Bất ngờ với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của nhiều nhà băng

Hà Anh 17/05/2019 05:01

Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 cao hơn nhiều so với mức 14% mà NHNN đề ra cho năm nay.

Ngân hàng nhỏ - mục tiêu lớn

Đến nay đã có khoảng 26 trong tổng số 31 ngân hàng cổ phần công bố kế hoạch kinh doanh năm 2019, thậm chí nhiều nhà băng đã thông qua kế hoạch này tại đại hội cổ đông. Dư nợ tín dụng của 26 nhà băng này vào cuối năm 2018 khoảng 5.279.700 tỷ đồng, chiếm tới gần 80% thị phần tín dụng của toàn hệ thống.

Điều đáng chú ý, phần đông các nhà băng đều tỏ ra lạc quan, thậm chí có một số ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng rất cao trong năm nay. Theo đó, trong số 26 ngân hàng được khảo sát, có tới 16 ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn con số 14% mà NHNN định hướng cho toàn hệ thống trong năm nay.

Dẫn đầu trong số này là VIB và MSB khi nuôi tham vọng tăng tín dụng tới 35% trong năm nay. Kém hơn một chút là OCB khi đặt mục tiêu tăng tín dụng 30%. Đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng trên 20% còn có 3 cái tên: HDBank (24%); TPB (20%) và SeABank (20%).

Thế nhưng, cái tên đáng chú ý nhất lại là VietBank. Mặc dù ngân hàng này bị NHNN giới hạn dư nợ tín dụng tại thời điểm cuối năm 2019 là 37.590 tỷ đồng, tức chỉ tăng 5,9% so với cuối năm 2018. Tuy nhiên, Vietbank vẫn xây dựng thêm 2 phương án kinh doanh dự phòng nếu được NHNN chấp thuận, trong đó kịch bản cao nhất có dư nợ tín dụng vào cuối năm 2019 là 51.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 43,7%.

Có thể bạn quan tâm

  • NHNN sẽ không nới lỏng thêm tăng trưởng tín dụng

    NHNN sẽ không nới lỏng thêm tăng trưởng tín dụng

    15:35, 08/05/2019

  • Tăng trưởng tín dụng nên linh hoạt

    Tăng trưởng tín dụng nên linh hoạt

    11:01, 14/01/2019

  • Tăng trưởng tín dụng 2019 nhìn từ góc độ cung và cầu

    Tăng trưởng tín dụng 2019 nhìn từ góc độ cung và cầu

    14:20, 27/11/2018

  • Nhóm ngân hàng tư nhân sẽ có mức tăng trưởng tín dụng cao?

    Nhóm ngân hàng tư nhân sẽ có mức tăng trưởng tín dụng cao?

    05:30, 16/10/2018

Mặc dù vậy, đây đều là những ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa, với quy mô tín dụng chỉ vài chục nghìn tỷ đồng, nên mức độ đóng góp vào tốc độ tăng trưởng tín dụng chung là không nhiều.

10 ngân hàng còn lại trong nhóm này chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ từ 15% đến 18%. Song trong số đó có khá nhiều tên tuổi lớn như Vietcombank đặt hế hoạch tăng tín dụng 15% lên735.275 nghìn tỷ đồng; Sacombank tăng 16% lên 298.100 tỷ đồng; SHB tăng 16,65% lên 261.592 tỷ đồng; VPBank tăng 15% lên 265.408 tỷ đồng; MB tăng 15% lên 246.036 tỷ đồng…

Như vậy chỉ có 10 ngân hàng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng dưới hạn mức chung. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng bình quân trong năm 2019 của 26 ngân hàng nói trên chỉ là 13,6%, thấp hơn so với hạn mức chung mà NHNN đề ra. Nguyên nhân do hai ông lớn NHTM Nhà nước là BIDV và VietinBank chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức khá thấp, lần lượt là 12% và 7%. Do quy mô tín dụng của hai ông lớn này chiếm tới 40% thị phần của 26 ngân hàng này, nên đã kéo giảm khá nhiều mức tăng trưởng bình quân chung.

NHNN không nới hạn mức tín dụng

Theo số liệu thống kê của NHNN Việt Nam, tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng khá ì ạch. Tính đến 17/4, tín dụng tăng 3,23% so với cuối năm 2018, thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,3% của cùng kỳ năm trước.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng cũng cho thấy, kết thúc quý 1, bên cạnh một số gương mặt có mức tăng trưởng tín dụng cao như TPB (9,77%); OCB (8,53%); MB (6,75%); Viertcombank (6,55%)… cũng có nhà băng tín dụng tăng ở mức rất khiếm tốn, thậm chí có 2 gương mại ghi nhận mức tăng trưởng âm là VietinBank (-0,44%); Eximbank (-2,9%).

Điều đó khiến không ít chuyên gia tỏ ra lo ngại mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% mà NHNN đề ra cho năm nay có thể không đạt được, cho dù đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Nói về mục tiêu này, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, mức 14% tuy có thấp so với các năm trước nhưng lại phù hợp với thực tế. Bởi khoảng thời gian này, các ngân hàng cần quay về vấn đề củng cố nội tại, cơ cấu nguồn vốn để hoạt động có hiệu quả và lành mạnh.

Mức tín dụng 14%, thậm chí thấp hơn cũng là khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là IMF khi mà quy mô tín dụng của Việt Nam đã tăng lên tới hơn 130% GDP. Bởi nếu cứ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao như mấy năm trước, có thể đẩy hệ thống ngân hàng và rộng hơn là nền kinh tế đứng trước nhiều rủi ro.

Hiện NHNN cũng cho thấy kiên định với mục tiêu này bất chấp việc tín dụng tăng khá thấp trong mấy tháng đầu năm nay. Ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, ngân hàng đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 ở mức 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế nhưng vẫn dựa trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% và lạm phát bình quân dưới 4%.

Diễn biến của một vài tháng đầu năm chưa thế phản ánh hết được bức tranh tín dụng năm nay. Đặc biệt, hiện NHNN đã phát đi tín hiệu nới thời hạn phải tuân thủ Basel II, nên áp lực tăng vốn của các ngân hàng cũng đã giảm bớt. “Với những kế hoạch kinh doanh đầy lạc quan mà các ngân hàng đặt ra, chắc chắn tín dụng sẽ đạt, thậm chí vượt mục tiêu đề ra nếu như nền kinh tế không chịu cú sốc nào lớn từ bên ngoài như cuộc chiến thương mại leo thang và lan rộng ảnh hưởng tới xuất khẩu và sản xuất trong nước”, một chuyên gia nhận định.

Hà Anh