Tài chính số

Thử nghiệm cho vay ngang hàng, fintech và ngân hàng hướng đến tài chính toàn diện

An Định 02/05/2025 04:00

Hoạt động cho vay ngang hàng sẽ được thử nghiệm trong 2 năm kể từ ngày 1/7/2025, cùng với chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở.

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

Chính phủ đã ban hành Nghị định 94 ngày 29/4/2025 về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), các giải pháp công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Như vậy sau nhiều năm, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng 3 lần dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động (sandbox) công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, Nghị định nay đã chính thức được ban hành.

p2p.jpg
Hoạt động cho vay ngang hàng (P2P) chính thức được thử nghiệm theo cơ chế có kiểm soát trong vòng 2 năm. (Ảnh minh họa: Itn)

Một trong những nội dung quan trọng theo Nghị định, Chính phủ đồng ý thử nghiệm cho vay ngang hàng. Công ty cho vay ngang hàng chỉ được cung cấp giải pháp thử nghiệm khi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Cho vay ngang hàng (peer to peer landing, viết tắt P2P Lending) là hình thức kết nối trực tiếp giữa người cho vay và người vay tiền thông qua một nền tảng trực tuyến, không cần trung gian tài chính truyền thống như ngân hàng.

Theo Nghị định, mục tiêu của Cơ chế thử nghiệm nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng, qua đó hiện thực hóa mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân và doanh nghiệp theo hướng minh bạch, thuận tiện, an toàn, hiệu quả với chi phí thấp.

Tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm đánh giá rủi ro, chi phí, lợi ích của giải pháp Fintech; hỗ trợ xây dựng, phát triển các giải pháp Fintech phù hợp với nhu cầu thị trường, khung khổ pháp lý, quy định quản lý. Hạn chế rủi ro xảy ra đối với khách hàng khi sử dụng các giải pháp Fintech do tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm cung cấp.

Kết quả triển khai thử nghiệm giải pháp Fintech được sử dụng làm căn cứ thực tiễn để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, quy định quản lý liên quan nếu cần thiết.

Đáng chú ý, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty Fintech không có nhu cầu tham gia Cơ chế thử nghiệm hoặc chưa được xét duyệt tham gia Cơ chế thử nghiệm hoạt động và tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành về doanh nghiệp, đầu tư và pháp luật khác có liên quan.

Nghị định nêu rõ, thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa 02 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm. Thời gian thử nghiệm có thể được gia hạn theo quy định. Việc triển khai thử nghiệm các giải pháp Fintech được giới hạn trên lãnh thổ Việt Nam, không được thực hiện thử nghiệm xuyên biên giới.

Ghi nhận từ dữ liệu trước đó, Việt Nam hiện có khoảng 100 công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng với nhiều đơn vị vốn đầu tư nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước từng đánh giá một số thỏa thuận giữa các bên tham gia trong mô hình P2P Lending thiếu minh bạch, chưa có cơ chế giám sát việc sử dụng, quản lý vốn vay của loại hình này, nên có thể dẫn tới tranh chấp giữa các bên. Việc đưa ra các nguyên tắc và quy định để thử nghiệm có kiểm soát với fintech cho vay ngang hàng là cần thiết.

Tuy nhiên, hoạt động P2P Lending vẫn được đánh giá theo xu hướng chung, khi có khung pháp lý quy định, thực hiện theo cơ chế có kiểm soát, sẽ mang đến cơ hội cho người cho vay lẫn cả người vay và giảm thiểu được các rủi ro từ hoạt động vay - cho vay không qua trung gian ngân hàng.

Cùng với P2P Lending, trong lĩnh vực fintech nói chung, Việt Nam có khoảng 200 công ty fintech và 90% số này hoạt động trong mảng ngân hàng (thanh toán, ứng dụng xếp hạng, chấm điểm tín dụng...). Việc Chính phủ cho phép thí điểm hoạt động fintech khác, gồm chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API tại Nghị định, cũng “trúng” tâm tư về kỳ vọng phối hợp giữa ngân hàng - fintech trong phát triển sản phẩm, dịch vụ trên không gian số theo xu hướng ngân hàng mở (Open Banking - Open API). Trước đó, cuối năm 2024, NHNN đã ban hành Thông tư quy định về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành ngân hàng để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, đặc biệt trong việc kết nối và xử lý dữ liệu của khách hàng một cách an toàn, tạo ra những sản phẩm dịch vụ sáng tạo mới đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của khách hàng.

Theo một đại diện của MB, trong định hướng mở rộng hỗ trợ các hộ kinh doanh, MSME tiếp cận sản phẩm dịch vụ tín dụng, song các đối tượng khách hàng thông thường gặp nhiều vướng mắc về tiếp cận vốn vay, thì với cơ chế kết nối hợp tác, các fintech hoàn toàn có thể hỗ trợ cung cấp thêm nguồn dữ liệu hữu ích cho ngân hàng. Từ đó, giúp ngân hàng xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng, đưa ra hạn mức tín dụng phù hợp và tự động. Thực tế hiện tại MB, đã phối hợp với fintehc thực hiện chia sẻ dữ liệu về hành vi mua sắm và thanh toán của khách hàng từ nền tảng thương mại điện tử; cung cấp thông tin về lịch sử giao dịch và mức độ tương tác, giúp ngân hàng đánh giá thu nhập và dòng tiền của khách hàng một cách chính xác hơn…

Theo đó, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát với sandbox, thí điểm trong thời gian 2 năm, được các chuyên gia kỳ vọng sẽ là “khung” cứng (có thể điều chỉnh sau 2 năm) cho việc tăng cường hợp tác giữa các tổ chức tín dụng truyền thống và các công ty fintech, phát huy các giá trị đổi mới sáng tạo và quản lý rủi ro liên quan đến các công nghệ tài chính mới.

