Khảo sát đánh giá mức lãi suất vay của ngân hàng hiện nay ghi nhận kết quả lãi vay vẫn còn cao - đây là cơ sở để các doanh nghiệp kiến nghị xem xét giảm giá cho vay tín dụng...
Theo khảo sát nhanh trong các doanh nghiệp hội viên về mức lãi suất vay ngân hàng hiện tại của Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam, kết quả ghi nhận qua biểu mẫu đến hết ngày 4/4/2025 (thời gian cuối của đợt khảo sát) từ các doanh nghiệp, trong số đó chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, nông nghiệp, thương mại và xuất nhập khẩu… cho thấy, mức lãi suất vay hiện tại có sự khác biệt lớn giữa các ngân hàng và loại hình vay.
Tổng hợp kết quả chung, với khoản vay ngắn hạn, doanh nghiệp cho biết lãi suất dao động từ 4% đến hơn 9,5%/năm, trong đó mức phổ biến rơi vào khoảng 6% - 8,5%/năm. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp phản ánh đang phải chịu lãi suất tới 11%/năm, cao hơn so với mặt bằng chung hiện tại.
Khoản vay trung và dài hạn có lãi suất dao động từ 5% đến 11%/năm, với phần lớn doanh nghiệp đang vay ở mức 6 - 8%/năm. Một số doanh nghiệp tham gia khảo sát thông tin là không được tiếp cận nguồn vốn vay hoặc vẫn đang chịu lãi suất cao và dù có các gói hỗ trợ được công bố.
Một số doanh nghiệp theo kết quả trả lời khảo sát, ghi nhận hiện tại vẫn không vay được vốn, hoặc bị từ chối do tài sản bảo đảm không đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các tài sản hình thành trong tương lai.
Có khoảng 50% doanh nghiệp cho rằng mức lãi suất hiện nay là chưa hợp lý, trong khi số còn lại đánh giá là hợp lý. Ngoài ra theo câu hỏi trả lời trong biểu mẫu, có một số kết quả phản ánh tình trạng khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) trong việc tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi. Cùng với đó, vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và cách thức triển khai thực tế tại các ngân hàng thương mại.
Với thực tại này, doanh nghiệp kỳ vọng hệ thống ngân hàng xem xét hạ lãi suất vay ngắn hạn về mức 4 - 6%/năm, và vay trung - dài hạn về mức 5 - 8%/năm. Ổn định chính sách lãi suất trong dài hạn, tối thiểu từ 3 - 5 năm, để doanh nghiệp có thể chủ động trong lập kế hoạch tài chính.
Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam thông tin, trên kết quả tham gia khảo sát của doanh nghiệp, Trung ương Hội có cơ sở tổng hợp, kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về lãi suất cho các doanh nghiệp.
Theo đó, Hội kiến nghị cần có ưu đãi thực chất và rõ ràng hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua các gói tín dụng chuyên biệt, giảm yêu cầu về tài sản bảo đảm; giảm chi phí và đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tăng tỷ lệ chấp nhận tài sản hình thành trong tương lai. Đồng thời, tăng cường minh bạch thông tin về các gói tín dụng ưu đãi hiện có, tránh tình trạng doanh nghiệp không biết hoặc khó tiếp cận do thiếu thông tin...
Có thể thấy các khó khăn mà doanh nghiệp đưa ra khi tham gia trả lời khảo sát nhanh đang phản ánh chi phí vốn vay còn cao, các ưu đãi còn khó tiếp cận, mặc dù phía NHNN và hệ thống ngân hàng thương mại trong 2024 và những tháng đầu năm 2025 vẫn đang tiếp tục nỗ lực tiết giảm chi phí, qua đó giảm lãi vay. Năm 2024, theo công bố của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 2,5%/năm trong năm 2023; lãi suất cho vay bình quân giảm tiếp 0,76%/năm so với cuối năm 2023.
