Tài chính số

P2P Lending: Cơ hội vươn lên từ “vùng xám” nhờ Sandbox

Diễm Ngọc 15/05/2025 04:40

Cơ chế Sandbox theo Nghị định 94 không chỉ là giải pháp “chữa cháy”, mà còn là cơ hội để đưa P2P Lending thoát khỏi vùng xám, tiến vào giai đoạn phát triển bền vững dưới sự kiểm soát của Nhà nước.

Sự phát triển của mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) tại Việt Nam trong gần một thập kỷ qua đã diễn ra trong bối cảnh thiếu vắng hành lang pháp lý rõ ràng, dẫn đến sự biến tướng và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 94/2025/NĐ-CP và chính thức đưa mô hình P2P Lending vào Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) từ ngày 01/7/2025 là bước đi chiến lược nhằm “chính danh hóa” và kiểm soát lĩnh vực này một cách có hệ thống.

p2p-lending.jpg
Trước khi có khung pháp lý điều chỉnh, thị trường P2P Lending tại Việt Nam đã phát triển theo hướng tự phát, thiếu sự giám sát và bị lợi dụng bởi các mô hình trá hình (ảnh minh hoạ)

Vai trò trung tâm của người vay

Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia trong lĩnh vực Fintech, cố vấn cho nhiều công ty P2P Lending tại Việt Nam phân tích, bản chất của mô hình này là một nền tảng kết nối trực tiếp giữa người đi vay và người cho vay trên môi trường số. Trong mô hình đó, người vay đóng vai trò trung tâm là yếu tố then chốt quyết định sự bền vững của hệ sinh thái.

Việc người vay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ không chỉ giúp bảo toàn nguồn vốn của nhà đầu tư mà còn tạo động lực để họ tiếp tục cung cấp vốn. Sự an toàn của nền tảng và quyền lợi của nhà đầu tư gắn liền trực tiếp với khả năng trả nợ của người vay, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều khoản phí và lãi suất có thể trở thành gánh nặng lớn nếu không được kiểm soát minh bạch

Trước khi có khung pháp lý điều chỉnh, thị trường P2P Lending tại Việt Nam đã phát triển theo hướng tự phát, thiếu sự giám sát và bị lợi dụng bởi các mô hình trá hình dưới danh nghĩa Fintech, dịch vụ cầm đồ hay tư vấn đầu tư. Những nền tảng này, thực chất hoạt động như “tín dụng đen” phi pháp, tạo ra rủi ro lớn cho cả người vay lẫn nhà đầu tư.

Nhiều ứng dụng cho vay trực tuyến đã áp dụng mức lãi suất và phí phạt rất cao, kèm theo các khoản phí ẩn thiếu minh bạch, khiến người vay không nắm rõ tổng chi phí thực tế. Hệ quả là người vay dễ rơi vào vòng xoáy lãi mẹ đẻ lãi con, dẫn đến kiệt quệ tài chính và rơi vào vòng xoáy nợ chồng nợ.

Cũng chính vì sự dễ dàng trong việc tiếp cận khoản vay qua ứng dụng, nhiều người buộc phải vay khoản mới để trả nợ cũ – một hình thức “đảo nợ” đầy rủi ro. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người vay, mà còn khiến các công ty P2P Lending chân chính bị kéo vào vòng xoáy khủng hoảng.

“Đáng lưu ý, tâm lý bùng nợ vẫn phổ biến, tạo thành làn sóng vay không trả ở một bộ phận người đi vay, một phần xuất phát từ cảm giác bị bóc lột và không có khả năng chi trả”, ông Nguyễn Minh Hoàng nhận định.

Cơ hội từ Sandbox và kỳ vọng pháp lý mới

Sự thiếu hụt hành lang pháp lý đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận hành ngoài vòng kiểm soát. Không ít công ty núp bóng Fintech để huy động vốn trá hình, sử dụng tiền của nhà đầu tư vào những mục đích không minh bạch, thậm chí chiếm đoạt tài sản.

tín dụng đen
Nhiều mô hình hoạt động như “tín dụng đen” phi pháp, tạo ra rủi ro lớn cho cả người vay lẫn nhà đầu tư (ảnh minh hoạ)

Một số doanh nghiệp dù khởi đầu minh bạch vẫn không thể chống chọi trước làn sóng nợ xấu và tâm lý bùng nợ lan rộng. Việc thiếu cơ chế thu hồi nợ hiệu quả và các ràng buộc pháp lý trong quy trình xử lý vi phạm khiến họ gặp khủng hoảng, mất khả năng thanh toán, đồng thời bị mất niềm tin từ nhà đầu tư.

Cũng theo ông Hoàng chia sẻ: “Tình trạng kể trên đã gây tổn hại đến niềm tin vào thị trường Fintech nội địa và khiến người dân khó phân biệt đâu là nền tảng chân chính. Sự im lìm, tâm lý sợ đầu tư và việc rút khỏi thị trường của nhiều công ty P2P Lending thời gian qua là một thực trạng đáng buồn”.

Do đó, Nghị định 94/2025/NĐ-CP ban hành và Cơ chế thử nghiệm Sandbox không chỉ đánh dấu bước chính danh hóa cho P2P Lending, mà còn mở ra một cơ hội lớn để thiết lập lại trật tự thị trường.

Thông qua việc thiết lập các tiêu chí nghiêm ngặt về pháp lý, quản trị rủi ro và bảo vệ khách hàng, Sandbox giúp giải quyết triệt để các vấn đề tồn tại điển hình như: loại bỏ hành vi trá hình, giảm thiểu lãi suất “cắt cổ”, cho đến tăng cường minh bạch và giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.

Cơ chế Sandbox cũng góp phần định hình hệ sinh thái tài chính an toàn và minh bạch, góp phần phổ cập tài chính và khôi phục lòng tin của nhà đầu tư và người vay. Tuy nhiên, yếu tố then chốt không thể thiếu là giáo dục tài chính cho người dân, giúp họ nâng cao nhận thức về rủi ro vay online và khả năng phân biệt giữa nền tảng uy tín với tín dụng đen trá hình.

Đồng thời, việc khuyến khích hợp tác giữa ngân hàng truyền thống và các công ty Fintech sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ sinh thái tài chính bền vững.

Cơ chế Sandbox theo Nghị định 94 không phải là giải pháp “chữa cháy”, mà còn là cơ hội "vàng" để đưa P2P Lending thoát khỏi vùng xám, tiến vào giai đoạn phát triển bền vững dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Tuy vậy, sự thành công của chính sách này vẫn phụ thuộc rất lớn vào năng lực giám sát, khả năng thực thi và lộ trình triển khai rõ ràng từ phía cơ quan quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
P2P Lending: Cơ hội vươn lên từ “vùng xám” nhờ Sandbox
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO