Tài chính tiêu dùng lớn mạnh sẽ triệt tiêu “tín dụng đen”

Dương Thuỳ 11/03/2019 08:30

Đẩy lùi “tín dụng đen” chắc chắn không phải việc đơn giản. Nhưng để xóa vấn nạn này, cần sự phối hợp toàn diện từ các Bộ, ngành có liên quan, công ty tài chính, cùng người dân.

Nhiều vụ tín dụng đen

Nhiều vụ tín dụng đen đã được cơ quan công an triệt phá

“Tín dụng đen” lan rộng gây ra nhiều hệ lụy xấu

Thời gian gần đây, những vụ việc có nguyên nhân bắt nguồn từ vấn nạn “tín dụng đen” đang xảy ra dày đặc trên tất cả các tỉnh, thành phố.

Cuối năm 2018, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá một đường dây cho vay bất hợp pháp. Khoảng 200 người dân là nạn nhân của vụ cho vay nặng lãi này, được cầm đầu bởi một tổ chức “tín dụng đen” tại TP.HCM, với tổng giá trị khoản vay lên tới hơn 510 tỷ đồng. Người đi vay phải chịu lãi suất tới 1.000%, kèm theo những vụ quấy rối, tấn công, giết người nếu chậm trả nợ.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần sự vào cuộc đồng bộ để đẩy lùi tín dụng đen

    Cần sự vào cuộc đồng bộ để đẩy lùi tín dụng đen

    14:44, 07/03/2019

  • Luẩn quẩn tín dụng đen: Bài toán khó mà dễ

    Luẩn quẩn tín dụng đen: Bài toán khó mà dễ

    11:05, 28/02/2019

  • Tăng hạn mức, thời hạn cho vay hộ nghèo có đẩy lùi được tín dụng đen?

    Tăng hạn mức, thời hạn cho vay hộ nghèo có đẩy lùi được tín dụng đen?

    04:40, 27/02/2019

  • “Xóa” tín dụng đen bằng cách nào?

    “Xóa” tín dụng đen bằng cách nào?

    04:40, 25/01/2019

  • Quảng Nam: Tín dụng đen tràn về quê

    Quảng Nam: Tín dụng đen tràn về quê

    09:30, 23/01/2019

  • Công an Quảng Nam triệt phá nhanh nhóm tín dụng đen Hải Phòng

    Công an Quảng Nam triệt phá nhanh nhóm tín dụng đen Hải Phòng

    17:01, 21/01/2019

Trong tháng 2 vừa qua, Công an phường Xuân Phú, TP. Huế đã bắt đối tượng Nguyễn Hữu Dũng sử dụng roi điện và dao để ép con nợ trả tiền. Cũng trong tháng này, Cảnh sát hình sự tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Công an huyện Hương Khê bắt giữ nhóm đối tượng đánh đập con nợ vì vay số tiền 10 triệu đồng nhưng chậm trả.

Công an TP. Biên Hòa (Đồng Nai) cũng mới khởi tố và bắt giữ gần 10 bị can để điều tra về hành vi "Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”. Đây là nhóm cho vay nặng lãi khá chuyên nghiệp, ẩn nấp bằng hợp đồng mua bán điện thoại, máy tính xách tay, xe máy… qua hình thức trả góp.

Thống kê chưa đầy đủ, 4 năm qua, trên toàn quốc có hơn 7.500 vụ phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”. Trong đó, hàng chục vụ giết người, gần 400 vụ gây thương tích, hơn 800 vụ cưỡng đoạt tài sản và gần 2.000 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm và 165 vụ hủy hoại tài sản…

Theo ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh Thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có nhiều nguyên nhân dẫn tới "nở rộ" tình trạng “tín dụng đen”. Thứ nhất, đối tượng cho vay rất tinh vi, khó kiểm soát. Thứ hai, đối tượng đi vay giấu giếm không chịu nói ra, đến khi xảy ra sự việc thì mới biết. Thứ ba, các quy định pháp luật quản lý hoạt động này tuy đã có nhưng chưa đầy đủ, dẫn tới việc điều tra gặp khó khăn.

Gấp rút tìm phương án xóa sổ “tín dụng đen”!

Tới đây, NHNN sẽ giao cho Agribank triển khai gói tín dụng cho vay tín chấp 5.000 tỷ đồng, nhằm phục vụ nhu cầu vay cấp bách của người dân nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc tín dụng nhằm đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” bùng phát khắp nơi hiện nay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là phương án trước mắt mang tính hỗ trợ, nhưng về lâu dài, xét đến quy mô gói 5.000 tỷ đồng này so với nhu cầu "vay nóng" của người dân, có lẽ không thấm vào đâu.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, gốc rễ của “tín dụng đen” là nhu cầu vay vốn của bộ phận người dân có thu nhập thấp và trung bình thấp rất lớn nhưng chưa được đáp ứng đầy đủ. Do đó, triệt tiêu nạn “tín dụng đen” phải được thực hiện bằng giải pháp kinh tế, đó là đáp ứng được nhu cầu vốn của người thu nhập thấp, trung bình thấp bằng kênh tín dụng chính thức. 

Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần phải dẹp bỏ “tín dụng đen” bằng cách cấp phép, tạo điều kiện cho các công ty tài chính hoạt động minh bạch nhưng chịu sự giám sát của NHNN và các cơ quan khác.

Thực tế, không phải ngẫu nhiên mà nhiều chuyên gia tài chính đồng thuận việc kích thị trường cho vay tiêu dùng với các khách hàng dưới chuẩn, không tiếp cận được vốn ngân hàng, để thế chân “tín dụng đen”. Bởi hiện đối trọng của vấn nạn này ở Việt Nam là các công ty tài chính tiêu dùng – đang phục vụ khách hàng dưới chuẩn và được NHNN cấp phép, hoạt động hợp pháp.

Chưa kể, trên thế giới, tại không ít quốc gia, sự ra đời của các công ty tài chính giúp người dân không phải dựa vào “tín dụng đen” để vay nóng, trả lãi cắt cổ.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, nhiều quốc gia trên thế giới như Singapore, Hàn Quốc… có các chính sách hỗ trợ thị trường tài chính tiêu dùng phát triển. Ở Việt Nam, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng so với thu nhập bình quân đầu người còn thấp (khoảng 1triệu đồng/người so với thu nhập bình quân hàng năm khoảng 2.200 USD). Như vậy, dư địa phát triển của tín dụng tiêu dùng nước ta còn rất lớn.

Mặc dù thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều Thông tư quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng, song hành lang pháp lý vẫn chưa hoàn thiện. Đó là lý do khiến các công ty tài chính tiêu dùng vẫn gặp khó khăn trong việc mở rộng và phát triển mạnh dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn rất lớn của người dân. Vậy nên, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần có một chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện cũng như giáo dục tài chính, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho vay tiêu dùng.

Từ đó, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng lớn mạnh, tự khắc sẽ triệt tiêu được “tín dụng đen”. Đó là điều kiện cần, điều kiện đủ còn phụ thuộc vào ý thức tự vệ của người dân. Để không trở thành con nợ bị nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào, người dân cần chủ động trang bị kiến thức luật pháp, tài chính như một người vay tiêu dùng thông thái.

Dương Thuỳ