Lãi suất cho vay khó giảm mạnh

Hà Anh 22/03/2019 05:01

Nhiều chuyên gia cho rằng, lãi suất cho vay không chỉ bị phân hóa mạnh, mà còn khó giảm mạnh trong điều kiện tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của nhiều ngân hàng đang ở mức thấp.

Cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng đang bị phân hóa

Cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng đang bị phân hóa

Lãi suất huy động biến động trái chiều

Lãi suất huy động vẫn tiếp tục tăng và hiện đã phân chia thành 3 nhóm rõ rệt. Trong đó, nhóm các NHTM Nhà nước đang có lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng của các NHTM Nhà nước chỉ là 5-5,2%/năm; 6 -9 tháng là 5,3 – 5,5%/năm; 12 tháng trở lên là 6,8% - 6,9%/năm. Huy động với lãi suất cao hơn một chút là nhóm các ngân hàng TMCP có quy mô lớn như ACB, Sacombank…

Trong khi lãi suất huy động cao nhất đang thuộc về các ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ và vừa. Hiện lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng của các nhà băng này đã được đẩy kịch trần là 5,5%/năm; kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 7,4%/năm; 7-11 tháng cao nhất là 7,8%/năm; 12 tháng cao nhất là 8%/năm; 24 tháng trở lên cao nhất là 8,6%/năm.

Có thể bạn quan tâm

  • Lãi suất đang diễn biến trái chiều

    Lãi suất đang diễn biến trái chiều

    10:11, 21/03/2019

  • Áp lực tăng vốn đẩy lãi suất

    Áp lực tăng vốn đẩy lãi suất

    02:53, 10/03/2019

  • Khó giảm lãi suất cho vay trên diện rộng

    Khó giảm lãi suất cho vay trên diện rộng

    05:01, 09/03/2019

  • Mở rộng tín dụng và giảm lãi suất: Thực có tòng tâm?

    Mở rộng tín dụng và giảm lãi suất: Thực có tòng tâm?

    09:30, 05/03/2019

  • Giải mã biến động “lạ” về lãi suất huy động

    Giải mã biến động “lạ” về lãi suất huy động

    05:01, 05/03/2019

  • Lãi suất đầu năm 2019 rất khác và “lạ”?

    Lãi suất đầu năm 2019 rất khác và “lạ”?

    13:03, 28/02/2019

Theo các chuyên gia ngân hàng, việc các ngân hàng nhỏ phải huy động với lãi suất cao hơn so với các ngân hàng lớn, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh, không có gì là đáng ngạc nhiên. “Do thua kém về uy tín thương hiệu, mạng lưới giao dịch cũng hẹp hơn nên để huy động được vốn, các nhà băng nhỏ phải đưa ra mức lãi suất hấp dẫn hơn so với các ngân hàng lớn”, một chuyên gia ngân hàng cho biết.

Tuy nhiên, mức chênh lệch lãi suất lớn như vậy là rất đáng chú ý, nhất là khi thanh khoản của hệ thống hiện đang rất dồi dào. Điều đó được thể qua việc NHNN liên tục hút ròng tiền về kể từ sau Tết Nguyên Kỷ Hợi đán đến nay. Thống kê của Công ty Chứng khoán bảo Việt (BVSC) cho thấy, từ ngày 11/2 đến nay, NHNN đã hút về hơn 145 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, để hút bớt tiền về trong bối cảnh số dư trên thị trường mở đã giảm xuống mức rất thấp, lần đầu tiên NHNN đã phát hành tín phiếu trở lại trong tuần từ 11-15/3/2019 sau 4 tháng “im hơi lặng tiếng”.

Thế nhưng, lãi suất VND liên ngân hàng vẫn giảm liên tục trong thời gian này. “Theo quan sát của chúng tôi, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn tương đối tích cực, thể hiện thông qua hoạt động hút ròng liên tục của NHNN trong các tuần gần đây. Xu hướng giảm lãi suất liên ngân hàng sẽ vẫn duy trì trong các tuần sắp tới và giảm về mức trung bình quanh 3%/năm đối với tất cả các kỳ hạn”, BVSC dự báo.

Lý giải về diễn biến này, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, mặc dù thanh khoản đang dư thừa, song điều mà các nhà băng thiếu đó là tổng vốn để kéo giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống dưới 40% theo quy định của NHNN. “Hiện có khá nhiều ngân hàng có tỷ trọng tín dụng trung dài hạn ở mức rất cao và các nhà băng này vẫn phải tích cực huy động để tăng tổng nguồn vốn nhằm kéo tỷ trọng này xuống, cho dù thanh khoản dư thừa”, vị chuyên gia này cho biết.

Lãi suất cho vay phân hóa

Không chỉ lãi suất huy động mà mặt bằng lãi suất cho vay cũng đã bị phân hóa rõ rệt giữa hai khối NHTMCP Nhà nước và NHTMCP tư nhân. Còn nhớ sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019, hưởng ứng lời hiệu triệu của Thống đốc NHNN, các NHTM Nhà nước đã tuyên bố giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay VND đối với các lĩnh vực ưu tiên, cả ngắn, trung và dài hạn.

Tuy nhiên, kể từ đó cho tới nay, các ngân hàng trong khối cổ phần tư nhân vẫn chưa có động tĩnh gì cho thấy sẽ hưởng ứng làn sóng này của các NHTM Nhà nước. Thậm chí giới chuyên môn còn cho rằng, các ngân hàng khó có cơ hội giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đang đứng ở mức cao như hiện nay.

“Muốn giảm lãi suất cho vay, điều kiện đầu tiên và tiên quyết nhất là lãi suất huy động phải giảm. Bởi hiện tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng đang ở mức rất thấp và dự báo có thể còn tiếp tục thu hẹp trong năm nay”, một lãnh đạo ngân hàng cho biết. Quả vậy, theo BVSC, NIM của toàn ngành trong năm 2019 được dự báo ở mức khoảng 3,2%, thậm chí một số ngân hàng sẽ gặp áp lực giảm NIM do tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) ở mức cao, như BIDV, Vietinbank và VPBank. Trong khi theo khuyến cáo của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thế giới, để hệ thống các TCTD phát triển lành mạnh, hệ số NIM phải đạt ít nhất là 3,5%.

Không chỉ có sự phân hóa lãi suất giữa các ngân hàng mà theo các chuyên gia, việc NHNN khống chế tăng trưởng tín dụng trong năm nay cũng sẽ khiến lãi suất khó giảm mạnh và bị phân hóa theo từng đối tượng khách hàng. Sở dĩ như vậy là bởi các nhà băng phải tìm cách tối đa hóa lợi nhuận trên dư địa tín dụng hạn hẹp được giao bằng cách “lọc” khách hàng hay đẩy vốn vào những phân khúc có lợi nhuận cao hơn. “Sẽ có những doanh nghiệp được vay với lãi suất chỉ 6%/năm, song cũng có doanh nghiệp sẽ phải vay với lãi suất 11%/năm, thậm chí còn cao hơn”, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lãi suất cho vay khó giảm mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO