Ngân hàng đang cùng với Fintech khai thác những phân khúc thị trường mới mà trước đây còn bỏ ngỏ. DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Ví MoMo về vấn đề này.
- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của Fintech tại Việt Nam?
Thống kê mới nhất của World Bank cho thấy, chỉ khoảng hơn 30% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Vì vậy, việc phát triển tài chính toàn diện là chìa khóa để xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng, tạo điều kiện cho các thành viên của xã hội có thêm cơ hội phát triển. Đây cũng chính là mảnh đất cho Fintech phát triển.
Với thế mạnh của mình, Fintech có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam. Các mô hình đã triển khai ở các nước (Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia…) cho thấy việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tài chính là cách đơn giản và nhanh nhất có thể mang dịch vụ tài chính, bảo hiểm xuống từng hang cùng ngõ hẻm để phục vụ người dân.
Fintech bao hàm các lĩnh vực dịch vụ rất đa dạng, nổi bật nhất là thanh toán, xếp hạng tín dụng, blockchain, cho vay ngang hàng (P2P) và các loại hình dịch vụ tài chính phục vụ khách hàng chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng. Tiềm năng phát triển của từng lĩnh vực đều rất lớn và còn có khả năng bùng nổ nếu có sự kết hợp giữa các lĩnh vực này trên một nền tảng hệ sinh thái chung.
Về mặt chính sách, hiện nay cơ sở pháp lý liên quan đến lĩnh vực thanh toán đã khá đầy đủ; đối với các loại hình dịch vụ khác thì đang chờ hướng dẫn từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
23:00, 02/11/2018
11:01, 07/09/2018
08:28, 27/06/2018
07:44, 15/06/2018
- Fintech sẽ tác động như thế nào đến tương lai của ngành ngân hàng, thưa ông?
Một vài năm trước đây, Fintech được coi như là đối thủ cạnh tranh với ngân hàng. Nhưng ngày nay, chúng ta thấy ngân hàng đang phối hợp rất chặt chẽ với Fintech, thậm chí đầu tư rất qui mô vào các công ty Fintech để phát triển dịch vụ.
Thực tế cho thấy, Fintech không thay đổi mô hình kinh doanh của ngân hàng, mà cùng với ngân hàng đưa ra một cách tiếp cận khách hàng mới. Thông qua việc sử dụng công nghệ, các sản phẩm tài chính, thanh toán được mang đến cho khách hàng một cách nhanh chóng với chi phí thấp. Nói một cách chính xác thì Fintech có thể được coi như cánh tay nối dài của ngân hàng, là một kênh bán hàng theo mô hình mới cho ngân hàng và các công ty bảo hiểm.
Chẳng hạn, một khách hàng có một khoản tiền nhỏ là 20.000 đồng muốn gửi tiết kiệm, nếu khách hàng đến một điểm giao dịch của ngân hàng để làm thủ tục gửi tiền, thì chi phí đi lại có thể đã gần bằng số tiền đó, đồng thời chi phí để ngân hàng thực hiện mở một sổ tiết kiệm cũng có thể tương đương với số tiền khách hàng muốn gửi. Trên thực tế, giao dịch này sẽ khó xảy ra vì hai bên đều không có lợi ích. Tuy nhiên, nếu việc gửi tiền cho ngân hàng thông qua một ví điện tử, thì chi phí sẽ cực thấp so với mô hình truyền thống và tiết kiệm thời gian.
Có thể lấy thêm ví dụ đối với dịch vụ vay tiêu dùng trên ứng dụng MoMo phối hợp với Shinhan Bank. Thay vì khách hàng phải tới chi nhánh ngân hàng để đăng ký khoản vay, nhận hướng dẫn, về chuẩn bị giấy tờ, lại tới ngân hàng nộp thì nay chỉ cần lên MoMo nhập thông tin để đăng ký hồ sơ vay, việc xét duyệt hồ sơ đều được cập nhật trực tuyến để khách hàng biết. Sau khi xét duyệt, khách hàng nhận giải ngân qua Ví MoMo liên kết với tài khoản Shinhan Bank. Quá trình này giúp các bên tiết kiệm thời gian và chi phí cho mỗi giao dịch.
Như vậy, Fintech đang cùng với ngân hàng cùng khai thác những phân khúc thị trường mới mà trước đây đang được bỏ ngỏ, đồng thời sử dụng công nghệ để tiết giảm chi phí trên mỗi giao dịch, mang lại lợi ích cho khách hàng và ngân hàng.
- Tuy nhiên, hiện nay Fintech chưa có khung pháp lý. Theo ông, điều này đã khiến các công ty Fintech gặp khó khăn gì trong triển khai thử nghiệm dự án?
Về chính sách, thực tế đã có khung pháp lý cho lĩnh vực thanh toán điện tử (Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt). Nếu như các lĩnh vực dịch vụ khác của Fintech cũng có được khung pháp lý để triển khai thì sẽ tạo đà phát triển rất tốt cho các doanh nghiệp, đồng thời cũng mở rộng cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp, tạo nên một hệ sinh thái Fintech.
Trong khi khung pháp lý Fintech đang được các cơ quan quản lý xem xét thì các doanh nghiệp thực sự rất cần một khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) để thí điểm các giải pháp đổi mới công nghệ tài chính dưới sự kiểm soát của các đơn vị quản lý nhà nước trước khi được chính thức cung ứng rộng rãi trên thị trường. Điều này giúp tạo môi trường thử nghiệm nhưng vẫn duy trì an toàn hệ thống, an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, bảo vệ khách hàng.
Đồng thời, với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và mô hình kinh doanh, ngay cả tại các nước phát triển như Anh, Mỹ, Nhật Bản... thì khung pháp lý cũng không thể theo kịp được đà phát triển này. Vì vậy, mô hình khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) là cách hữu hiệu nhất cho các doanh nghiệp thí điểm dịch vụ Fintech.
-Trong quá trình hình thành và phát triển của Ví MoMo, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khác để có thể linh hoạt và nhạy bén hơn trong lĩnh vực đặc thù như công nghệ?
Là một công ty công nghệ, MoMo coi công nghệ như một công cụ để mang dịch vụ tài chính đến cho mọi người với chi phí thấp. Tuy nhiên, công nghệ chỉ là công cụ giúp chúng ta đạt được mục đích, chứ không quyết định tất cả. Sự am hiểu thị trường, am hiểu khách hàng, hệ sinh thái dịch vụ và trải nghiệm khách hàng sẽ là các yếu tố then chốt để quyết định thành công của một doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!