Cẩn trọng rủi ro nợ xấu khi “tuyên chiến” với tín dụng đen
Việc các ngân hàng mở rộng cho vay tín chấp tiêu dùng được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiếu được tín dụng đen. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều đó cũng có thể khiến rủi ro nợ xấu gia tăng.
Dùng tín dụng chính thức đẩy lùi tín dụng đen
Tại Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen do NHNN Việt Nam tổ chức cuối tuần qua tại Gia Lai, Thống đốc NHNN đã đưa ra 5 biện pháp trọng tâm với mục tiêu đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng qua các kênh chính thống, qua đó góp phần ngăn chặn tín dụng đen.
Theo đó, NHNN sẽ phải sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động, tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động của loại hình này thông qua quản lý về quy mô, điều kiện kinh doanh, phạm vi địa bàn hoạt động, khuôn khổ lãi suất… để ngăn chặn nguy cơ mất an toàn và tiếp tay cho tín dụng đen…
Có thể bạn quan tâm
Tài chính tiêu dùng lớn mạnh sẽ triệt tiêu “tín dụng đen”
08:30, 11/03/2019
Năm nhóm giải pháp “chặt vòi” tín dụng đen
19:30, 10/03/2019
Cần sự vào cuộc đồng bộ để đẩy lùi tín dụng đen
14:44, 07/03/2019
“Xóa” tín dụng đen bằng cách nào?
04:40, 25/01/2019
Quảng Nam: Tín dụng đen tràn về quê
09:30, 23/01/2019
Công an Quảng Nam triệt phá nhanh nhóm tín dụng đen Hải Phòng
17:01, 21/01/2019
Thủ tướng yêu cầu ngân hàng phải “đánh bật” tín dụng đen ra khỏi xã hội
12:00, 09/01/2019
Song song với đó, NHNN cũng sẽ phải tiến hành sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng để quy định tách bạch hoạt động cho vay phục vụ đời sống và cho vay tiêu dùng cá nhân của các NHTM, tạo điều kiện cho các ngân hàng mở rộng cho vay tiêu dùng cá nhân; đồng thời NHNN cũng cần nghiên cứu hoàn thiện quy định về cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm...
Đặc biệt, NHNN sẽ khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân; phát triển các sản phẩm cho vay tín dụng tiêu dùng lành mạnh, đặc biệt sản phẩm tín dụng trong sinh hoạt đối với các vùng công nghiệp, khu vực đông dân. NHNN cũng yêu cầu các TCTD tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay để rút ngắn thời gian giải ngân...
Là một NHTM có mạng lưới rộng nhất và đầu tư chủ lực cho khu vực nông nghiệp – nông thôn, Agrribank đóng một vài trò vô cùng quan trọng trong chiến lược này của NHNN Việt Nam. Bàn về vấn đề này, ông Phạm Toàn Vượng – Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, trong thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách theo đúng định hướng của Chính phủ, NHNN nhằm đáp ứng yêu cầu vốn hợp pháp đối với các lĩnh vực sản xuất, trong đó có cho vay tiêu dùng. Song song với đó, Agribank sẽ đẩy mạnh áp dụng cải tiến công nghệ, quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hoá các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng đối tượng khách hàng… Đặc biệt, Ngân hàng hiện đang triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng, món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, thủ tục xét duyệt, giải ngân trong ngày.
Không nên nới điều kiện cấp tín dụng quá mức
Một chuyên gia ngân hàng cho biết, thực tế cho thấy, bên cạnh những đối tượng cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá hay làm ăn phi pháp, thì những người tìm tới tín dụng đen đều là những người nghèo, không có đủ điều kiện về tài sản thế chấp để tiếp cận các kênh tín dụng chính thức. Bên cạnh đó, còn có không ít trường hợp vì cần tiền gấp để trang trải những chi phí bất thường như trả viện phí cho người thân… Nếu vay ngân hàng phải trải qua rất nhiều thủ tục và phải đợi vài ba ngày mới có được tiền, trong khi tìm tới tín dụng đen, chỉ cần một tờ giấy CMND là đã có thể lập tức vay được tiền, bất kể ngày đêm.
“Yếu tố chính làm nên sức sống của tín dụng đen chính là thủ tục đơn giản và hoạt động bất kể ngày đêm”, vị chuyên gia này cho biết.
Cũng chính vì vậy, vị chuyên gia này vô cùng hoan nghênh gói tín dụng 5.000 tỷ đồng mà Agribank đưa ra. “Không phải là mức vay nhiều hay ít, cũng không phải là lãi suất bởi chắc chắn lãi suất sẽ thấp hơn lãi suất tín dụng đen, mà việc mở rộng cho vay tín chấp và giải ngân nhanh chóng mới là sức mạnh để tín dụng chính thức có thể đẩy lui được tín dụng đen”, ông nhấn mạnh và phân tích: Không phải là người dân không biết vay tín dụng đen sẽ phải chịu mức lãi suất cắt cổ, song họ cho rằng, vì số tiền vay không nhiều, cùng lắm chỉ vài ba chục triệu đồng, lại vay trong một thời gian ngắn nên số tiền lãi cũng không lớn. Trong khi điều mà họ cần nhất là nhanh chóng có được tiền để trang trải cho nhu cầu đột xuất. Bởi vậy, nếu các ngân hàng có thể giải ngân ngay trong ngày thì chắc chắn người dân sẽ không phải tìm đến tín dụng đen.
Tuy nhiên, điều mà ông băn khoăn là ngân hàng sẽ cắt giảm thủ tục thế nào để có thể rút ngắn thời gian giải ngân. Quả vậy, theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, điều kiện để các TCTD xem xét cho vay là khách hàng phải có nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ…
Trong khi theo phản ánh của nhiều TCTD, nhiều trường hợp không tiếp cận được vốn vay tiêu dùng tại các TCTD là không chứng minh được mục đích vay vốn cũng như khả năng tài chính để trả nợ. “Nếu bỏ bớt các thủ tục này, chắc chắn sẽ đẩy nhanh được tiến độ giải ngân. Thế nhưng, ngân hàng sẽ không kiểm soát được vốn vay sẽ được sử dụng vào mục đích nào?, nếu không cẩn trọng lại có thể tiếp tay cho các hoạt động phi pháp. Lớn hơn nữa là rủi ro nợ xấu cũng sẽ gia tăng”, vị chuyên gia trên nói.
Vì lẽ đó, rút ngắn thủ tục là việc nên làm, song không nên nới lỏng điều kiện cấp tín dụng quá mức để hạn chế rủi ro. Tín dụng ngân hàng cần hướng đến mục tiêu dài hạn hơn là hỗ trợ người dân phát triển sản xuất kinh doanh để cải thiện sinh kế. Khi đời sống của người dân được nâng lên, tín dụng đen sẽ không còn đất sống.