Ngân hàng vẫn thận trọng với tăng trưởng tín dụng
Ngành ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn 2018 – 2019 được các chuyên gia nhận định là “tăng trưởng theo cách thức mới”, thận trọng hơn so với những năm trước.
Tăng trưởng thận trọng
Vietnam Report vừa chính thức công bố danh sách top 10 NHTM Việt Nam uy tín năm 2019. Đi kèm với danh sách này, Vietnam Report cũng nêu lên những điểm nhấn của ngành Ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2018 – 2019, trong đó nổi bật là xu thế “tăng trưởng theo cách thức mới”, thận trọng hơn so với những năm trước. Điều đó được thể hiện trên một số giác độ.
Thứ nhất, NHNN thể hiện rõ hơn vai trò điều tiết tín dụng, can thiệp có kiểm soát và vẫn giữ được tính thị trường. Năm 2019 NHNN chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, tương đương với mức tăng của năm 2018. Trên thực tế, tính đến ngày 10/6/2019 tín dụng mới tăng 5,75%, thấp hơn so với mức tăng 6,16% của cùng kỳ năm 2018. Điều đó cho thấy, tăng trưởng tín dụng vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ.
Thứ hai, tình hình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn. Theo Vietnam Report, việc triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu được tiến hành đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Còn nhớ tại buổi họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019, NHNN Việt Nam cho biết, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 907,33 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng trong năm 2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2019 là 2,02%. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 117,8 nghìn tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Bất ngờ với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của nhiều nhà băng
05:01, 17/05/2019
NHNN sẽ không nới lỏng thêm tăng trưởng tín dụng
15:35, 08/05/2019
Tăng trưởng tín dụng nên linh hoạt
11:01, 14/01/2019
Tăng trưởng tín dụng 2019 nhìn từ góc độ cung và cầu
14:20, 27/11/2018
Nhóm ngân hàng tư nhân sẽ có mức tăng trưởng tín dụng cao?
05:30, 16/10/2018
Thứ ba, tăng vốn điều lệ giúp củng cố năng lực tài chính của các NHTM. Quả vậy, theo các chuyên gia ngân hàng, việc NHNN ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN áp đặt thời hạn tuân thủ chuẩn Basel 2 là 1/1/2020 đã kích hoạt cuộc đua tăng vốn của các nhà băng trong mấy năm qua. Không chỉ tăng vốn cấp 1, các nhà băng còn đẩy mạnh phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2.
Số liệu thống kê của NHNN Việt Nam cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 582.379 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cuối năm 2018 và tăng gần 64% so với cuối năm 2011. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 851.795 tỷ đồng, tăng 5,66% so với cuối năm 2018 và tăng hơn 21% so với cuối năm 2017.
Phù hợp định hướng
Đồng tình với đánh giá của Vietnam Report, một chuyên gia ngân hàng cho biết, xu hướng trên phù hợp với định hướng của cơ quan điều hành để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Quả vậy, theo định hướng của NHNN, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 ở mức khoảng 14%, tương đương năm 2018, có thể thay đổi linh hoạt theo tình hình thị trường và kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, hạn mức tín dụng sẽ không cào bằng mà được phân bổ theo hướng ưu tiên hạn mức cao hơn cho các ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, đặc biệt là những ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel 2.
“Việt Nam đang đối mặt với rủi ro đến từ việc tổng tín dụng trong nước đang tăng nhanh hơn nhiều so với GDP danh nghĩa. Nếu như 20 năm trước, tổng dư nợ tín dụng mới chỉ vào khoảng 20% GDP thì hiện đã vượt trên mức 130% GDP”, vị chuyên gia trên cho biết và nhấn mạnh, nếu cứ duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng 17-18% như mấy năm trước, chẳng mấy chốc tín dụng sẽ vượt ngưỡng 200% GDP, từ đó đe dọa tới ổn định tài chính và đẩy nền kinh tế đứng trước nhiều rủi ro.
Trong bối cảnh đó, các tổ chức tài chính quốc tế như IMF và World Bank khuyến nghị rằng tăng trưởng tín dụng cần phải được tiết chế lại nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm tới. Do vậy, việc NHNN giảm dần mục tiêu tăng trưởng tín dụng là một động thái phù hợp để duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định.
Đó cũng là quan điểm, định hướng điều hành của NHNN. Không ít lần đại diện NHNN đã lên tiếng lý giải về định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức thấp rằng, nếu tăng trưởng tín dụng cao thì áp lực huy động vốn đầu vào cũng rất lớn, khiến mặt bằng lãi suất tăng cao. Trong khi mục tiêu chung của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và theo đó, các chính sách điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng… phải phối hợp nhuần nhuyễn với nhau để phục vụ mục tiêu này.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ tín dụng NHNN cũng khẳng định, trong 6 tháng cuối năm 2019, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đi đôi với nâng cao chất lượng, mở rộng tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Chính phủ đề ra; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.