Khơi thông nguồn vốn giá rẻ
Kết quả kinh doanh tích cực và năng lực tài chính vững mạnh của các ngân hàng trong 2019 sẽ góp phần tạo “bệ phóng” cho nguồn vốn tín dụng giá rẻ cho các doanh nghiệp trong năm 2020.
Mới đây, nhiều ngân hàng thương mại tiết lộ mức lợi nhuận trong năm 2019 có thể sẽ vượt kế hoạch mà ĐHĐCĐ đề ra từ đầu năm.
“Lát cắt” bức tranh ngân hàng
Mặc dù đã có những cuộc đổi ngôi nhất định trong xếp hạng quy mô và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng trong 2 năm gần đây, song xét về thị phần, tầm ảnh hưởng của các ngân hàng quốc doanh vẫn rất lớn khi Vietcombank, BIDV và Vietinbank vẫn chiếm trên dưới 50% thị phần.
Tại Vietcombank, ngân hàng được nhắc đến rất nhiều từ năm 2018 với “những điểm dẫn đầu”, như đạt chuẩn Basel II, tất toán trái phiếu VAMC, lợi nhuận năm 2019 dự kiến cán mốc tỷ đô, nợ xấu dự kiến dưới 1%... Ngân hàng này hứa hẹn tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng mạnh để vượt qua BIDV lẫn Vietinbank về thị phần cho vay.
BIDV đã lấy lại “phong độ” từ quý III/2019 với việc bán 15% cổ phần cho KEB Hana Bank (Hàn Quốc). Điều này không chỉ tạo bộ đệm giúp BIDV đạt chuẩn Basel II, có cơ hội tăng trưởng tín dụng 12%, gỡ dần nút thắt về trái phiếu VAMC cũng như khoản nợ liên quan đến Hoàng Anh Gia Lai, mà còn tiếp tục tăng tốc thị phần cho vay từ mức hơn 22% của năm trước.
Trong số 3 TCTD lớn, Vietinbank đang là một “nốt trầm” với tăng tín dụng chỉ khoảng 6% trong 9 tháng đầu năm nay. Nếu Vietinbank phát hành được cổ phiếu riêng lẻ cho SCIC, qua đó hở được room để huy động thêm vốn từ đối tác ngoại, hoặc như gợi ý của JP Morgan – bán bớt cổ phần thành viên, sẽ gỡ khó cho ngân hàng, đồng thời củng cố vị thế thị phần cho vay trên diện rộng từ mức 20%.
Điều tiết để cả hệ thống ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp cùng phát triển mạnh mới thực sự tạo “bệ phóng” vững chắc để tín dụng lẫn nguồn vốn cho doanh nghiệp dồi dào, hướng về giá thấp.
Ngoài 3 TCTD trên, năng lực tài chính mạnh và kết quả kinh doanh tích cực của các ngân hàng TMCP khác trong nhóm niêm yết như Techcombank, MB, ACB, HDBank, VIB… đều đang hứa hẹn vượt chỉ tiêu tăng trưởng tổng dư nợ (nếu được phép) trong năm 2020.
Điều tiết và kỳ vọng
Điều tra “xu hướng kinh doanh” do NHNN thực hiện vào tháng 9/2019 cho thấy, các TCTD đặt kỳ vọng cao vào nhu cầu vốn của thị trường. Theo đó, nhu cầu vay vốn tiếp tục được nhận định ở mức cao hơn nhu cầu thanh toán, thẻ và nhu cầu gửi tiền. 68-73% TCTD kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng (vay vốn, gửi tiền, thanh toán và thẻ) sẽ gia tăng trong quý IV/2019 và trong cả năm 2019 so với năm 2018.
Có thể bạn quan tâm
Vốn tín dụng tiếp tục chảy vào bán lẻ và khu vực SME
04:00, 25/10/2019
Rào cản nào trong tiếp cận vốn tín dụng của Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam?
14:34, 02/04/2019
Vốn tín dụng được kiểm soát chặt chẽ
13:09, 08/05/2018
Ẩn số tăng trưởng tín dụng
16:38, 07/11/2019
Tăng trưởng tín dụng khó “cán đích”
03:03, 13/09/2019
Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng cao là hiển nhiên, khi phần lớn gánh nặng vốn vẫn đặt vào đôi vai ngân hàng. Điểm lại tài chính Việt Nam năm 2019, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, với một thị trường (tín phiếu và cổ phiếu) mới chỉ chiếm 40% tổng huy động tài chính trong 2018, thị trường tài chính vẫn tập trung chủ yếu ở tín dụng ngân hàng.
WB cũng lưu ý về tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trái phiếu 2019 như một kênh huy động vốn đáp ứng nhu cầu dài hạn cho doanh nghiệp, nhưng cần đặt vai trò của các ngân hàng trên thị trường vốn này ở mức quan trọng. Theo đó, ngân hàng không chỉ là tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mà cũng là những nhà đầu tư lớn. Do đó, ở năm 2020 và các năm tới đây, nếu thị trường vốn phát triển vượt trội, đặc biệt nếu trái phiếu doanh nghiệp càng “phình” to, thì có thể tác động đến bảng cân đối tài sản của các ngân hàng.
Các chuyên gia cho rằng, điều tiết để cả hệ thống ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp cùng phát triển mạnh mới thực sự tạo “bệ phóng” vững chắc để tín dụng lẫn nguồn vốn cho doanh nghiệp dồi dào, hướng về giá thấp. Và điều đó phụ thuộc vào năng lực xử lý thách thức vĩ mô, tổng thể của Chính phủ, chứ không chỉ phụ thuộc vào một số ngân hàng hay nỗ lực ý chí tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp.