Nhà băng Việt vươn ra toàn cầu

Hà Anh 09/02/2019 04:30

Mặc dù còn rất non trẻ nếu so với lịch sử hàng trăm năm của hệ thống ngân hàng các nước phát triển, song điều đó không ngăn được khát vọng vươn ra toàn cầu của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Một lần nữa ước mơ về một hệ thống ngân hàng hiện đại, ngang tầm khu vực lại được nhắc đến trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

NHNN Việt Nam luôn là cơ quan của Chính phủ, chịu sự can thiệp hành chính của Chính phủ.

Tăng tính độc lập của NHNN

Khát vọng là một chuyện, nhưng việc hiện thực hóa được khát vọng đó lại là một chặng đường đầy chông gai, đòi hỏi một sự quyết tâm và nỗ lực cao độ, không chỉ của riêng hệ thống ngân hàng, thậm chí có thời điểm còn phải chấp nhận có sự hy sinh đánh đổi mới có thể thành công.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều giải pháp mới để giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng

    Nhiều giải pháp mới để giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng

    05:45, 19/03/2018

  • NHNN tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng

    NHNN tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng

    11:00, 21/07/2018

  • NHNN yêu cầu các TCTD giảm lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên

    NHNN yêu cầu các TCTD giảm lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên

    07:51, 19/07/2018

  • Ngân hàng nào sẽ được ưu tiên nới room tín dụng năm 2019?

    Ngân hàng nào sẽ được ưu tiên nới room tín dụng năm 2019?

    11:01, 29/01/2019

Đơn cử như mục tiêu tăng dần tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình của NHNN về mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ (CSTT). Nói như TS. Võ Trí Thành- nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tính độc lập của NHNN là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo thực hiện được một mục tiêu cơ bản nhất của CSTT. Đó là lạm phát tương đối thấp và ổn định, rộng ra là ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhìn lại quá trình từ khi thành lập cho đến nay, NHNN Việt Nam luôn là cơ quan của Chính phủ, chịu sự can thiệp hành chính của Chính phủ. Do vậy, thẩm quyền của NHNN trong xây dựng và điều hành CSTT còn hạn chế, mức độ độc lập của NHNN còn tương đối thấp, khiến việc điều hành CSTT nhiều khi còn lúng túng.

Mục tiêu đến cuối năm 2020, các NHTM cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12 - 15 NHTM áp dụng thành công Basel II (phương pháp tiêu chuẩn trở lên), có ít nhất từ 1 đến 2 NHTM nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á…

Xét về mọi mặt, từ thể chế tới mô hình kinh tế, tại thời điểm hiện nay, cấp độ “độc lập tự chủ trong lựa chọn công cụ điều hành” tỏ ra phù hợp với NHNN Việt Nam hơn cả, đặc biệt là trong bối cảnh việc điều hành CSTT ở nước ta đã từng bước được đổi mới theo nguyên tắc thị trường, dần loại bỏ các công cụ trực tiếp và sử dụng các cụng cụ gián tiếp. Hơn nữa, mức độ độc lập tự chủ này cho phép dung hoà giữa mục tiêu của CSTT với các mục tiêu của chính sách kinh tế trong một giai đoạn nhất định.

Vấn đề quan trọng thứ hai là cần xác định rõ mục tiêu hoạt động cho NHNN. Những mục tiêu đề ra tại Chiến lược đối với NHNN như “kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững” cũng không có nhiều khác biệt so với các mục tiêu hoạt động của NHNN được quy định trong Luật NHNN năm 2010 vốn được đánh giá là quá “ôm đồm”.

Bởi lẽ, mục tiêu tối cao của một NHTW hiện đại là bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng và ổn định giá trị đồng tiền, những mục tiêu còn lại là hệ quả của việc đạt được các mục tiêu nêu trên.

Chính bởi vậy, chỉ nên xác định mục tiêu của NHNN đó là “bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng và ổn định giá trị đồng tiền trong nền kinh tế”. Điều này đặc biệt có ý nghĩa vì mục tiêu có rõ ràng thì NHTW mới có thể kiểm soát được rủi ro trong lĩnh vực quản lý của mình. Còn nếu khoác lên cho NHNN quá nhiều mục tiêu, quá nhiều nhiệm vụ sẽ hạn chế năng lực và tính chủ động của một NHTW, thậm chí gây khó cho việc điều hành CSTT khi mà nhiều mục tiêu thậm chí còn mâu thuẫn nhau.

Cuộc đua nâng chuẩn của ngân hàng thương mại

Còn với hệ thống các TCTD, “mục tiêu kép” đề ra là không hề dễ dàng. Bởi để đạt được mục tiêu đến cuối năm 2020 các NHTM cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12 - 15 NHTM áp dụng thành công Basel II (phương pháp tiêu chuẩn trở lên), có ít nhất từ 1 đến 2 NHTM nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á… đòi hỏi các ngân hàng không chỉ tăng trưởng về quy mô mà cả chất lượng tài sản.

ABBank ký kết hợp tác chiến lược với MayBank

Còn nhớ ngay từ đầu năm 2016, NHNN đã yêu cầu thí điểm áp dụng Basel II tại 10 ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank) và đề ra lộ trình đến cuối năm 2018, các ngân hàng này phải cơ bản đáp ứng các yêu cầu của Basel II. Tuy nhiên sau 3 năm nỗ lực thực hiện, đến nay mới chỉ có Vietcombank, VIB và OCB được NHNN công nhận là đã đáp ứng chuẩn mực Basel II. Có nghĩa lộ trình mà NHNN vạch ra đã một lần lỗi hẹn.

Theo tính toán của Fitch Ratings, hệ thống ngân hàng Việt cần tới 20 tỷ USD, tương đương 9% GDP để đáp ứng việc triển khai Basel II. Bởi vậy trong năm nay và cả năm tới, cuộc đua tăng vốn của các nhà băng sẽ diễn ra sôi nổi và khốc liệt hơn nhiều so với mấy năm trước. Trong cuộc đua này, khó khăn xem lại đang thuộc về nhóm NHTM Nhà nước bởi theo Chiến lược, từ nay đến năm 2020, Nhà nước vẫn sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ của các ngân hàng này. Có nghĩa, nếu Nhà nước không bỏ tiền thì các ngân hàng này không thể tăng được vốn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cầu lớn mà nguồn vốn lại chỉ có hạn, chắc chắn sẽ có ngân hàng không thể tăng được vốn. Với những ngân hàng này, giải pháp duy nhất để có thể đáp ứng chuẩn Basel II là thu hẹp quy mô tài sản, đặc biệt là những tài sản rủi ro. Thậm chí sẽ có ngân hàng buộc phải sáp nhập với nhau để nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh. Nhưng đó cũng là cái giá phải trả để đạt được mục tiêu lớn lao hơn cho toàn hệ thống.

Chợt nhớ đến lời bài hát “Đường đến ngày vinh quang” của cố nhạc sĩ Trần Lập: “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng/Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai/Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió…”.

Vâng đường đến vinh quang không trải bằng hoa hồng, và để đạt được mục tiêu đôi khi phải chấp nhận những đánh đổi, thậm chí là hy sinh, song nếu quyết tâm và nỗ lực, rất có thể hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ vượt qua chính mình, trở thành trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế và tự tin bước ra đấu trường khu vực và thế giới.

Hà Anh