"Cửa" nào cho ngân hàng quốc doanh tăng vốn?

Hà Anh 26/03/2019 05:01

Tăng vốn đang là yêu cầu bức thiết đối với các NHTM Nhà nước, trước mắt là để tuân thủ Basel II, còn về lâu dài để duy trì vị thế đầu tàu của khối này. Tuy nhiên, mỗi ông lớn lại có khó khăn riêng.

dgg

Agribank đang gặp khó khăn tăng vốn do tiến trình cổ phần hóa của ngân hàng này diễn ra chậm chạp

"Ông lớn"… cũng khó

Trong 4 ông lớn này thì BIDV đang được xem là có lợi thế hơn cả khi mà hiện room dành cho nhà đầu tư nước ngoài của nhà băng này vẫn còn nguyên vẹn. Lợi thế này đã được phát huy trên thực tế khi cuối năm 2018, BIDV đã được Chính phủ phê chuẩn việc bán 17,65% vốn cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên mức 40.220 tỷ đồng, cổ đông Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu về 80,99%, cổ đông nước ngoài nắm giữ 15% vốn và cổ đông ngoài nhà nước khác là 4,01%.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy có thêm bất cứ thông tin nào về thương vụ này. Còn nhớ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019 diễn ra hồi đầu năm, ông Phan Đức Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV kiến nghị, Chính phủ tháo gỡ các điều kiện ràng buộc nhà đầu tư nước ngoài để BIDV có thể hoàn tất giao dịch bán vốn trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, BIDV vẫn tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét được chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Có thể bạn quan tâm

  • Gỡ “nút thắt” tăng vốn cho ngân hàng quốc doanh

    Gỡ “nút thắt” tăng vốn cho ngân hàng quốc doanh

    04:30, 20/03/2019

  • Áp lực tăng vốn đẩy lãi suất

    Áp lực tăng vốn đẩy lãi suất

    02:53, 10/03/2019

  • Nhà băng lớn cũng “sốt sắng” tăng vốn

    Nhà băng lớn cũng “sốt sắng” tăng vốn

    15:30, 11/01/2019

  • Tuân thủ Basel II: M&A ngân hàng sẽ có sự chuyển biến

    Tuân thủ Basel II: M&A ngân hàng sẽ có sự chuyển biến

    11:00, 01/03/2019

  • Ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II liệu có được nới room tín dụng?

    Ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II liệu có được nới room tín dụng?

    15:00, 29/11/2018

  • Bước tiến mới của BIDV trong triển khai Basel II

    Bước tiến mới của BIDV trong triển khai Basel II

    05:59, 12/04/2018

Một nhà băng khác cũng đã bán thành công 3% vốn cho 2 nhà đầu tư nước ngoài hồi cuối năm 2018 là Vietcombank. Sau thương vụ này, Vietcombank đã tăng vốn lên 37.100 tỷ đồng, trong đó sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank đã giảm từ 77,11% xuống còn 74,8%; trong khi tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tăng lên 17,55% (trong đó cổ đông chiến lược Mizuho tiếp tục duy trì mức sở hữu 15% và GIC là 2,55%).

Với cơ cấu này, Vietcombank vẫn còn dư địa khá lớn để bán tiếp vốn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước để tăng vốn. Mặc dù ngân hàng này đã được NHNN công nhận là đã đáp ứng chuẩn Basel II, nhưng ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank vẫn đề nghị được trả cổ tức “bằng cổ phiếu” nhằm tăng vốn điều lệ để đảm bảo hệ số CAR và cũng “xin” cho các ngân hàng thương mại Nhà nước khác được tăng vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ doanh nghiệp.

Khó khăn nhất trong câu chuyện tăng vốn có lẽ là VietinBank khi mà hiện room dành cho các nhà đầu tư nước ngoài tại nhà băng này đã cạn, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước thậm chí hiện cũng đã rơi xuống mức 64,46% - thấp hơn yêu cầu nắm giữ tối thiểu của cổ đông nhà nước tại các NHTM Nhà nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 là 65%. Đó chính là lý do mà 3 năm nay, ngân hàng này không tăng thêm được một đồng vốn nào chỉ vì không nhận được sự chấp thuận của cổ đông nhà nước.

