Fintech "kẻ đào huyệt" cho mô hình ngân hàng truyền thống
Fintech chính là đại diện cho cuộc cách mạng công nghệ số có thể thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh ngân hàng truyền thống trong tương lai.
Bởi vậy, thay vì đối đầu, các ngân hàng đã “bắt tay” với Fintech, thậm chí nhiều nhà băng còn đầu tư phát triển Fintech của riêng mình.
Chọn châu Á làm “đại bản doanh”
Trên thực tế, với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ blockchain…, Fintech đã phát triển thành làn sóng ở nhiều nước trên thế giới, qua đó tác động mạnh mẽ tới nhiều phân khúc quan trọng của ngành công nghiệp tài chính, tái định hình lại ngành công nghiệp này, thậm chí có thể phân chia lại bản đồ tài chính toàn cầu. Trong đó, châu Á đang nổi lên như một trung tâm Fintech đầy năng động.
Có thể bạn quan tâm
Fintech - Xu thế của tương lai
12:25, 02/03/2019
Ngân hàng "bắt tay" Fintech phát triển những phân khúc thị trường mới
04:55, 08/01/2019
“Nút thắt” của doanh nghiệp Fintech
10:57, 05/12/2018
Nhiều Fintech ngoại muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam?
03:49, 02/10/2018
Thúc đẩy dịch vụ công qua ngân hàng: Cơ hội cho Fintech
11:01, 07/09/2018
Quả vậy, báo cáo gần đây của CB Insights cho thấy, trong năm 2018 các nhà đầu tư mạo hiểm đã rót con số kỷ lục 39,57 tỷ USD vào các Fintech với 1.707 thương vụ trên toàn cầu. Mặc dù số thương vụ chỉ tăng 15% so với năm trước, nhưng giá trị thương vụ lại tăng tới 120%. Trong đó, châu Á chỉ xếp sau Mỹ về thu hút vốn, với lượng vốn thu hút tăng tới 38% so với năm trước đó. “Với tốc độ hiện nay, châu Á sẽ vượt qua Mỹ để trở thành trung tâm thu hút đầu tư Fintech trong tương lai gần”, CB Insights dự báo.
Sức hút của Fintech còn khiến cả huyền thoại Warren Buffett- người nổi tiếng là không thích đầu tư vào những lĩnh vực phát triển nhanh và khó đoán trước như công nghệ - cũng phải thay đổi “khẩu vị”. Bằng chứng là năm ngoái, Berkshire của “Nhà thông thái xứ Omaha” này đã rót vốn vào Paytm- công ty thanh toán di động lớn nhất Ấn Độ và mua cổ phần trong hãng xử lý thanh toán StoneCo của Brazil với tổng số tiền đầu tư lên tới 600 triệu USD. Đây là hai Công ty Fintech chuyên tập trung vào các thị trường mới nổi và giữ vị trí thống trị thị trường địa phương.
Còn với Fintech, cũng không phải vô cớ mà lĩnh vực này chọn châu Á làm “đại bản doanh” cho “cuộc cách mạng” của mình. Bởi khu vực này có các điều kiện thị trường thuận lợi như dân số lớn, tỷ trọng người trẻ tuổi cao, say mê công nghệ số, trong khi nhu cầu của những người dân chưa tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng là rất lớn.
Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Á có các quy định tài chính nới lỏng hơn, giúp cho ngành Fintech nước họ được thoải mái phát triển. Thậm chí tại một số nước, ngành Fintech hưởng lợi từ sự hỗ trợ tích cực của chính quyền. Quốc đảo này cũng luôn đi tiên phong trong các hoạt động thanh toán kỹ thuật số với gần 500 doanh nghiệp Fintech cung cấp các giải pháp từ thanh toán ngang hàng (P2P) cho đến dịch vụ cho vay tiền cho các hoạt động giao dịch tiền mã hóa, gọi vốn cộng đồng…
Trông người lại ngẫm đến ta
Với quy mô dân số gần 100 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ dân số sử dụng internet và smartphone lớn nhất trong khu vực, trong khi đời sống ngày càng được nâng lên kéo theo nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính hiện đại…, đáng lẽ Việt Nam phải là một mảnh đất vô cùng màu mỡ để cho Fintech phát triển. Thế nhưng, thực tế thì sao?
Không phủ nhận Fintech tại Việt Nam cũng đã có sự phát triển khá mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu trong mấy năm gần đây. Fintech tại Việt Nam đang thu hút ngày càng đông sự tham gia của các ông lớn trong lĩnh vực công nghệ như FPT, Viettel, VNPT… qua cả hai hình thức trực tiếp và gián tiếp như đầu tư hình thành các công ty Fintech, thành lập các quỹ đầu tư, vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech. Trong khi đó, các ngân hàng Việt thay vì đối đầu, cũng đang tìm cách bắt tay với Fintech để có thể khai thác những tiềm năng và thế mạnh của nhau, hỗ trợ nhau phát triển, thậm chí nhiều nhà băng còn đầu tư phát triển Fintech của riêng mình.
Thế nhưng, công bằng mà nói, so với nhiều nền kinh tế trong khu vực, Fintech Việt mới chỉ như “đứa trẻ mới tập đi”. Số lượng Fintech Việt hiện đã tăng gấp 2,5 lần so với cuối năm 2016 với gần 100 công ty, nhưng con số này mới chỉ bằng 1/5 so với Singapore, cho dù dân số của đảo quốc này chỉ bằng 1/20 của Việt Nam.
Đó là chưa kể hiện phần lớn các Fintech Việt mới chỉ tập trung vào lĩnh vực trung gian thanh toán dưới mô hình hoạt động ví điện tử. Trong khi tại nhiều quốc gia khác, các công ty Fintech triển khai rất nhiều hoạt động, như: thanh toán, huy động vốn, cho vay, đầu tư và quản lý tài sản, bảo hiểm, các công nghệ hỗ trợ hoạt động tài chính - ngân hàng (e-KYC), thông tin/xếp hạng tín dụng...
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để phát triển Fintech rất cần một hệ sinh thái. Thế nhưng, hệ sinh thái Fintech Việt Nam chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể gồm cơ quan quản lý, các định chế tài chính, công ty Fintech và các doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư, hạ tầng tài chính, viễn thông... Đặc biệt, khung pháp lý cho Fintech chưa đầy đủ và đồng bộ.
Thiết nghĩ, không nên có tâm lý “không quản được thì cấm” mà trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, nên ưu tiên xây dựng một cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát cho lĩnh vực Fintech để thúc đẩy đổi mới sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ, hỗ trợ sự phát triển của hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam, cũng như hạn chế những rủi ro có thể phát sinh cho khách hàng.