Bức tranh nợ xấu ngân hàng (Kỳ I): Nợ xấu chỉ giảm tương đối
Mặc dù số liệu của cả Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) lẫn NHNN đều cho thấy tỷ lệ nợ xấu ngân hàng giảm nhẹ trong năm 2018, nhưng con số tuyệt đối vẫn tăng và nợ xấu vẫn ở mức khá cao.
Nợ xấu vốn được xem là cục máu đông ngăn cản dòng tín dụng. Bởi vậy, thực trạng nợ xấu của các nhà băng luôn nhận được sự quan tâm không chỉ của các cơ quan quản lý mà toàn xã hội.
Số dư tuyệt đối vẫn tăng
Trong Báo cáo được công bố hồi giữa tháng 12/2018, NFSC dẫn báo cáo từ các TCTD cho biết, tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ so với cuối năm 2017, ở mức 2,4% (năm 2017 là 2,5%).
Tuy nhiên tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019 diễn ra hôm 9/1, NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.
Có thể bạn quan tâm
TS. Lê Xuân Nghĩa: Nên cho phép ngân hàng tự xoá nợ xấu
10:20, 24/01/2019
Năm 2019, ngành ngân hàng xử lý nợ xấu theo hướng nào?
16:37, 13/01/2019
Các nhà băng đã có “bước tiến thần tốc” xử lý nợ xấu?
13:05, 09/01/2019
Nợ xấu ngân hàng tiếp tục được kiểm soát ở mức 2,16%
07:19, 18/12/2018
Nợ xấu có quay trở lại trong năm 2019?
06:40, 29/11/2018
Mặc dù con số nợ xấu mà mỗi cơ quan đưa ra là khác nhau, song đều có chung một điểm, đó là tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm nhẹ trong năm qua. Điều đó trái ngược hẳn với những gì mà người ta đã từng chứng kiến sau khi báo cáo tài chính quý 3 của các nhà băng được công bố với con số nợ xấu tăng vọt.
Theo báo cáo của NFSC, giá trị xử lý nợ xấu năm 2018 tăng khoảng 30% so với năm 2017 (không bao gồm nợ bán cho VAMC). Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 59,8%; thu nợ từ khách hàng chiếm 33,2%; bán phát mại tài sản chiếm 3%, còn lại bằng các hình thức khác. Đặc biệt, một số NHTM đã tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC hoặc chủ động mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý.
Mặc dù bức tranh nợ xấu đã sáng hơn, nhưng không ít chuyên gia vẫn lo lắng do số dư nợ xấu tuyệt đối vẫn tăng. Một chuyên gia tính toán, tổng dư nợ tín dụng năm 2017 khoảng 6,33 triệu tỷ đồng, với tỷ lệ nợ xấu là 1,99%, có nghĩa con số nợ xấu tuyệt đối tại thời điểm đó vào khoảng 125.967 tỷ đồng. Năm 2018 tín dụng tăng khoảng 14%, dư nợ tín dụng tại thời điểm cuối năm vào khoảng 7,22 triệu tỷ đồng. Nếu tỷ lệ nợ xấu là 1,89% thì số dư tuyệt đối vẫn đạt tới 136.386 tỷ đồng, tức tăng thêm tới hơn 10 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2017.
Đáng lo hơn cả là nợ xấu tiềm ẩn vẫn rất lớn. Theo báo cáo của NHNN, nếu tính tổng nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn thành nợ xấu và nợ bán cho VAMC vẫn ở mức 6,5% khi kết thúc năm 2018.
Nợ xấu phân hóa mạnh
Báo cáo tài chính của các ngân hàng cũng cho thấy rõ số dư nợ xấu tuyệt đối vẫn tăng trong năm qua cho dù tỷ lệ nợ xấu có giảm. Một điểm đáng chú ý nữa là bức tranh nợ xấu bị phân hóa rõ rệt.
Ngân hàng có tốc độ giảm nợ xấu mạnh nhất trong năm qua là Sacombank. Còn nhớ tại thời điểm cuối năm 2017, nợ xấu của nhà băng này lên tới 10.405 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,67% tổng dư nợ. Thế nhưng tính đến cuối năm 2018, Sacombank đã giảm được gần 5.000 tỷ đồng nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu về còn 2,11%.
Tuy nhiên, hiện ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất lại là Vietcombank. Tại thời điểm cuối năm 2019, nợ xấu của ngân hàng này chỉ là 6.215 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,98% tổng dư nợ. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu giảm so với mức 1,14% của cuối năm 2017, song số dư tuyệt đối nợ xấu vẫn tăng thêm khoảng 6 tỷ đồng.
Cũng là một ngân hàng thuộc khối quốc doanh, song bức tranh nợ xấu của BIDV lại trái ngược hẳn so với Vietcombank khi mà nợ xấu của nhà băng này tăng cả về tỷ lệ lẫn giá trị tuyệt đối. Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2018, nợ xấu của BIDV là 16.698 tỷ đồng, tăng 2.643 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu vì thế cũng tăng lên 1,69% từ mức 1,62%.
VietinBank cũng vậy. Nợ xấu của ngân hàng này đã tăng hơn 4.500 tỷ đồng trong năm qua lên 13.518 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng 4.250 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng lên mức 1,56% từ 1,14%.
Một NHTMCP lớn khác cũng có diễn biến tương tự là VPBank khi mà nợ xấu của nhà băng này cũng tăng hơn 1.566 tỷ đồng lên 7.766 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu tăng từ 3,39% lên 3,5%...
Điều đó cho thấy cuộc chiến chống nợ xấu vẫn còn nhiều cam go khi mà Chính phủ và NHNN đang đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về dưới 2% và nợ xấu tiềm ẩn xuống dưới 5% trong năm nay. Thế nhưng trong cuộc chiến này, nỗ lực chính vẫn là các nhà băng. Bởi VAMC, dù đã rất nỗ lực phối hợp với các TCTD trong việc xử lý nợ xấu, song khả năng bị hạn chế khá nhiều do thiếu nguồn lực.
Kỳ II: VAMC cần thêm nguồn lực xử lý nợ xấu