Bước tiến mới cho tài chính toàn diện

Theo ông Phạm Tiến Thành, CEO Saigon Technology cho biết, nền kinh tế số của Việt Nam đang tăng trưởng hơn 20% mỗi năm – tốc độ nhanh nhất Đông Nam Á. Dự kiến, quốc gia này sẽ nằm trong top 3 khu vực Đông Nam Á và top 50 thế giới về năng lực cạnh tranh số và phát triển chính phủ điện tử.

Tai chinh tian dien
Cơ chế thử nghiệm nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng, qua đó hiện thực hóa mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân và doanh nghiệp theo hướng minh bạch, thuận tiện, an toàn, hiệu quả với chi phí thấp. Đây cũng là bước tiến nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện theo mục tiêu đến 2023. (Ảnh minh họa: Itn)

“Là Giám đốc điều hành của một trong những công ty phát triển phần mềm hàng đầu tại Việt Nam, tôi đã chứng kiến tận mắt quá trình chuyển đổi số đang diễn ra tại đây. Với hơn 13 năm kinh nghiệm, chúng tôi đã xây dựng ba trung tâm phần mềm tiên tiến để cung cấp các giải pháp hiện đại cho khách hàng toàn cầu. Tôi đã chứng kiến cách chuyển đổi số tại Việt Nam đang giúp các doanh nghiệp áp dụng những giải pháp mới. Các giải pháp này giúp cải thiện hoạt động, mở rộng tiếp cận với công cụ và tài nguyên số, cũng như thúc đẩy đổi mới sáng tạo", ông Thành chia sẻ cùng báo chí.

Bên cạnh tầm nhìn chiến lược và mục tiêu tham vọng từ chuyển đổi số của Việt Nam, với sự tiên phong của khu vực công, tăng trưởng của nền kinh tế được thúc đẩy bởi chuyển đổi, việc phát triển xây dựng một xã hội số toàn dân nơi mọi người dân đều có thể tham gia vào tương lai số của đất nước giúp mọi người được hưởng lợi, ông Thanh đề cập đến sự chuyển mình mạnh mẽ trong chuyển đổi số, với lĩnh vực tài chính đi đầu. Vietcombank đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) để cải thiện dịch vụ khách hàng. Ứng dụng VCB Digibank hiện có nhiều tính năng hiện đại, bao gồm cả gọi video và gọi thoại ngay trong ứng dụng.

Công nghệ blockchain đang hiện đại hóa hệ thống tài chính. HSBC và Vietcombank đã thực hiện thành công giao dịch thư tín dụng (L/C) đầu tiên của Việt Nam bằng blockchain, giúp rút ngắn thời gian xử lý từ vài ngày xuống còn 27 phút…, theo CEO Saigon Technology.

Số hóa “phủ sóng” trong nhiều lĩnh vực, quả thực đang thúc đẩy bước chuyển mình toàn diện của Việt Nam. Ciệc khai phá các tiềm năng to lớn, mà một số trong những mảnh ghép đó là tài chính, ngân hàng, fintech… sẽ góp phần thúc đẩy bước tiến cho Việt Nam nhanh hơn trong định hình mình là một cường quốc công nghệ số trong tương lai. Những bước tiến này tất yếu và quy chiếu ngược lại, không thiếu các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, cho phép thí điểm, áp dụng, đến làm chủ các công nghệ để có thể thúc đẩy tài chính toàn diện vì lợi ích người dân.

Trong lĩnh vực tài chính nói riêng, thực tế việc dẫn đầu chuyển đổi số của ngành ngân hàng và đi cùng là fintech, đã mang đến những ghi nhận tích cực cho vị thế Việt Nam. Tại bảng xếp hạng Chỉ số Tài chính toàn diện toàn cầu năm 2024 của Principal Financial Group, Việt Nam đã được xếp vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Singapore, Thái Lan), và xếp thứ 14 trên thế giới. Vẫn còn nhiều kỳ vọng về tương lai tài chính số của Việt Nam từ các chính sách thí điểm, rộng hơn, sẽ là các hoạt động ứng dụng số hóa trong lĩnh vực tài chính được thực hành tại Trung tâm tài chính quốc tế TP HCM và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng trong nay mai. Đây cũng là cung cách "kết hợp công nghệ mới với cải cách táo bạo và hợp tác đổi mới, động lực sẽ giúp các quốc gia trong khu vực ứng phó hiệu quả với những thách thức hiện tại và dài hạn", như khuyến nghị của ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thử nghiệm cho vay ngang hàng, fintech và ngân hàng hướng đến tài chính toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO