Cẩn trọng lãi dự thu của các ngân hàng
Lãi dự thu đã đóng góp một phần vào lợi nhuận khủng của không ít ngân hàng trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, điều này có thể khiến ngân hàng đối mặt với nguy cơ “lãi giả, lỗ thật”.
Tăng nhiều, giảm ít
Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng tiếp tục khởi sắc trong nửa đầu năm 2019 với những con số lợi nhuận cao ngất ngưởng. Thế nhưng, trong niềm vui đó vẫn tiềm ẩn không ít nỗi băn khoăn khi mà con số lãi dự thu của không ít nhà băng tiếp tục tăng cao.
Đơn cử như LienVietPostBank, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 1.116 tỷ đồng, tăng 181% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 59% mục tiêu kế hoạch năm 2019. Tuy nhiên, các khoản lãi, phí phải thu cuối quý 1/2019 lên tới 4.081 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hay như Ngân hàng TMCP Bản Việt (Vietcapital Bank), trong 6 tháng đầu năm nay, tuy dự phòng rủi ro tín dụng đã giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ đạt gần 48 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý là các khoản lãi, phí phải thu của ngân hàng này tăng lên mức 1.171 tỷ đồng, tăng tới 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái…
Có thể bạn quan tâm
Lợi nhuận ngân hàng quý 1 tăng mạnh vì đâu?
05:01, 24/04/2019
Siết tín dụng, lợi nhuận ngân hàng năm 2019 có bị ảnh hưởng?
05:01, 14/01/2019
Lợi nhuận ngân hàng tư nhân nhóm đầu gọi tên ngân hàng nào?
08:44, 12/02/2018
Lợi nhuận ngân hàng có giảm khi hạ lãi suất cho vay?
06:50, 18/07/2017
Lợi nhuận ngân hàng đang phân bổ như thế nào tại 3 miền Bắc-Trung-Nam?
17:02, 01/03/2017
Tuy nhiên, cũng có một số ngân hàng lại giảm mạnh khoản mục lãi dự thu. Đáng chú ý nhất trong số này phải kể tới Sacombank khi mà lãi, phí phải thu của nhà băng này giảm 1.894 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.
Gương mặt đáng chú ý thứ hai là Techcombank khi mà số lãi dự thu của nhà băng này cũng đã giảm hơn 1.000 trong nửa đầu năm nay…
Nguy cơ lãi giả - lỗ thật
Còn nhớ cuối quý 1/2019, Thống đốc NHNN đã có văn bản yêu cầu các TCTD nghiêm túc thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh. Đồng thời, TCTD thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt các khoản lãi có dự thu lớn để kịp thời thoái lãi dự thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi.
Lý giải về động thái này của cơ quan quản lý, một chuyên gia ngân hàng cho biết, lãi dự thu là khoản lãi ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lãi (bao gồm cho vay khách hàng), ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, nhưng khoản này vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập của ngân hàng.
Theo quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BTC, các TCTD chỉ được hạch toán số lãi phải thu phát sinh trong kỳ vào thu nhập đối với các khoản nợ đủ tiêu chuẩn không phải trích dự phòng rủi ro (nợ nhóm 1). Đối với các khoản phải thu đã hạch toán vào thu nhập nhưng sau đó được đánh giá không thu được hoặc đến kỳ hạn thu không thu được thì TCTD hạch toán giảm doanh thu nếu cùng kỳ kế toán, hoặc hạch toán vào chi phí nếu khác kỳ kế toán...
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, một số ngân hàng đang quá lạc quan vào việc ghi nhận các khoản lãi dự thu này, dẫn đến lợi nhuận bị “thổi phồng”. “Việc làm này có thể xuất phát từ sức ép lợi nhuận của các cổ đông, hay đơn giản chỉ là muốn làm đẹp sổ sách; giảm con số trích lập dự phòng rủi ro… Tuy nhiên, điều đó có thể khiến ngân hàng đối mặt với tình trạng “lãi giả, lỗ thật” và khiến các cổ đông cũng như các nhà đầu tư nhận thức sai về thực trạng hoạt động của các ngân hàng”, vị chuyên gia trên cho biết.
Chính vì vậy, để bảo đảm sự lành mạnh của hệ thống, NHNN cần nghiên cứu, đánh giá, xem xét lại thực trạng của việc ghi nhận lãi dự thu hiện nay, đồng thời củng cố, chấn chỉnh nhằm đảm bảo phản ánh đúng thực tế câu chuyện thu nhập thực sự của các ngân hàng.