Để tạo sự khác biệt rõ rệt với các trung tâm tài chính truyền thống quốc tế, TP HCM và Đà Nẵng cần xây dựng mô hình trung tâm tài chính dựa trên nền tảng fintech tiên tiến...
Fintech thúc đẩy đổi mới trong hệ thống tài chính, từ phương thức thanh toán, cho vay, đầu tư đến quản lý tài sản, nhờ đó gia tăng hiệu quả, giảm chi phí và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính. Trong thời đại số, các sản phẩm công nghệ tài chính là loại hàng hóa quan trọng và giàu tiềm năng, giúp đa dạng hóa dịch vụ tài chính, mở rộng khả năng tiếp cận tài chính cho người dân, doanh nghiệp. Để tạo sự khác biệt rõ rệt với các trung tâm tài chính truyền thống như Singapore, Thượng Hải hay Dubai, TP HCM và Đà Nẵng cần xây dựng mô hình trung tâm tài chính dựa trên nền tảng fintech tiên tiến, đặt đổi mới sáng tạo và công nghệ làm cốt lõi, ông Nguyễn Mạnh Tường - đồng sáng lập, CEO MoMo, 1 trong 4 kỳ lân của Việt Nam cho biết.
Theo ông Tường, thực tế ở Việt Nam, phần lớn chỉ có các công ty fintech tập trung vào mảng thanh toán, có lác đác các công ty investech, insurtech, credit tech nhưng số lượng ít và quy mô nhỏ. Chúng ta có thể nhìn nhận đây là cơ hội lớn, tiềm năng lớn chưa được khai phá đúng. Do đó, ông Tường đề xuất các trung tâm tài chính coi việc phát triển mạnh hệ sinh thái fintech với mục tiêu có hàng chục kỳ lân fintech và hàng trăm startup fintech, thu hút các quỹ đầu tư chuyên vào fintech là một động lực quan trọng để giúp trung tâm tài chính thành công.
Đồng thời, CEO MoMO đề xuất các trung tâm tài chính xem xét phạm vi cung cấp dịch vụ fintech không chỉ giới hạn trong khuôn khổ trung tâm tài chính mà phải hướng tới thị trường trong nước và quốc tế, bởi vì bản chất của công nghệ là xuyên biên giới, không thể giới hạn bởi phạm vi địa lý.
Đối với cơ chế phát triển nguồn vốn cụ thể cho các công ty fintech trong trung tâm Tài chính, ông Nguyễn Mạnh Tường nhấn mạnh: Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng để Việt Nam phát triển theo tinh thần Nghị quyết 57.
"Trong một hội thảo gần đây, có một số vấn đề mà các diễn giả có nêu bao gồm “trong rổ VNE 30 thì duy nhất chỉ có công ty công nghệ là FPT chiếm 6% giá trị, trên thị trường niêm yết gồm HOSE và HNX thì chỉ có 16 công ty là công nghệ trong 1600 công ty và chiếm 1%, trên thị trường không có công ty thương mại điện tử, công nghệ sức khỏe và cũng không có công ty công nghệ tài chính nào”, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ. Qua đó, ông Tường cho rằng các quy định yêu cầu doanh nghiệp muốn niêm yết không được lỗ làm khó các doanh nghiệp fintech. Cùng với đó, là quy định khó khi thoái vốn. Vì vậy, cần có cơ chế riêng cho các doanh nghiệp.
Đối với cơ chế phát triển nguồn lực, để xây dựng trung tâm tài chính bền vững, yếu tố con người, đặc biệt là đội ngũ nhân tài chất lượng cao luôn giữ vai trò then chốt. Để các doanh nghiệp trong trung tâm tài chính phát triển bứt phá, cần chính sách thu hút và giữ chân chuyên gia trong nước và quốc tế. Trong đó, ESOP – chương trình sở hữu cổ phần cho nhân viên là công cụ quan trọng. Đặc biệt, với các công ty công nghệ khởi nghiệp – thường thiếu tiền mặt và cần đầu tư dài hạn – ESOP gần như là công cụ duy nhất để giữ chân nhân tài.
Theo NCEO (Hoa Kỳ), doanh nghiệp có ESOP tăng trưởng nhanh hơn 20–25%, năng suất cao hơn 4–5%, tỷ lệ nghỉ việc thấp hơn đến 50%.
“Hiện tại, thủ tục phát hành ESOP tại Việt Nam còn phức tạp. Ví dụ nếu công ty phát hành 1 cổ phiếu ESOP cho nhân sự có quốc tịch nước ngoài, thì cũng phải làm thủ tục tương tự như nhận đầu từ nước ngoài với quy trình không hề đơn giản.
