệm từ các công ty cung ứng nền tảng P2P. Sự sụp đổ của mô hình này tại Trung Quốc càng khiến người ta lo lắng.

Mới đây, NHNN đã chính thức lên tiếng khẳng định, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng các nền tảng P2P để thực hiện một trong các hoạt động ngân hàng mà không được NHNN cấp phép là vi phạm pháp luật. “Đối với quan hệ cho vay trực tiếp, không phải hoạt động kinh doanh giữa các tổ chức, cá nhân (không được thực hiện bởi các TCTD) thông qua việc sử dụng kết nối dựa trên ứng dụng Internet như một số hoạt động P2P có thể coi là các giao dịch dân sự và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các TCTD”, NHNN Việt Nam khẳng định.

Khẳng định nói trên của NHNN có thể hiểu, hoạt động kết nối giữa người cho vay và người vay mà các nền tảng P2P ở Việt Nam đang thực hiện không thuộc phạm vi quản lý của NHNN. Vậy câu hỏi đặt ra là cơ quan nào sẽ quản lý hoạt động này?

Cũng theo NHNN, hiện cơ quan này vẫn đang phối hợp các cơ quan có liên quan nghiên cứu chính sách quản lý hoạt động P2P. Điều đó cũng có nghĩa hành lang pháp lý đối với hoạt động P2P vẫn được để trống, cho dù hoạt động này đang phát triển mạnh mẽ và rủi ro vẫn đang tiềm ẩn đối với những người tham gia.

TS.Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, dù P2P tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng không thể cấm hoạt động này. Tuy nhiên, trước khi có luật quản lý P2P, thì cần có quy định tạm thời về hoạt động cho vay giữa các cá nhân như lãi suất, phương pháp trả nợ, thu hồi nợ...

Dẫn ra kinh nghiệm quản lý mô hình này tại một số quốc gia, giới chuyên gia cũng khuyến nghị, cần xem P2P như hoạt động cho vay thực sự và phải được quản lý tương tự như hoạt động tín dụng của các TCTD. Theo đó, Việt Nam cần có quy định pháp lý về tiêu chuẩn cấp phép, trong đó có mức vốn tối thiểu, đội ngũ quản lý… đối với công ty P2P.

Hà Anh