Cần tiếp tục gỡ vướng xử lý nợ xấu

Hà Anh 22/10/2019 05:20

Mặc dù đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, nhưng tiến trình xử lý nợ xấu của các TCTD vẫn đang gặp nhiều vướng mắc.

tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD

Kết quả đáng ghi nhận

Theo Báo cáo mới đây của NHNN gửi các đại biểu Quốc hội, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 968,89 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 629,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 64,94% tổng nợ xấu xử lý), còn lại là bán nợ (bao gồm bán nợ cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 35,06%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 8/2019 là 1,98%.

Nếu tính chung tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD tính đến tháng 8/2019 ở mức 4,84%, cũng giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% cuối năm 2018.

Đặc biệt, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản nợ bán cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt), tức bình quân mỗi tháng, hệ thống các TCTD xử lý được 9,6 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng của các TCTD đạt 137,7 nghìn tỷ đồng; xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 là 47,97 nghìn tỷ đồng; xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 51,12 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đến thời điểm cuối tháng 08/2019, các TCTD đã sử dụng 123,89 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.

Có thể bạn quan tâm

  • Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Nợ xấu sẽ giảm về dưới 3%

    Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Nợ xấu sẽ giảm về dưới 3%

    16:00, 15/10/2019

  • Gỡ vướng sàn giao dịch nợ xấu

    Gỡ vướng sàn giao dịch nợ xấu

    03:31, 07/09/2019

  • Cuộc chiến nợ xấu còn nhiều khó khăn

    Cuộc chiến nợ xấu còn nhiều khó khăn

    04:30, 31/07/2019

  • Xử lý nợ xấu vẫn chưa thật thông suốt

    Xử lý nợ xấu vẫn chưa thật thông suốt

    10:25, 24/05/2019

“Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 cho thấy ý thức trả nợ của khách hàng đã được cải thiện đáng kể. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD”, ông Nguyễn Văn Du – quyền Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc NHNN Việt Nam nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, một chuyên gia ngân hàng cho biết, Nghị quyết 42/2017/QH14 ra đời đã tạo ra một bước ngoặt mới trong tiến trình xử lý nợ xấu khi lần đầu tiên khẳng định rõ quyền của chủ nợ, cho phép các chủ nợ như TCTD hay VAMC được áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm (TSĐB) của các khoản nợ xấu, bán các TSĐB này để thu hồi nợ, qua đó đã nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng. Bên cạnh đó, Nghị quyết 42/2017/QH14 cũng khẳng định rõ quan điểm “xử lý nợ xấu là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị” khi quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, địa phương trong việc phối hợp với ngành Ngân hàng xử lý nợ xấu.

Còn nhiều vướng mắc cần xử lý

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Du, tiến trình xử lý nợ xấu của các TCTD, VAMC vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Đầu tiên là khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác triển khai, hướng dẫn từ các Bộ, ngành và địa phương. Thậm chí tại một số địa phương, các cấp chính quyền và cơ quan hữu quan trên địa bàn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ trong việc triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14, xem đây là lĩnh vực riêng của ngành Ngân hàng.

Bên cạnh đó là những khó khăn liên quan đến xử lý TSĐB của các khoản nợ xấu như thu giữ, bán đấu giá, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản và nộp thuế khi chuyển nhượng TSBĐ. Hay như việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao và xử lý TSBĐ; cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng TSBĐ; hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự. Ngoài ra, việc mua bán khoản nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ cũng vấp phải một số khó khăn như thẩm định giá, chuyển nhượng hoặc ủy thác quản lý các khoản nợ…

Về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSĐB, Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định rõ là phải ưu tiên thanh toán cho ngân hàng, giảm nghĩa vụ nợ cho khách hàng. Song trên thực tế, nhiều tài sản bán đấu giá thành công, thu hồi nợ dưới giá gốc nhưng cơ quan thuế các địa phương áp dụng khác nhau, kéo dài thời gian không được sang tên và sử dụng tài sản đó để kinh doanh khiến người mua thiệt hại.

Ngay cả VAMC cũng phải “bó tay” trong nhiều trường hợp do cơ chế, chính sách vẫn còn “vênh”. Ông Đỗ Giang Nam – PTGĐ VAMC cho biết, nhiều trường hợp VAMC đã đấu giá thành công TSBĐ của khoản nợ xấu nhưng không sang tên, chuyển nhượng được do vướng mắc giữa Luật kinh doanh bất động sản (BĐS) và Luật Đấu giá. Trong khi Luật Đấu giá không đòi hỏi người tham gia đấu giá phải chứng minh năng lực kinh doanh BĐS, thì Luật kinh doanh BĐS lại đòi hỏi điều kiện rất cụ thể về người tham gia kinh doanh BĐS. Ngoài ra, đối với nhiều dự án, các địa phương yêu cầu chủ đấu giá hoặc VAMC phải thực hiện thay nghĩa vụ nộp thuế cho bên thế chấp, thì mới được sang tên, chuyển nhượng. “Đây là những vướng mắc lớn đối với VAMC trong hoạt động thu hồi, xử lý nợ xấu”, ông Nam bày tỏ.

Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng cần sớm tháo gỡ những vướng mắc nói trên để đẩy nhanh hơn nữa tiến trình xử lý xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Mặc dù chỉ đạo tiếp tục phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các TCTD trong xử lý nợ xấu, song Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ một lần nữa đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương, vì quan điểm của Chính phủ là xử lý nợ xấu không phải việc riêng của hệ thống ngân hàng. Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kiến nghị Quốc hội chỉ đạo Tòa án Nhân dân tối cao sớm có văn bản hướng dẫn các Tòa án địa phương thực hiện thủ tục rút gọn trong xử lý TSĐB của các khoản nợ xấu, và cho biết Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo cơ quan thuế trong thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý TSĐB…

Hà Anh