Nghiên cứu - Trao đổi

Chìa khóa để P2P lending phát triển bền vững

YẾN NHUNG thực hiện 21/07/2025 11:30

Nghị định 94/2025 chính thức đưa hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending) vào khuôn khổ thử nghiệm có kiểm soát, mở ra cơ hội phát triển lành mạnh cho mô hình này,...

Đây là chia sẻ của Tiến sĩ Châu Đình Linh - Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh với Diễn đàn Doanh nghiệp.

chau dinh linh 2
Tiến sĩ Châu Đình Linh

- Việc ban hành Nghị định 94/2025 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) được các chuyên gia đánh giá là một bước ngoặt quan trọng, đưa hoạt động P2P lending tại Việt Nam thoát khỏi “vùng xám” pháp lý sau gần một thập kỷ tồn tại. Ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

Lần đầu tiên, P2P lending được thừa nhận là một mô hình đổi mới sáng tạo và được đặt vào khuôn khổ thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), đây là tín hiệu cho thấy sự thay đổi trong tư duy quản lý, cởi mở hơn với các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech).

Tôi cho rằng P2P lending sẽ góp phần mở rộng khả năng tiếp cận tài chính cho người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, P2P kết nối trực tiếp người cho vay với người đi vay, rút ngắn quy trình trung gian và gia tăng tính tiện lợi. Nhờ vậy, thị trường có thêm một kênh tài chính bổ sung, tạo ra sự cạnh tranh, từ đó người tiêu dùng có thêm lựa chọn và hưởng lợi về chi phí cũng như trải nghiệm dịch vụ.

Đặc biệt, sandbox không chỉ là công cụ pháp lý để thử nghiệm mà còn là nền tảng thúc đẩy các mô hình kinh doanh tài chính sáng tạo, mở đường cho làn sóng khởi nghiệp fintech phát triển mạnh mẽ hơn. Đây là tiền đề quan trọng trong chiến lược xây dựng trung tâm tài chính quốc tế mà Việt Nam đang theo đuổi.

- Bên cạnh những cơ hội, theo ông, đâu là những thách thức đặt ra khi triển khai P2P lending trong khuôn khổ sandbox?

Đi cùng với cơ hội là không ít rủi ro và thách thức mà chúng ta cần nhìn nhận một cách nghiêm túc. Theo đó, hoạt động cho vay vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ về cấp tín dụng tránh lặp lại bài học từ một số quốc gia như Trung Quốc, nơi từng chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt nền tảng P2P lending do buông lỏng giám sát.

Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra là phải thiết lập cơ chế kết nối dữ liệu giữa cơ quan quản lý và các nền tảng P2P lending để kiểm soát các rủi ro như tín dụng, thanh khoản, rủi ro hoạt động hay rủi ro đạo đức từ các bên tham gia. Việc tích hợp thông tin với Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC) và các nguồn dữ liệu khác cũng rất quan trọng để đảm bảo các quyết định cho vay có cơ sở, hạn chế nguy cơ vỡ nợ.

Ngoài ra, rủi ro đạo đức có thể phát sinh khi một số nền tảng không kiểm soát tốt dòng tiền, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người cho vay - đặc biệt là trong khâu thu hồi nợ gốc và lãi. Đáng nói, trong bối cảnh số hóa mạnh mẽ, vấn đề bảo mật công nghệ và an toàn dữ liệu người dùng trở thành yếu tố sống còn, đòi hỏi các nền tảng P2P lending phải đầu tư nghiêm túc để duy trì niềm tin và sự ổn định của thị trường.

12.jpg

- Vậy ông có đề xuất gì để để đảm bảo phát triển P2P lending an toàn và bền vững trong giai đoạn triển khai sandbox?

Trước hết, cần xây dựng khung bảo vệ đa tầng. Về mặt pháp lý, tôi cho rằng, các công ty fintech tham gia sandbox không được phép thực hiện những hoạt động ngoài phạm vi được quy định trong Giấy chứng nhận tham gia thử nghiệm. Đồng thời, các nền tảng này không được tự cung cấp biện pháp bảo đảm cho khoản vay của khách hàng nhằm tránh biến tướng thành mô hình tài chính trung gian tiềm ẩn rủi ro.

Sandbox cũng cần đặt ra giới hạn rõ ràng trong hoạt động nhằm ngăn chặn các mô hình lai ghép có thể gây rủi ro hệ thống.

Một nguyên tắc then chốt khác là yêu cầu tách bạch vai trò, công ty P2P lending chỉ đóng vai trò nền tảng kết nối, không được huy động vốn để cho vay lại. Đây cũng là nguyên nhân chính cho nhiều sự đổ vỡ lớn trên thế giới với mô hình P2P lending.

Song song với đó là cơ chế giám sát chặt chẽ. Các nền tảng P2P lending phải thiết lập hệ thống theo dõi dư nợ của bên vay theo thời gian thực, có trách nhiệm báo cáo và kết nối dữ liệu với CIC. Việc kiểm toán định kỳ cũng được yêu cầu từ các tổ chức kiểm toán độc lập do Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động. Cơ chế xử lý khiếu nại cũng phải được thiết lập rõ ràng, minh bạch, hiệu quả nhằm bảo vệ người dùng trong trường hợp phát sinh tranh chấp.

Ngoài ra, trong bối cảnh nhiều nền tảng tín dụng giả danh P2P Lending hoạt động như một tổ chức bất hợp pháp, sandbox cần hoạt động như một bộ lọc nghiêm ngặt để chọn ra những doanh nghiệp hoạt động nghiêm túc.

Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh đến sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng truyền thống và các công ty fintech. Mô hình hợp tác ba bên được định hình với vai trò điều phối của Ngân hàng Nhà nước - nơi xây dựng chính sách và đảm bảo an toàn hệ thống P2P lending. Các ngân hàng truyền thống, dù có thể chịu áp lực cạnh tranh trong phân khúc tín dụng nhỏ lẻ, vẫn có thể tận dụng cơ hội để thúc đẩy chiến lược ngân hàng mở (Open Banking), tích hợp công nghệ API và đẩy mạnh hợp tác với fintech. Trong khi đó, các công ty fintech chính là động lực đổi mới, mang đến những giải pháp công nghệ đột phá phục vụ người dùng cuối.

Mô hình hợp tác này không chỉ chia sẻ dữ liệu tín dụng mà còn phối hợp quản trị rủi ro và phát triển sản phẩm tích hợp, giúp hệ sinh thái P2P lending phát triển bền vững và minh bạch.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chìa khóa để P2P lending phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO