Lần đầu tiên Việt Nam chính thức thí điểm cho vay ngang hàng. Một nỗ lực mở đường cho fintech, nhưng đây cũng là bài kiểm tra thực sự của thể chế…
Dù xuất hiện gần một thập kỷ, cho vay ngang hàng (P2P Lending) tại Việt Nam vẫn vận hành trong một “vùng xám” pháp lý. Các nền tảng như Tima, Wecash, InterLoan... phát triển nhanh chóng, thu hút hàng triệu lượt vay, nhưng cũng từng bị cảnh báo là biến tướng của tín dụng đen khi thu phí cao, lãi suất thực lên tới 30 – 50%/tháng.
Những hệ lụy của mô hình này, từ thu hồi nợ phi pháp, bảo mật kém đến rủi ro sập sàn khiến Ngân hàng Nhà nước nhiều lần phát cảnh báo. Các cơ quan quản lý rơi vào thế khó: cấm thì ngăn cản đổi mới, buông thì mất kiểm soát.
Chính vì vậy, Nghị định 94/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/7/2025, cho phép thử nghiệm sandbox với cho vay ngang hàng, được coi là bước ngoặt về chính sách. Lần đầu tiên, Nhà nước chính thức “bắt tay” với thị trường để đưa mô hình P2P vào khuôn khổ pháp luật, trên tinh thần vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, vừa kiểm soát rủi ro.
Theo nhận định của các chuyên gia, ở góc độ doanh nghiệp, đây là thời cơ vàng. Các nền tảng từng hoạt động “lưng chừng pháp lý” như Tima hiện đã chuẩn bị hồ sơ để xin cấp phép, kỳ vọng “hợp thức hóa” hoạt động sau nhiều năm vận hành. Dù thời hạn thẩm định là 90 ngày, nhưng quá trình thử nghiệm sẽ kéo dài tối đa 2 năm – khoảng thời gian đủ để kiểm chứng cả năng lực công nghệ lẫn độ an toàn hệ thống.
Tuy nhiên, thách thức không nhỏ đang đặt ra. TS Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo nếu không giới hạn lãi suất cho vay, mô hình này có thể tái diễn biến tướng cũ, trở thành “tín dụng đen kỹ thuật số”. Ông đề xuất áp dụng khung lãi dưới 20%/năm theo Bộ luật Dân sự, đồng thời đưa thêm cơ chế bảo lãnh, bảo hiểm khoản vay để bảo vệ nhà đầu tư.
PGS, TS Nguyễn Hữu Huân cũng nhấn mạnh: Các nền tảng P2P phải có hệ thống chấm điểm tín dụng, eKYC và quản trị rủi ro mạnh mẽ, nếu không, sẽ sớm vỡ trận khi quy mô mở rộng.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La phân tích, sandbox không phải là vùng miễn trừ pháp lý. Dù trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng mọi hành vi cho vay nặng lãi, thu hồi nợ trái pháp luật, vi phạm quyền người vay… đều có thể bị xử lý theo quy định hiện hành. Ông cho rằng, việc thiếu ràng buộc rõ ràng về hợp đồng điện tử, xác minh danh tính hay cơ chế giải quyết tranh chấp sẽ là “lỗ hổng” tiềm ẩn nếu không được giám sát chặt ngay từ đầu.
Trong khi đó, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts thì nhấn mạnh vào tính minh bạch và hậu kiểm. Theo luật sư Nhung, muốn sandbox không biến thành vùng rủi ro mới, cần kiểm soát nghiêm phương thức tính phí, lãi suất thực tế và cơ chế xử lý nợ xấu. Đồng thời, bà Nhung cho rằng cũng cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị vận hành nền tảng khi xảy ra vi phạm, không thể đổ hết cho bên vay hoặc bên cho vay.
“Sandbox chỉ là bước khởi đầu, còn sự thành công hay thất bại của mô hình sẽ phụ thuộc vào cách các điều kiện pháp lý được giám sát, điều chỉnh và hoàn thiện trong quá trình thử nghiệm”, luật sư Nhung nêu quan điểm.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng, việc thí điểm P2P Lending có thể coi là bước thử lửa đầu tiên cho cam kết phát triển thị trường tài chính toàn diện của Việt Nam. Nhưng muốn bài toán này thành công, không thể chỉ dựa vào công nghệ hay thiện chí của doanh nghiệp, mà còn cần một khuôn khổ pháp lý đủ mềm để thích ứng, đủ cứng để phòng ngừa rủi ro.
Cơ hội đã mở nhưng nếu không thận trọng, thị trường này hoàn toàn có thể quay lại vết xe đổ cũ, với những app cho vay biến tướng, nạn thu hồi nợ bất hợp pháp và hệ lụy xã hội đi kèm.