Việc tận dụng lợi thế sẵn có, xây dựng chiến lược phù hợp sẽ giúp Việt Nam vươn lên trở thành trung tâm tài chính của khu vực và là điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp Fintech.
Sự phát triển của công nghệ trong 15 năm trở lại đây đã tạo đột phá cho Fintech với sự xuất hiện của các công ty tài chính, các sản phẩm, dịch vụ cũng như quy trình tài chính mới, vượt ra khỏi khuôn khổ của pháp luật hiện hành.
Theo PGS, TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), việc xây dựng một Fintech Hub tại Việt Nam đang được xem như chiến lược tất yếu để giúp chúng ta vươn lên thành trung tâm tài chính khu vực, đặc biệt là TP HCM. Hiện trên thế giới đã có 7 Fintech Hub mang tính toàn cầu và 23 Fintech Hub mang tính khu vực. Trong đó, TP HCM được xếp hạng trong 40 thành phố phát triển mạnh về Fintech.
“Để hiện thực hóa tham vọng này, Việt Nam cần phát triển theo hướng Fintech Hub, thay vì trung tâm tài chính truyền thống vốn đã được định hình bởi các trung tâm tài chính như Singapore và Hong Kong. Trong đó, cần hội tụ đủ các yếu tố cốt lõi, như nguồn nhân lực chất lượng cao; cộng đồng Fintech sôi động; hệ sinh thái tài chính mạnh với các doanh nghiệp danh tiếng; khả năng tiếp cận vốn dễ dàng; và sự hỗ trợ về mặt chính trị cùng chính quyền thân thiện”, ông Khánh nhấn mạnh.
Vừa qua, trong đề án mà TP HCM trình Chính phủ để xin hình thành trung tâm tài chính quốc tế, TS Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC) cho rằng: Chúng ta phải nhìn nhận đây là trung tâm tài chính quốc tế khu vực của Việt Nam, đặt tại TP HCM và phục vụ cho nhu cầu phát triển của cả đất nước.
Trung tâm này dựa trên ba trụ cột quan trọng: Thứ nhất, là thị trường tiền tệ - ngân hàng. Việt Nam hiện đã có hệ thống ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu quốc tế, nhưng vẫn thiếu hụt các ngân hàng đầu tư chuyên sâu. Việc thành lập trung tâm tài chính sẽ tạo điều kiện phát triển ngân hàng đầu tư, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn cho trung – dài hạn.
Thứ hai là phát triển thị trường vốn. Thị trường vốn Việt Nam đang dần trở thành kênh huy động vốn quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Thị trường trái phiếu, dù đang trong quá trình điều chỉnh nhưng được xem là công cụ huy động vốn hiệu quả cho đầu tư trung - dài hạn. Tuy nhiên, cần có chính sách hỗ trợ để tạo ra môi trường minh bạch, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.
Thứ ba là thị trường phái sinh. Đây là một lĩnh vực đầy tiềm năng mà Việt Nam chưa khai thác triệt để. Với vị thế là quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, thủy sản cùng nhiều mặt hàng khác, việc xây dựng thị trường hàng hóa phái sinh sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong quản lý rủi ro và tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp xuất khẩu có thể giao dịch mua - bán trước sản phẩm, từ đó đảm bảo nguồn cung ổn định và lợi nhuận bền vững.
Ba trụ cột này sẽ làm cho việc luân chuyển hàng hóa đa dạng hơn, nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế sôi động hơn. Đặc biệt, thị trường tài chính khi giao dịch sẽ tính bằng con số tỷ USD, nên cần giải quyết một loạt các vấn đề như: khung pháp lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh tiền tệ và chủ quyền quốc gia. Việc cho phép giao dịch giữa các đồng tiền khác nhau đòi hỏi sự thận trọng trong xây dựng chính sách.
Đặc biệt khi trung tâm tài chính quốc tế của chúng ta ra đời sau thì cần làm nổi bật được giá trị, năng lực cạnh tranh cốt lõi mới có thể thu hút các nhà đầu tư tham gia thị trường. Trong khi đó, sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ tài chính cũng là vấn đề đáng lo ngại. Theo khảo sát của Navigos, 70% doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự có kỹ năng công nghệ và tài chính chuyên sâu.
Ngoài ra, phát triển hạ tầng đô thị và dịch vụ chất lượng cao để thu hút các chuyên gia quốc tế, bao gồm nhà ở, trung tâm thương mại và các khu vui chơi giải trí cao cấp cũng cần được quan tâm.
Theo các chuyên gia, để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển lĩnh vực Fintech tại Việt Nam, định hướng trở thành trung tâm tài chính quốc tế, cần một chiến lược tổng thể và đồng bộ.
Thứ nhất, xây dựng hệ sinh thái Fintech hoàn chỉnh, tập trung vào việc tạo điều kiện cho các startup Fintech phát triển thông qua các chính sách ưu đãi và môi trường đầu tư thân thiện.
Thứ hai, phát triển khung pháp lý linh hoạt, cho phép thử nghiệm các mô hình kinh doanh Fintech mới dưới dạng sandbox để kiểm soát rủi ro nhưng vẫn khuyến khích sáng tạo.
Thứ ba, đầu tư vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác với các trường đại học để xây dựng chương trình chuyên sâu về Fintech hay công nghệ Blockchain.
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm học hỏi kinh nghiệm từ các Fintech Hub lớn trên thế giới, đồng thời thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành Fintech Hub của khu vực. Việc tận dụng lợi thế sẵn có và xây dựng chiến lược phù hợp sẽ giúp Việt Nam vươn lên trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Fintech toàn cầu. Đây không chỉ là động lực để phát triển ngành tài chính, mà còn là bước tiến quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số và hội nhập kinh tế quốc tế.