Lãi suất đang diễn biến trái chiều

Theo thoibaonganhang 21/03/2019 10:11

Theo quan sát của giới chuyên môn, xu hướng giảm của lãi suất liên ngân hàng sẽ vẫn duy trì trong các tuần sắp tới và giảm về mức trung bình quanh 3%/năm đối với tất cả các kỳ hạn.

Các ngân hàng đẩy mạnh hút vốn kỳ hạn dài để cơ cấu lại nguồn vốn

Các ngân hàng đẩy mạnh hút vốn kỳ hạn dài để cơ cấu lại nguồn vốn

Lãi suất thị trường liên ngân hàng có xu hướng giảm

Theo bản tin thị trường tiền tệ 11-15/3 của một số CTCK, một trong những điểm nhấn trong tuần qua chính là NHNN quay trở lại phát hành tín phiếu sau một thời gian dài không phát hành và hơn 2 tháng duy trì số dư tín phiếu bằng 0. Cụ thể, NHNN đã phát hành 17.000 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất 3% trong tuần qua và hút ròng 6.374 tỷ đồng thông qua thị trường mở (OMO). Như vậy, tổng hợp 2 kênh OMO và tín phiếu, NHNN ở vị thế hút ròng 23.373 tỷ đồng trong tuần qua.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng lượng OMO và tín phiếu đang lưu hành ở mức 24.587 tỷ đồng, thấp hơn tương đối so với mức trung bình các tháng gần đây. Tính lũy kế kể từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN đã hút ròng tổng cộng 64.820 tỷ đồng qua hai kênh OMO và tín phiếu. Xu hướng hút ròng lũy kế tiếp tục được duy trì tuần thứ năm liên tiếp. Đáng chú ý, động thái hút ròng của NHNN trong tuần qua có sự “đổi vai” giữa kênh OMO và tín phiếu.

Có thể bạn quan tâm

  • Áp lực tăng vốn đẩy lãi suất

    Áp lực tăng vốn đẩy lãi suất

    02:53, 10/03/2019

  • Khó giảm lãi suất cho vay trên diện rộng

    Khó giảm lãi suất cho vay trên diện rộng

    05:01, 09/03/2019

  • Mở rộng tín dụng và giảm lãi suất: Thực có tòng tâm?

    Mở rộng tín dụng và giảm lãi suất: Thực có tòng tâm?

    09:30, 05/03/2019

  • Giải mã biến động “lạ” về lãi suất huy động

    Giải mã biến động “lạ” về lãi suất huy động

    05:01, 05/03/2019

  • Lãi suất đầu năm 2019 rất khác và “lạ”?

    Lãi suất đầu năm 2019 rất khác và “lạ”?

    13:03, 28/02/2019

Động thái đổi vai này theo nhận định của CTCK Bảo Việt là bởi khi lượng OMO đang lưu hành xuống mức thấp (7.588 tỷ đồng), việc hút ròng thông qua kênh OMO không thể sử dụng thêm được nhiều nữa. Vì vậy, NHNN đã quay trở lại phát hành tín phiếu để tiếp tục hoạt động hút ròng. Bình luận thêm về động thái này, CTCK SSI cho rằng, đây có thể là dấu hiệu cho sự khởi đầu của giai đoạn hút tiền sau hơn 4 tháng liền bơm VND ra thị trường, nhưng cũng có thể là thông điệp về chính sách ngắn hạn của NHNN là muốn duy trì lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng ở mức tối thiểu 3%/năm.

Thực tế, dù NHNN đã liên tục hút ròng tới 162 nghìn tỷ đồng trong 5 tuần gần đây, nhưng lãi suất trên liên ngân hàng vẫn giảm không ngừng, đặc biệt là trong tuần vừa qua. Cụ thể, kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần giảm lần lượt từ mức 3,95%; 3,8% và 4% xuống còn 3,55%; 3,45% và 3,65%. 

Xu hướng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục suy giảm được VDSC nhận định do chênh lệch tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng khá lớn trong 2 tháng đầu năm.

“Theo thông báo mới đây, tăng trưởng cung tiền đạt 2,1% trong 2 tháng đầu năm, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 0,8%. Điều này tạo ra một lượng chênh lệch khá lớn, qua đó tác động tích cực tới thanh khoản thị trường”, VDSC nhìn nhận.

Theo quan sát của giới chuyên môn, với diễn biến như hiện nay, xu hướng giảm của lãi suất liên ngân hàng sẽ vẫn duy trì trong các tuần sắp tới và giảm về mức trung bình quanh 3%/năm đối với tất cả các kỳ hạn.

Ngân hàng tăng lãi suất kỳ hạn dài để hút vốn

Trái ngược với lãi suất trên thị trường 2, lãi suất trên thị trường 1 lại có chiều hướng tăng nhẹ nhất là đối với kỳ hạn dài. Theo ghi nhận của phóng viên, từ đầu tháng 3 đến nay, dù lãi suất trên thị trường 2 liên tục giảm nhưng lãi suất huy động VND chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí tăng nhẹ.  Tại ACB, lãi suất kỳ hạn 12 tháng áp dụng cho khách hàng ngoài khu vực TP. Hồ Chí Minh tăng thêm 0,2% tùy giá trị tiền gửi.

Cụ thể, khách hàng gửi dưới 200 triệu đồng được hưởng lãi suất 7%/năm; từ 200 triệu đến 500 triệu là 7,1%/năm; từ 1 tỷ đến 5 tỷ là 7,15%/năm…  Tại LienVietPostBank, biểu lãi suất áp dụng từ tháng 3/2019 có nhiều thay đổi so với trước đó. Đáng chú ý, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này tăng từ 7,6% lên 8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 48 tháng trở lên.

Ngoài tăng lãi suất tiền gửi trực tiếp, một số ngân hàng lại hút vốn dài hạn qua kênh chứng chỉ tiền gửi với lãi suất hấp dẫn. Đơn cử như tại BIDV, ngân hàng này đang triển khai chương trình chứng chỉ tiền gửi trung dài hạn với lãi suất lên tới 7,6%/năm. Mức lãi suất huy động này cao hơn nhiều so với mức lãi suất thông thường tại ngân hàng này là 6,9%/năm áp dụng đồng loạt cho kỳ hạn 12, 24 và 36 tháng.

Đại diện của BIDV cho biết, mục đích phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn là để đa dạng hóa nguồn vốn huy động, đồng thời khuyến khích người dân, tổ chức kinh tế gửi tiền kỳ hạn dài.

Ngoài lý do trên, theo phân tích của giới chuyên môn, trong bối cảnh việc tăng vốn của các ngân hàng nhất là NHTM có vốn Nhà nước không thuận lợi thì việc gia tăng huy động vốn kỳ hạn dài thông qua chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi hay kỳ phiếu vẫn là giải pháp giúp các ngân hàng sớm đạt được mong muốn nhanh và hiệu quả nhất để cân đối nguồn vốn, nhất là ở các kỳ hạn dài trong điều kiện tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ngày càng bị siết lại.

“Tăng mạnh lãi suất tạo khoảng cách khác biệt giữa các kỳ hạn vừa giúp ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn đầu vào bền vững hơn vừa giúp cho ngân hàng có nguồn vốn ổn định để cho vay. Sự phân hóa lãi suất rõ nét giữa các kỳ hạn ngắn - dài cũng sẽ vẽ đường cong lãi suất ngày càng chuẩn hơn”, một chuyên gia ngân hàng bình luận.

Theo ghi nhận của phóng viên, biểu lãi suất kỳ hạn dài của một số ngân hàng có sự khác biệt, có ngân hàng lại áp dụng mức lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng thay vì là 24 hay 36 tháng. Lý giải điều này, tổng giám đốc một NHTMCP chia sẻ, khác với doanh nghiệp, dòng tiền của ngân hàng ra vào liên tục. Khoản này đến hạn khoản kia gửi vào nên ngân hàng không nhất thiết phải dùng kỳ hạn tương đương để cho vay, vì vậy, hiện tại các kỳ hạn chủ chốt 3,6,9,12 tháng là mức mà các ngân hàng tập trung hút vốn nhiều, vừa đảm bảo thanh khoản với chi phí hợp lý chứ không nhất thiết phải huy động kỳ hạn quá dài.

Không phủ nhận sự cần thiết, tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng tỏ ra lo lắng động thái tăng lãi suất hút vốn dài hạn tạo áp lực lên lãi suất huy động trong thời gian tới. Nhất là đối với các ngân hàng quy mô cỡ vừa và nhỏ. “Tăng lãi huy động kỳ hạn ngắn hay dài đều tạo áp lực cho ngân hàng. Vì muốn giữ mức tăng trưởng, đảm bảo các chỉ số thanh khoản các ngân hàng phải có mức lãi suất tốt thì mới hút được vốn.

Hiện tại, lãi suất đầu vào các kỳ hạn dài của các ngân hàng khối cổ phần đang khá cao so với khối NHTM Nhà nước, trung bình từ 7%/năm trở lên. Vẫn biết thị trường cần có sự cạnh tranh nhưng nếu như có mức tăng hài hòa hơn sẽ bớt áp lực cho các ngân hàng quy mô nhỏ”, vị này bày tỏ quan điểm và chia sẻ thêm, hiện tại ngân hàng vẫn phải duy trì mức lãi suất huy động kỳ hạn dài ở mức cao để giữ chân khách hàng.

Theo quan sát của người viết, xen kẽ ngân hàng tăng lãi suất kỳ hạn dài cũng có ngân hàng giảm như Bac A Bank điều chỉnh lãi suất ở các kỳ hạn trên 12 tháng từ 8,2%/năm xuống mức 8,1%/năm. Nhưng nhìn trên thị trường cho thấy việc giảm lãi suất diễn ra khá cục bộ, xu hướng chính lãi suất huy động trong nửa đầu tháng 3 vẫn là đi lên. Có một điều không phủ nhận là khi lãi suất huy động tăng thì áp lực sẽ dồn nén lên lãi suất cho vay. 

Một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, cần nhìn từ hai phía đối với cả người đi vay và cho vay. Đây là cuộc chơi công bằng, chúng ta phải chấp nhận thực tế này. Khó có nền kinh tế hoàn hảo tới mức đường cong lãi suất thì chuẩn, vốn trung, dài hạn vừa nhiều vừa rẻ. Nhất là đối với Việt Nam điều này lại càng khó xảy ra khi mà ngân hàng là kênh cấp vốn chủ lực cả ngắn hạn lẫn trung hạn cho nền kinh tế. Do vậy, trong thời gian tới nếu lãi suất kỳ hạn trung, dài hạn của các ngân hàng tăng cũng không có gì bất ngờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lãi suất đang diễn biến trái chiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO