Cách nào huy động ngoại tệ hiệu quả trong dân?
Có rất nhiều giải pháp để huy động ngoại tệ trong dân phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó ngân hàng chỉ là kênh gián tiếp.
Huy động ngoại tệ nóng trở lại
Vấn đề huy động ngoại tệ trong dân đã “nóng” trở lại khi vừa qua, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Trần Quang Chiểu- Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng cần sớm có chính sách huy động ngoại tệ trong dân.
Sự sốt ruột của các đại biểu Quốc hội cũng là điều dễ hiểu khi mà hàng năm chúng ta vẫn phải vay nước ngoài một lượng tiền lớn để đầu tư phát triển kinh tế, trong khi một nguồn lực rất lớn trong dân vẫn đang để lãng phí.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng trước hết cần phải xác định xem nguồn lực dân có thực sự đang để lãng phí, tức đang nằm chết trong dân, hay một phần lớn nguồn lực này vẫn đang được sử dụng hiệu quả, bằng cách này hay cách khác. Ngoài ra, cũng không nên hiểu “huy động” theo nghĩa hẹp, tức là phải huy động thông qua ngân hàng, mà nên hiểu “huy động” ở đây theo nghĩa rộng hơn. Theo đó, miễn là nguồn lực trong dân được đầu tư vào sản xuất kinh doanh, dù là trực tiếp hay gián tiếp thì nguồn lực đó đã được “huy động”, chứ không phải chỉ có mỗi phương thức gửi vào ngân hàng.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp cần làm gì để phòng ngừa rủi ro tỷ giá?
04:30, 25/05/2019
Áp lực tỷ giá vẫn còn lớn
05:01, 22/05/2019
“Sóng” tỷ giá (Kỳ II): Áp lực từ ngừng cho vay ngoại tệ
11:01, 19/05/2019
Siết cho vay ngoại tệ: Chuyển dần sang quan hệ mua-bán
05:14, 24/11/2018
Doanh nghiệp sẽ làm gì khi bị chấm dứt cho vay ngoại tệ?
11:03, 17/08/2018
Trên thực tế, thói quen nắm giữ ngoại tệ cũng mới chỉ hình thành khoảng hơn chục năm trở lại đây, khi nền kinh tế mở cửa. Sở dĩ như vậy là do người dân lo VND có thể bị mất giá, trong khi nắm giữ ngoại tệ có thể bảo toàn giá trị tốt hơn. Cũng chính vì nguyên nhân này, việc nắm giữ ngoại tệ thường có xu hướng tăng mạnh khi nền kinh tế bất ổn, lạm phát tăng cao.
Tuy nhiên những năm gần đây, nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng khá cao, lạm phát được kiểm soát dưới 4%. Trong khi đó, lãi suất huy động ngoại tệ đã giảm về 0%, khiến không ít người dân đã chuyển đổi từ ngoại tệ sang nắm giữ VND.
“Hãy cùng thử làm một phép tính đơn giản thế này. Năm ngoái, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 2%. Giả sử bạn có 10.000 USD và bạn mang toàn bộ số tiền này gửi ngân hàng. Sau một năm, bạn cũng chỉ có đúng 10.000 USD. Thế nhưng, nếu quy đổi số tiền này sang VND, bạn có hơn khoảng 230 triệu đồng rồi mang gửi tiết kiệm, bạn sẽ nhận được lãi suất khoảng 8%/năm. Sau khi trừ đi tỷ lệ mất giá của VND là 2%, bạn vẫn thu lời tới 6%, hiệu quả hơn nhiều so với nắm giữ ngoại tệ”, một vị chuyên gia phân tích.
Đó là chưa kể, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán… cũng sôi động đã thu hút một nguồn lực không nhỏ trong dân đầu tư vào các kênh này và đó cũng là một cách gián tiếp đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Giải pháp huy động
Từ đó có thể thấy, giải pháp huy động ngoại tệ trong dân vào phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả nhất chính là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, việc cải cách thủ tục hành chính giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn, kích thích làn song khởi nghiệp tăng cao cũng là một giải pháp huy động hiệu quả nguồn lực ngoại tệ trong dân. Ngoài ra, việc NHNN đang chuyển dần quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán ngoại tệ cũng góp phần quan trọng vào việc huy động ngoại tệ trong dân.
Cũng có ý kiến cho rằng, cần tăng lãi suất để huy động ngoại tệ. Tuy nhiên, quan điểm này không hợp lý, bởi điều đó chẳng những nhanh chóng xóa sạch những thành quả chống đô la hóa đã đạt được trong những năm qua, mà còn đẩy mặt bằng lãi suất cho vay tăng theo, gây thêm khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Đó cũng chính là quan điểm của NHNN đối với vấn đề huy động ngoại tệ trong dân. Còn nhớ trong văn bản trả lời cử tri tỉnh Phú Yên về vấn đề này năm ngoái, NHNN cho biết để thu hút được nguồn lực không phải VND vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị VND đóng vai trò then chốt. Khi VND có giá trị ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi thì các nhu cầu tích trữ dự phòng tài sản bằng ngoại tệ sẽ giảm và nhu cầu đầu tư sẽ tăng lên.
Bên cạnh đó, NHNN đã triển khai các giải pháp để thu hút các nguồn ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng, thể hiện qua chính sách quản lý hoạt động đại lý đổi ngoại tệ và chính sách mua, bán ngoại tệ tiền mặt của TCTD được phép với cá nhân...
Nhờ triển khai đồng bộ một loạt các giải pháp trên, thị trường ngoại tệ đã không còn chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường phi chính thức và thị trường chính thức, tâm lý găm giữ ngoại tệ của tổ chức và dân cư đã giảm đáng kể, lượng ngoại tệ bán cho hệ thống ngân hàng liên tục tăng, góp phần chuyển hóa nguồn lực ngoại tệ vào phục vụ sản xuất kinh doanh và tạo nguồn cung tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.