Khó khăn không kém là Agribank, việc tăng vốn của nhà băng này gắn chặt với tiến trình cổ phần hóa. Trong khi hiện tiến trình cổ phần hóa của Agrribank đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc từ khâu định giá doanh nghiệp cho tới việc tìm cổ đông chiến lược… Do chậm cổ phần hóa nên hiện nhà băng này có mức vốn điều lệ thấp nhất trong nhóm “Big Four”, hiện chỉ vào khoảng 30,77 nghìn tỷ đồng. “Nếu không được bổ sung vốn điều lệ, ngân hàng không đáp ứng đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong năm 2019. Chưa kể, điều đó còn ảnh hưởng tới tuy tín và khả năng mở rộng tín dụng cấp cho nền kinh tế”, ông Trịnh Ngọc Khánh – Chủ tịch HĐTV Agribank nhấn mạnh.

Tăng vốn bằng cách nào?

Theo tính toán của Moody’s, nếu không tăng được vốn, tỷ lệ vốn cấp 1 của các ngân hàng có vốn nhà nước được xếp hạng giảm xuống chỉ còn 6,1% thay vì mức 6,9% như cuối năm 2017. “Việc cơ cấu vốn tiếp tục suy yếu sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các ngân hàng quốc doanh và ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng”, Moody’s cảnh báo.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh, một chuyên gia ngân hàng cho biết, các NHTM Nhà nước đóng một vai trò vô cùng quan trọng trên thị trường tiền tệ hiện nay, không chỉ nắm giữ thị phần áp đảo, mà còn là công cụ để Chính phủ, NHNN triển khai chính sách tiền tệ. Do đó nếu các ngân hàng này không tăng được vốn, sẽ làm giảm vị thế dẫn dắt của khối này, thậm chí đưa cả hệ thống vào rủi ro.

Theo vị chuyên gia này, để tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh, có mấy biện pháp sau. Thứ nhất là Nhà nước bổ sung vốn cho các ngân hàng này từ nguồn ngân sách như kiến nghị của ông Nghiêm Xuân Thành. Thứ hai là cổ đông Nhà nước có thể giảm tỷ lệ sở hữu hoặc thoái vốn cho các cổ đông hiện hữu hoặc các cổ đông mới bằng cách phát hành cổ phiếu tăng vốn. Thứ ba là cho phép các ngân hàng được giữ lại lợi nhuận đề tăng vốn (chia cổ tức bằng cổ phiếu).

Phân tích sâu từng biện pháp, vị chuyên gia này cho biết, giải pháp thứ nhất là không khả thi bởi hiện Quốc hội không đồng ý cho Chính phủ dùng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM có vốn nhà nước, và không đưa nhu cầu bổ sung vốn cho các NHTM có vốn nhà nước vào danh mục đầu tư công trung hạn. Hơn nữa, biện pháp này cũng đi ngược lại với chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Chính phủ đang triển khai quyết liệt hiện nay.

Biện pháp thứ hai được đánh giá là toàn diện nhất khi cùng lúc đạt được cả mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các ngân hàng, đồng thời các nhà băng cũng có thể tăng được vốn và có được các cổ đông chiến lược… Tuy nhiên, biện pháp này cũng vấp phải nhiều trở ngại, như tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, giá bán và trần sở hữu nước ngoài… nên khó có thể xử lý sớm được.

Trong khi giải pháp thứ 3 dù không toàn diện bằng, song được cho là “nằm trong tầm tay” của các ngân hàng, không phải phụ thuộc vào ai nên có thể thực hiện được ngay, miễn là cổ đông Nhà nước đồng ý.

“Việc cho phép NHTM có vốn nhà nước được giữ lại lợi nhuận kết hợp với việc thoái bớt vốn Nhà nước là giải pháp hữu hiệu hơn cả để tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh”, vị chuyên gia này kết luận và nhấn mạnh, mấy năm trước cân đối ngân sách gặp nhiều khó khăn nên việc tăng vốn cho các ngân hàng cũng bị trì hoãn. Tuy nhiên, mấy năm nay ngân sách đã “dễ thở” hơn thì nên cân nhắc tới vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Cửa" nào cho ngân hàng quốc doanh tăng vốn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO