Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc tăng tỷ giá USD/VND trong những ngày qua chưa hẳn đã mang lại tác động tiêu cực, vì đây chỉ là sự điều chỉnh mang tính ngắn hạn.
Tỷ giá tăng có lợi cho xuất khẩu
Tỷ giá trung tâm ngày 9/5 được NHNN công bố ở mức 23.051 đồng/USD, tăng tiếp 5 đồng so với mức công bố hôm trước. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng thương mại áp dụng ngày 9/5 là 23.743 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.359 VND/USD. Đây là phiên thứ ba liên tiếp tỷ giá này được điều chỉnh tăng với mức tăng tổng cộng sau 3 phiên là 21 đồng. Theo giới chuyên gia, việc điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm của NHNN trong thời gian qua nhằm đề phòng các biến động tiêu cực có thể xảy ra cho nền kinh tế.
Trong khi đó, tỷ giá USD/VND ở một số ngân hàng cũng tăng 30 đồng so với phiên trước, mua vào và bán ra phổ biến ở mức: 23.340 đồng/USD và 23.420 đồng/USD. Vietcombank và BIDV niêm yết tỷ giá ở mức 23.340- 23.460 đồng/USD. Tại Vietinbank, tỷ giá niêm yết ở mức 23.295- 23.415 đồng/USD, tại ACB là 23.330- 23.420 đồng/USD…
Có thể bạn quan tâm
05:01, 08/05/2019
09:54, 29/04/2019
09:41, 03/05/2019
06:01, 27/04/2019
05:01, 29/03/2019
05:01, 12/03/2019
Tỷ giá tăng trong những ngày qua chủ yếu là do USD trên thị trường quốc tế đã tăng khá mạnh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc. Ngoài ra, tỷ giá còn chịu tác động từ các yếu tố trong nước, trong đó áp lực lạm phát sẽ gia tăng khi giá xăng tăng liên tục, giá điện tăng 8,36% và những biến động trên thị trường liên ngân hàng...
Ông Phạm Thanh Duy – Giám đốc một công ty gốm sứ tại Bình Dương cho biết: "Công ty chúng tôi chuyên về xuất khẩu nên việc tăng tỷ giá USD/VND sẽ có lợi cho công ty. Vì chúng tôi bán sản phẩm ra thị trường các nước châu Âu và Mỹ để thu về đồng USD, trong khi chi phí sản xuất trong nước được thanh toán bằng đồng VND. Nhưng với đặc thù của ngành xuất khẩu, chúng tôi thường ký hợp đồng mua bán sản phẩm với đối tác trước đó cả vài tháng, nên việc tăng tỷ giá chỉ có lợi khi công ty ký được các hợp đồng xuất khẩu mới".
Lâu dài sẽ tác động
Ông Nguyễn Văn Hùng– Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhật Thiên Kim chia sẻ, công ty của ông chuyên nhập khẩu các loại sản phẩm về điện có xuất xứ từ Trung Quốc và được thanh toán bằng tiền Nhân dân tệ (CNY). Cho nên, việc tăng tỷ giá USD/VND chưa tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, về lâu dài, việc tăng tỷ giá có thể sẽ tác động đến giá cả hàng hóa, lạm phát, lãi suất…, đồng thời ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, việc tăng tỷ giá USD/VND sẽ có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa nhưng lại bất lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa khi thanh toán bằng đồng USD. Về mặt tích cực, đây có thể là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu tăng doanh thu và lợi nhuận. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có thể đẩy mạnh tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm, mở rộng và phát triển thương hiệu tại thị trường quốc tế. Về mặt tiêu cực, khi tỷ giá tăng cao (với biên độ lớn và kéo dài), sẽ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nhập khẩu, có sử dụng thanh toán bằng đồng USD. Ngoài ra, áp lực tăng tỷ giá sẽ làm mất cân đối cán cân thanh toán và gây ra lạm phát cao.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng cho biết, không có quốc gia nào muốn tăng tỷ giá liên tục và kéo dài. Vì như thế sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Những doanh nghiệp nắm giữ đồng USD sẽ nuôi giữ ý định đầu cơ tích trữ. Còn doanh nghiệp có các khoản dư nợ đồng USD sẽ chịu phần chênh lệch tăng thêm, khiến cho doanh thu và lợi nhuận bị giảm xuống.