Hệ lụy từ áp lực tăng vốn ngân hàng
Tăng vốn đang là nhu cầu bức thiết của các NHTM Nhà nước bởi nếu không tăng được vốn, chắc chắn sẽ làm giảm khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thậm chí có nhà băng phải thu hẹp quy mô tín dụng.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra cuối tuần trước, một lần nữa vấn đề tăng vốn cho 4 NHTM Nhà nước là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank lại được xới lên. Đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm nay, yêu cầu tăng vốn được đề cập.
Nhu cầu tăng vốn bức thiết
Nếu như hai lần trước, đề nghị này chỉ phát đi từ phía các ngân hàng, thì lần này, theo lời của Phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN đề nghị phải sử dụng ngay nguồn cổ tức năm 2018 để tăng vốn cho các ngân hàng này, thay vì nộp ngân sách. Điều đó cho thấy, NHNN cũng đang rất sốt ruột với việc tăng vốn của nhóm Big 4.
Theo giới chuyên gia, đó cũng là điều dễ hiểu bởi không chỉ đóng vai trò dẫn dắt trên thị trường tiền tệ, là công cụ để NHNN triển khai các chính sách, mà 4 NHTM Nhà nước còn là kênh cung ứng vốn chủ đạo cho các dự án lớn của đất nước hay các chương trình tín dụng được triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Tuy nhiên sau nhiều năm tăng trưởng tín dụng ở mức cao, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng này đã rơi xuống sát ngưỡng tối thiểu 9%, và nếu không tăng được vốn, các ngân hàng này sẽ không thể duy trì được khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
BIDV được chấp thuận 1/4 phương án tăng vốn
15:12, 22/04/2019
ĐHĐCĐ ngân hàng: Tăng vốn là điểm nóng
16:34, 29/03/2019
"Cửa" nào cho ngân hàng quốc doanh tăng vốn?
05:01, 26/03/2019
Vì sao hệ số an toàn vốn tối thiểu của ngân hàng sụt giảm nhanh?
10:11, 26/12/2017
Trên thực tế, việc tăng vốn của các nhà băng này đã trở nên bức thiết từ năm 2016, khi Bộ Tài chính từ chối kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu và yêu cầu phải trả bằng tiền mặt để nộp ngân sách Nhà nước. Từ đó đến nay, mới chỉ có Vietcombank tăng được vốn bằng cách bán 3% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài cuối năm 2018.
Dễ thở hơn một chút có lẽ là BIDV khi mà tỷ lệ sở hữu Nhà nước đang là 95,28% nên vẫn còn dưa địa để bán bớt vốn Nhà nước, đặc biệt là cho nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, BIDV cũng đang trong quá trình chào bán cho KEB Hana Bank với tỷ lệ dự kiến 17,65%. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có thêm thông tin gì về thương vụ này.
Khó khăn nhất có lẽ là VietinBank khi mà CAR của nhà băng này hiện đã giảm tới sát mức tối thiểu theo quy định của pháp luật, trong khi các biện pháp tăng vốn tự có (gồm cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2) đã được khai thác tối đa và đã tới hạn theo các quy định của pháp luật. Đặc biệt room cho nhà đầu tư nước ngoài tại VietinBank cũng đã kịch trần.
Vì lẽ đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 cũng như tại ĐHCĐ vừa diễn ra, cả 3 ông lớn này đều đề nghị được giữ lại cổ tức để tăng vốn để tiếp tục phát triển, phát huy tốt vai trò là các ngân hàng chủ lực trong hệ thống.
Thu hẹp tín dụng
Đến nay vẫn chưa có ý kiến từ phía các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Bộ Tài chính nên việc tăng vốn của các NHTM Nhà nước vẫn tiếp tục… chờ. Trong khi chưa tăng được vốn nên các ông lớn này cũng không dám mạnh tay tăng tín dụng.
Trên thực tế, ngoại trừ Vietcombank do vừa tăng vốn lên 37.089 tỷ đồng nên vẫn duy trì được mức tăng trưởng tín dụng khá cao tới 6,55% trong quý đầu năm nay. Tuy nhiên ngân hàng này cũng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức khá khiếm tốn là 15%.
Trong khi tăng trưởng tín dụng quý 1 của BIDV chỉ ở mức 3,61%, một mức khá thấp thấp trong hệ thống. Nguyên nhân một phần do BIDV là nhà băng có tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống, trong khi vốn điều lệ chỉ đạt khoảng 34.200 tỷ đồng - thấp nhất trong số 3 NHTM Nhà nước đã cổ phần hóa.
Thậm chí Vietinbank còn ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm 0,44% trong quý 1 vừa qua. Đây là quý thứ 2 liên tiếp Vietinbank phải thu hẹp quy mô tín dụng cũng chỉ vì CAR đã rơi xuống sát ngưỡng tối thiểu.
Thực tế đó cũng đã phần nào cho thấy sự cấp thiết phải tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh. Thậm chí với VietinBank, ngay cả khi được cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017 và 2018 để tăng vốn thì nhà băng này cũng chỉ đưa ra các chỉ tiêu kinh doanh khá khiêm tốn trong năm nay: Tổng tài sản tăng 2-5%; tín dụng tăng 6-7%.
Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp như ông Lê Đức Thọ cảnh báo: “Nếu VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, việc tham gia tài trợ vốn cho các dự án quan trọng của đất nước, từ đó ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng lớn tới nguồn thu NSNN do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng”.