Lãi suất - công cụ điều chính sách tiền tệ quan trọng, luôn mang yếu tố tác động trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong nền kinh tế thị trường, lãi suất với bản chất là giá cả và thay đổi, phản ánh quan hệ cung cầu về vốn trên thi trường. Tuy nhiên đối với hoạt động ngân hàng và vai trò quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng, lãi suất trở thành công cụ điều chính sách tiền tệ quan trọng.
Bên cạnh các công cụ khác, lãi suất luôn mang yếu tố tác động trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhiệm vụ đó đã và đang được Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện trong năm 2025. Vì vậy, sự ổn định của lãi suất, trong đó có lãi suất tiền gửi mang ý nghĩa quan trọng và tác động tích cực trên nhiều phương diện. Ý nghĩa đó càng được phát huy khi trong thời gian vừa qua nhiều TCTD tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi.
Thứ nhất: Lãi suất tiền gửi ổn định phản ánh hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Sự ổn định của lãi suất nói chung và lãi suất tiền gửi nói riêng phản sự ổn định kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ với các nhiệm vụ về tín dung; về ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, về kìm giữ lạm phát và ổn định giá trị tiền đồng theo mục tiêu đề ra.
Thứ hai: Nhìn ở góc độ chi phí và cấu thành lãi suất cho vay, khi lãi suất tiền gửi ổn định hoặc giảm, sẽ tác động trực tiếp đến lãi suất cho vay, theo xu hướng giảm hoặc ổn định. Đây là yếu tố rất quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp, mở rộng và tăng trưởng tín dụng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng knh tế.
Thứ ba: Lãi suất tiền gửi giảm và ổn định không chỉ tạo nguồn vốn giá rẻ để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như mang lại dư địa trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước mà còn phản ánh sự ổn định kinh tế vĩ mô và hiệu quả hoạt động ngân hàng.
Với bản chất huy động vốn từ người dân, từ nền kinh tế và cho vay lại nền kinh tế thông qua hoạt động tín dụng ngân hàng, khi lãi suất hợp lý và ổn định sẽ mang lại tác động tích cực và toàn diện: vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt tạo dòng chu chuyển vốn trong toàn bộ nền kinh tế có hiệu quả.
Chỉ thị số 09 về nhiệm vụ, giải pháp của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rà soát, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận để phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Cũng như, rà soát, phân luồng đối tượng để cắt giảm thủ tục, điều kiện cho vay nhằm đẩy vốn tín dụng nhanh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn, nhất là đối với những đề án, dự án, lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh; đồng thời bảo đảm an toàn, hợp lý hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu triển khai các gói tín dụng ưu đãi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, phát triển nhà ở xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu NHNN phải điều hành hệ thống ngân hàng đảm bảo ổn định lãi suất, tiết giảm chi phí nhằm hạ lãi suất vay, cho vay chi phí hợp lý, giá rẻ, thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng.
(P.V)