Thủ tục phát hành ESOP cho các tài năng Việt Nam cũng có nhiều bất cập. Trung tâm tài chính cần cơ chế riêng, đơn giản và linh hoạt để doanh nghiệp dễ dàng triển khai ESOP.
Bên cạnh ESOP, cần có cơ chế thúc đẩy mạnh có thêm nhiều kỳ lân vì các nhà sáng lập (founder) giỏi của các startup mới sẽ thường đi ra từ những công ty lớn. Ví dụ công nghệ tài chính Paypal ở Mỹ, sau khi thành công thì các thành viên chủ chốt đều ra thành lập các công ty rất thành công khác như Elon Musk với Tesla hay SpaceX, hay Peter Thiel là nhà đầu tư đầu tiên vào Facebook, hay Reid Hoffman nhà sáng lập Linkedin vv và họ có cái tên gọi vui là “Paypal Mafia” Nếu áp dụng chính sách cởi mở, trung tâm tài chính sẽ có lợi thế chiến lược trong thu hút nhân tài công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và trở thành "Silicon Valley của Việt Nam", ông Nguyễn Mạnh Tường cho biết.
Liên quan đến vai trò, cơ chế của ngân hàng và fintech trong trung tâm tài chính quốc tế và khu vực ở Việt Nam, tại Hội thảo "Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam" vừa được tổ chức Bộ Tài chính và UBND TPHCM tổ chức mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết, các chủ thể tham gia trước hết phải là pháp nhân đăng ký hoạt động trong Trung tâm tài chính, tuân thủ các quy định cụ thể.
Các bộ, ngành và địa phương liên quan đang xây dựng một khung pháp lý cho Trung tâm tài chính tại Việt Nam trên cơ sở học tập kinh nghiệm quốc tế và sẽ có sự khác biệt giữa Trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam so với các nước đã làm.
Theo đó, khung pháp lý phải làm rõ được các thực thể tham gia vào Trung tâm tài chính “được làm gì và không được làm gì”. Đồng thời, các ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư, quản lý tài sản… hoạt động trong Trung tâm tài chính ra sao cần được làm rõ. Sự phân định này để phân biệt một định chế tài chính đang hoạt động theo quy định pháp luật hiện hành, với kinh doanh trong môi trường chính sách vượt trội của Trung tâm tài chính, Phó Thống đốc nói.
Có 2 phương án đặt ra: 1) Các định chế tài chính hoạt động trong Trung tâm tài chính sẽ cung ứng dịch vụ tương tự như bên ngoài thì áp dụng quy định pháp luật hiện hành. 2), Các định chế tài chính trong Trung tâm tài chính hoạt động dưới một khung quy định chung của Nghị quyết Quốc hội. Trong đó, các định chế tài chính trong Trung tâm tài chính có thể giao dịch ngoại tệ tự do, trong khi pháp luật hiện hành không cho phép thực hiện việc đó.
Phó Thống đốc cho biết NHNN sẽ dự thảo xây dựng một Nghị định trình Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết Quốc hội về cơ chế vượt trội trong Trung tâm tài chính, và sẽ có những thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho nhà đầu tư.
Hướng xây dựng Nghị định phải đặt ra các quy định, mọi hoạt động ngân hàng từ khâu cấp phép, tổ chức hoạt động, cung ứng dịch vụ, các tỷ lệ an toàn, đến thanh tra giám sát,…
Cùng với việc áp dụng cơ chế vượt trội thì các ngân hàng thương mại hoạt động trong Trung tâm tài chính có được phép huy động tiền gửi từ dân cư, có áp dụng tỷ lệ cho vay trên vốn huy động như trên thị trường đang áp dụng đối với các ngân hàng, có được nhà điều hành can thiệp sớm khi gặp tình trạng rút tiền gửi đột ngột, có cơ chế tái cấp vốn… hay không thì đó là những vấn đề cần đặt ra.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định một tổ chức tín dụng trong nước không thể áp dụng hai cơ chế pháp luật.
Đối với vấn đề công nghệ tài chính trong Trung tâm tài chính, theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, có hai loại fintech. Thứ nhất fintech thời gian qua phối hợp rất tốt với các ngân hàng thương mại làm eKYC (xác thực khách hàng điện tử), trong đó có fintech đã trở thành “kỳ lân”; thứ hai là fintech phát triển trên diện rộng với hàng chục triệu khách hàng như MoMo. Theo đó, cần có khung pháp lý cho họ hoạt động chứ không phải fintech chỉ đơn giản là tài sản số. Điểm này Ban soạn thảo Ban soạn thảo Nghị quyết Quốc hội cần đưa vào và làm rõ.