Việc lãi suất VND liên ngân hàng liên tục giảm mạnh và hiện chỉ còn cao hơn một chút so với lãi suất USD đã khiến không ít người lo ngại sẽ tạo áp lực lên tỷ giá.
Sức ép lên tỷ giá
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đang rất dồi dào. Theo giới chuyên gia, điều đó cũng không có gì khó hiểu khi mà dòng tiền nhàn rỗi đang quay lại hệ thống ngân hàng dịp sau Tết nguyên đán. Hơn nữa, huy động vốn tăng cao trong khi tín dụng những tháng đầu năm chỉ tăng rất thấp khiến thanh khoản của hệ thống trở nên dư thừa. Không chỉ vậy, việc NHNN tiếp tục mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối cũng đồng nghĩa có một lượng lớn VND đã được bơm ra thị trường, càng khiến thanh khoản thêm dư thừa.
Bởi vậy, mặc dù NHNN đẩy mạnh hút tiền về kể từ sau Tết Nguyên đán, thậm chí đã phát hành trở lại tín phiếu để tăng tốc hút tiền về, song lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn liên tục giảm, khiến chênh lệch lãi suất VND – USD thu hẹp kỷ lục.
Có thể bạn quan tâm
05:01, 12/03/2019
13:42, 20/02/2019
05:01, 12/02/2019
11:01, 28/12/2018
05:01, 22/03/2019
10:11, 21/03/2019
09:50, 19/03/2019
Theo thống kê của NHNN Việt Nam, trong tuần từ 18 - 22/3, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng đã giảm về còn 3,16%/năm đối với kỳ hạn qua đêm, 3,25%/năm dối với kỳ hạn 1 tuần và 3,33%/năm đối với kỳ hạn 2 tuần; tức chỉ còn cao hơn lãi suất USD các kỳ hạn tương ứng từ 0,7 – 0,8%. Điều đó đã làm dấy lên lo ngại có thể khuyến khích các ngân hàng găm giữ ngoại tệ, từ đó tạo sức ép đến tỷ giá.
Lo ngại trên không phải không có cơ sở khi nhìn lại những thời điểm tháng 7/2018, lãi suất VND liên tục giảm sâu rơi xuống thấp hơn lãi suất USD, qua đó tạo thêm áp lực đến tỷ giá. “Mức chênh lệch âm giữa hai lãi suất kể trên đang thúc đẩy các nhà băng nắm giữ ngoại tệ. Điều này có thể tạo ra tình trạng đầu cơ và áp lực lên tỷ giá”, Công ty chứng khoán VDSC thời gian đó nhận định.
Để giải tỏa áp lực này, một mặt NHNN đã đẩy mạnh phát hành tín phiếu để hút nhanh tiền đồng về nhằm đẩy lãi suất VND tăng lên, qua đó gia tăng vị thế cho tiền đồng. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa có nhiều cải thiện, buộc NHNN phải bán ra ngoại tệ can thiệp. Bởi động thái này một mặt vừa tăng cung USD, mặt khác lại giảm cung tiền đồng nên có tác dụng mạnh hơn đến việc ổn định tỷ giá.
Không đáng ngại
Nhiều chuyên gia cho rằng diễn biến này không đáng ngại, bởi thực trạng thị trường hiện tại đã khác hẳn với thời điểm giữa năm ngoái. Còn nhớ thời điểm đầu tháng 7/2018, không những lãi suất VND liên ngân hàng giảm mà lãi suất huy động VND trên thị trường dân cư cũng đứng ở mức rất thấp. Theo thống kê của NHNN Việt Nam, mặt bằng lãi suất huy động VND thời điểm đó phổ biến ở mức 0,6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm.
Thế nhưng hiện tại, mặc dù lãi suất VND liên ngân hàng đang đứng ở mức khá thấp, song vẫn duy trì mức chênh lệch dương so với USD. Hơn thế, lãi suất huy động VND trên thị trường dân cư vẫn đang đứng ở mức rất cao. “Chênh lệch lãi suất VND-USD đang thu hẹp đáng kể (0,7-0,8%/năm với kỳ hạn qua đêm) nhưng vẫn ở mức dương, triển vọng khả quan về giải ngân vốn FDI, FII khiến nguồn cung USD vẫn khá dồi dào sẽ hỗ trợ cho sự ổn định của VND trong thời gian tới”, Công ty chứng khoán SSI nhận định.
Đồng tình quan điểm này, một chuyên gia ngân hàng phân tích thêm, hiện các ngân hàng còn bị ràng buộc bởi quy định trạng thái ngoại hối nên không dễ gì găm giữ USD chỉ vì chênh lệch lãi suất VND – USD ở mức thấp. Tuy nhiên, theo vị này, nếu chênh lệch lãi suất VND – USD trên thị trường 1 giảm mạnh, chắc chắn sẽ kích thích tâm lý găm giữ ngoại tệ của người dân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh đồng USD trên thị trường thế giới được dự báo sẽ biến động khó lường trong năm nay. “Hiện lãi suất huy động USD trên thị trường 1 chỉ ở mức 0%, trong khi lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 năm đang ở mức 7-8%/năm nên ngay cả trường hợp tỷ giá tăng tới 2-3% thì nắm giữ VND vẫn có lợi hơn”, vị này cho biết.
Thực tế cũng cho thấy, mặc dù chênh lệch lãi suất VND – USD liên tục được thu hẹp, song tỷ giá vẫn ổn định. Theo đó, trái ngược với việc tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh tăng, hiện đang đứng ở mức 22.978 đồng/USD, tăng 153 đồng so với cuối năm 2018, song tỷ giá tại các ngân hàng vẫn được duy trì khá ổn định kể từ đầu năm nay.