Trong các tháng đầu năm 2025, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN tiếp tục giữ ổn định lãi suất theo hướng ổn định, hướng tới giảm khi có điều kiện. Các NHTM đã tích cực tiết giảm chi phí, để có điều kiện hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Trong thời gian từ 25/2 đến 4/4, sau cuộc họp với NHNN, ghi nhân có 26 tổ chức tín dụng đã triển khai hạ lãi suất huy động, trong đó có nhiều ngân hàng hạ lãi suất nhiều lần như Eximbank (7 lần), KienlongBank (4 lần) hay Techcombank giảm lãi suất với nhiều sản phẩm tiết kiệm, nhiều kỳ hạn. Các ngân hàng Agribank, BIDV, VietinBank là những NH có thị phần tín dụng lớn, thuộc nhóm Big 4 cũng có mặt trong "làn sóng" điều chỉnh lãi suất này. Một số ngân hàng quy mô top vừa, nhỏ khác cũng tham gia giảm lãi suất nhiều kỳ hạn 0,3-0,5% như SHB, VIB, OCB, NCB, VietBank, NamABank, BaoVietBank, BVBank, BacA Bank, PGBank..., hay nhóm vừa tái cơ cấu như Vikki Digital Bank, VCB NEO, MBV... có các đợt điều chỉnh giảm tức mức cao hơn so với các nhà băng khác.
Thống kê ghi nhận mức giảm lãi suất của các ngân hàng từ 25/2 tới nay là từ 0,1-1,05%/năm tùy theo từng kỳ hạn.
Riêng trong 3 ngày đầu tháng 4/2025 có 2 ngân hàng giảm lãi suất huy động là VPBank và MB. Cụ thể, từ ngày 28/3/2025 đến 3/4/2025, VPbank giảm 0,1% kỳ hạn 1-5 tháng và 0,2% kỳ hạn trên 6 tháng đối với các sản phẩm (Tiết kiệm thường, Tiết kiệm/Tiền gửi có kỳ hạn Phát Lộc Thịnh vượng, Tiết kiệm Thịnh vượng linh hoạt, Tiền gửi Prime Savings). Gần nhất ggày 3/4/2025, MBBank giảm 0,1% kỳ hạn 12-18 tháng đối với tiền gửi tại quầy, trực tuyến lãi cuối kỳ của khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.
Lãi suất huy động giảm gắn với "làn sóng" hàng loạt ngân hàng thương mại triển khai các chương trình vay trả nợ trước hạn, với lãi suất phổ biến dao động từ 5-8%/năm, tùy thuộc vào kỳ hạn vay và điều kiện khách hàng. Điển hình như với cho vay doanh nghiệp, Agribank triển khai tới 4 chương trình, bình quân lãi suất cho vay chỉ ngang lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3-11 tháng, từ 2,5 - 3,5%/năm tại chính ngân hàng này. Hay Vietcombank cũng có chương trình cho vay lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh (hộ kinh doanh cá thể) ngắn hạn với mức sàn lãi suất cho vay chỉ từ 4,6%/năm.
Một loạt ngân hàng thương mại ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh đó, cũng đã tung gói vay mua nhà ưu đãi cho người trẻ dưới 35 tuổi. Đi đầu có ACB, SHB, MB, BIDV, VIB... với lãi suất đặc biệt "siêu thấp". Sau giai đoạn công bố, các quyền lợi ưu đãi cho khách vay tiêu dùng Bất động sản đang tiếp tục được điều chỉnh. HDBank thậm chí cho khách hàng vay mua nhà tới 50 năm, lãi suất chỉ từ 4,5%, là gói cho vay có những đặc trưng "mortgage" thường chỉ được triển khai ở các thị trường và nền kinh tế phát triển và gắn với thẻ điểm tín nhiệm của người vay...
Tuy các gói cho mua nhà giá rẻ như nêu trên là dành cho khách hàng cá nhân, song cộng hưởng cùng các gói cho vay ưu đãi doanh nghiệp, cho thấy hệ thống nhà băng đã và đang "dồn lực" để mở rộng tín từ điểm cải thiện tiếp cận tín dụng và lãi suất cho vay.
Trong khi đó, trở lại với kết quả ghi nhận trả lời của các doanh nghiệp, lãi suất vay như vậy dường như vẫn còn động lực để tiếp tục theo hướng điều chỉnh.
Trước đó, khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) cũng ghi doanh nghiệp gặp khó về vốn và kiến nghị hỗ trợ tiếp cận vốn với lãi suất thấp hơn. HUBA đề xuất ngân hàng hạ biên lãi ròng (NIM) về 2,5% - hỗ trợ vốn rẻ cho doanh nghiệp.