Áp lực tỷ giá vẫn còn lớn

Hà Anh 22/05/2019 05:01

Mặc dù sau trấn an của đại diện lãnh đạo NHNN, tỷ giá USD/VND đã “hạ nhiệt”, nhưng vẫn còn đang chịu nhiều áp lực.

sgsd

 Tỷ giá USD/VND đã quay đầu giảm trở lại và duy trì ổn định trong phiên giao dịch ngày 21/5. 

Sau khi tăng khá mạnh vào đầu giờ sáng ngày 20/5, tỷ giá USD/VND đã quay đầu giảm trở lại và duy trì ổn định trong phiên giao dịch sáng ngày 21/5. Theo đó, hiện giá mua - bán USD tại Vietcombank được niêm yết ở mức 23.345 – 23.365 đồng/USD, không thay đổi so với cuối giờ chiều ngày 20/5, song giảm 30 đồng/USD so với sáng cùng ngày. Trong khi VietinBank tiếp tục giảm nhẹ giá mua – bán USD thêm 5 đồng xuống mức 23.338 – 23.368 đồng/USD.

Sáng 21/5, tỷ giá trung tâm cũng được NHNN giữ ổn định ở mức 23.069 đồng/USD. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần là 23.761 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.377 đồng/USD. Sở Giao dịch NHNN cũng duy trì giá mua vào ở mức 23.200 đồng/USD, giá bán ra cũng được giữ ở mức 23.711 đồng/USD, thấp hơn tỷ giá trần 50 đồng/USD.

Lý giải về diễn biến này, một chuyên gia ngân hàng cho biết, tâm lý của thị trường đã được giải tỏa phần nào sau những phát biểu có tính trấn an của NHNN. Trước đó ngày 20/5, ông Phạm Thanh Hà – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp, tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.

Có thể bạn quan tâm

  • “Sóng” tỷ giá (Kỳ II): Áp lực từ ngừng cho vay ngoại tệ

    “Sóng” tỷ giá (Kỳ II): Áp lực từ ngừng cho vay ngoại tệ

    11:01, 19/05/2019

  • Phòng ngừa rủi ro tỷ giá

    Phòng ngừa rủi ro tỷ giá

    02:24, 19/05/2019

  • “Sóng” tỷ giá (Kỳ I): Lo tác động gián tiếp

    “Sóng” tỷ giá (Kỳ I): Lo tác động gián tiếp

    11:05, 16/05/2019

  • Chuyên gia HSBC Việt Nam: Doanh nghiệp cần chủ động trong phòng vệ rủi ro tỷ giá

    Chuyên gia HSBC Việt Nam: Doanh nghiệp cần chủ động trong phòng vệ rủi ro tỷ giá

    09:00, 16/05/2019

  • “Khoảng đệm” cho tỷ giá

    “Khoảng đệm” cho tỷ giá

    05:01, 11/05/2019

  • TS. Võ Trí Thành: Chính sách tỷ giá cần linh hoạt để tạo niềm tin cho doanh nghiệp

    TS. Võ Trí Thành: Chính sách tỷ giá cần linh hoạt để tạo niềm tin cho doanh nghiệp

    05:01, 10/05/2019

  • Tỷ giá tăng chưa ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp

    Tỷ giá tăng chưa ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp

    15:47, 09/05/2019

  • Áp lực tỷ giá gia tăng mạnh

    Áp lực tỷ giá gia tăng mạnh

    05:01, 08/05/2019

Trên thực tế, sau quãng thời gian khá bình lặng đầu năm, thị trường ngoại hối bắt đầu nổi sóng kể từ cuối tháng 4; giá mua – bán USD cả trên thị trường chính thức lẫn tự do đều bật tăng rất mạnh. Tuy nhiên, tỷ giá tăng trong những ngày qua chủ yếu do sự leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm gia tăng quan ngại của thị trường về khả năng xung đột thương mại quốc tế, đồng thời việc đồng nhân dân tệ (CNY) tiếp tục giảm giá trong một số ngày từ cuối tháng 4 đến nay cũng đã tác động mạnh tới tâm lý thị trường ngoại tệ trong nước, từ đó gây áp lực tới tỷ giá.

“Những lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang đã thúc đẩy các nhà đầu tư mua vào các tài sản của Mỹ, trong đó có đồng USD để trú ẩn, trong khi lại bán tháo đồng CNY. Đồng USD tăng giá trong khi CNY rớt mạnh đều có tác động cùng chiều, tạo áp lực tăng tỷ giá trong nước”, vị chuyên gia trên cho biết và nhấn mạnh, cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc cũng muốn đồng nội tệ suy yếu để giảm bớt thiệt hại từ chính sách thuế quan của Mỹ.

Trong phiên giao dịch ngày 20/5 có thời điểm USD index đã tăng lên 98,036 điểm, cao nhất kể từ ngày 3/5. Trong khi đó, CNY đã giảm giá tới 2,8% trong tháng này và hiện các nhà đầu tư đang lo ngại đồng nội tệ của Trung Quốc có thể sớm xuyên thủng ngưỡng 7 CNY/USD lên đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 nếu NHTW Trung Quốc không có những động thái can thiệp.

“Do Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên biến động của đồng CNY sẽ có tác động nhất định đến VND”, vị chuyên gia trên nói và cho biết thêm, cung – cầu ngoại tệ trên thị trường không có biến động gì lớn. Bởi vậy, những biến động mang tính tâm lý này sẽ sớm qua đi.

Ông Phạm Thanh Hà – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cũng cho biết, từ cuối tháng 4 đến nay, tỷ giá bắt đầu có xu hướng tăng, mặc dù tâm lý thị trường có lo lắng nhưng thanh khoản thị trường vẫn được đảm bảo, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Đặc biệt, những tháng đầu năm NHNN đã mua được lượng ngoại tệ lớn tăng dự trữ ngoại hối, góp phần củng cố an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và tăng khả năng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, tỷ giá vẫn đang chịu nhiều áp lực. Bên ngoài, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn khó lường bởi bất đồng giữa hai bên không chỉ đơn thuần nằm ở vấn đề thương mại; điều đó cũng đồng nghĩa với việc diễn biến của đồng USD và CNY vẫn khó đoán định. Trong khi đó trong nước, tỷ giá cũng đang chịu nhiều áp lực khi mà cán cân thương mại không còn thuận lợi như trước, thậm chí có thể thâm hụt trở lại; sức ép lạm phát cũng đang lớn dần sau khi giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như điện và xăng dầu tăng mạnh…

Trong bối cảnh đó, lời khuyên của các chuyên gia là doanh nghiệp cần chủ động trong phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Cụ thể, doanh nghiệp có thể sử dụng các sản phẩm ngoại hối phái sinh như các sản phầm kỳ hạn hoặc quyền chọn để giảm thiểu rủi ro khi tỷ giá biến động quá mức dự báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Áp lực tỷ giá vẫn còn lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO