Ngân hàng số 1 Việt Nam: Cờ về tay ai?
Trên "đỉnh cô đơn" của lợi nhuận cao tuyệt đối so với các tổ chức tín dụng còn lại trong hệ thống, Vietcombank đã hoàn toàn cầm chắc ngọn cờ luôn dẫn đầu ở vị trí số 1?
Một trong những mục tiêu của hệ thống ngân hàng Việt Nam sau 2 giai đoạn tái cơ cấu là có những tổ chức tín dụng (TCTD) hàng đầu đủ sức cạnh tranh ngang tầm khu vực. Khép lại 2019 với kết quả tái cơ cấu tích cực giai đoạn 2 của ngành, sự vượt trội và lớn mạnh của nhiều nhà băng cùng sự giải tỏa áp lực nợ xấu, đưa quản trị ngân hàng vào chuẩn mực chặt chẽ với mức độ an toàn cao hơn...
Trên thực tế, ngay khi hệ thống ngân hàng được đặt ở điểm xuất phát của tái cơ cấu với nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu nêu trên, thì các đấu thủ trên đường chạy nghiễm nhiên cũng đã được thị trường điểm mặt chỉ tên, trước hết là nhóm "big four" - 4 ngân hàng TMCP có vốn quốc doanh gồm BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank thuộc sở hữu Nhà nước chưa thực hiện cổ phần hóa.
Theo đó, ba ngân hàng cổ phần có các xuất phát điểm và lợi thế khác nhau nhưng cùng tương đồng ở những điểm chung: Có tỷ lệ sở hữu Nhà nước (tính đến hiện tại trên 65%), có thị phần lớn (chiếm khoảng gần 1/2 thị phần cung ứng tín dụng cho thị trường), có tổng tài sản lớn, vốn chủ sở hữu lớn và lợi nhuận lớn.
Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu liên tục trong 2 giai đoạn đã dẫn đến những phân hóa nhất định. Dường như đường đua ngôi vị số 1 ngày càng được Vietcombank và Vietinbank rút dần khoảng cách đích đến sớm hơn. Nhưng điều đó lại vẫn còn tùy thuộc vào việc đo lường, đánh cột mốc bởi những tiêu chí nào hay tập hợp những tiêu chí nào để xác định nhà băng xứng đáng cầm chắc ngọn cờ số 1.
Vietinbank cách đây chừng 3-4 năm, đã là tổ chức liên tục dẫn đầu về tổng tài sản. Đối với ngành ngân hàng, quy mô tổng tài sản là một tiêu chí vô cùng quan trọng, phản ánh gần như bao trọn tất cả giá trị của một nhà băng, trong đó bao gồm cả thị phần lẫn khách hàng. Ở vị trí của mình, năm 2016, năm bước vào tái cơ cấu giai đoạn 2 và cũng sắp sửa bước vào cột mốc 5 năm hợp tác cùng người khổng lồ tài chính của nước Nhật The Bank of Tokyo Mitsubishi-UFJ, Ltd (BTMU), Vietinbank khi đó vô cùng tự tin để khẳng định mục tiêu trở thành ngân hàng số 1. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank khi đó tại hội nghị tổng kết ngân hàng đã nêu mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, cũng như nêu quyết tâm năm 2017 sẽ xử lý sạch nợ xấu.
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng “bung” tín dụng xanh
11:00, 16/01/2020
Ngân hàng là chủ thể phát hành trái phiếu lớn nhất trên thị trường
21:21, 12/01/2020
Năm 2020, HOSE hút khách ngân hàng niêm yết
10:00, 10/01/2020
Ngân hàng việt đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo song song với bảo mật
09:18, 03/01/2020
Ngành ngân hàng nhận "đề bài" lớn từ Thủ tướng
15:20, 02/01/2020
Cần phải nói thêm rằng cũng tại khi đó, Vietinbank phần nào được xem như ứng cử sáng giá của ngôi số 1 còn bởi là ngân hàng có cơ cấu cổ đông mạnh nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, có nội lực và điều kiện để hội nhập và vươn tầm quốc tế.
Đáng tiếc là sau một quãng thời gian dài đầy sung sức trên đường đua, Vietinbank đang tỏ vẻ đuối sức và đi chậm lại, để mất lợi thế thể hiện giá trị "GDP" nhà băng quy mô số 1 vào tay BIDV. Cùng với đó là mới đây, IFC, cổ đông mạnh thứ 2 tại Vietinbank sau BTMU đã thoái bớt vốn khỏi ngân hàng này. Thế kẹt của Vietinbank về việc hết room ngoại, trong khi ngân hàng không còn dư địa tăng vốn khiến tỷ lệ an toàn (CAR) xuống rất thấp, ngân hàng khó mở rộng hoạt động những tưởng sẽ được tháo bớt phần nào khi IFC bán vốn để không còn là cổ đông lớn và hở ra một phần room ngoại. Thực tế cần lưu ý rằng ngay cả như vậy, khoảng hở không đáng là bao trừ khi IFC thoái hết toàn bộ vốn khỏi Vietinbank.
Tin vui cho ngân hàng này là theo Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành đã ủng hộ chủ trương tăng vốn cho 4 ngân hàng có vốn nhà nước. Theo đó, VietinBank sẽ được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017, 2018. Đồng thời, Thống đốc NHNN đề nghị VietinBank báo cáo Bộ Tài chính để có kế hoạch tăng vốn 2019 và 2020, dựa trên đánh giá tăng trưởng và kết quả kinh doanh.
Đáng nói theo ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank, ngay cả khi được giữ lại cổ tức tiền mặt để tăng vốn, nguồn vốn này cũng chỉ mới đáp ứng 1/3 nhu cầu tăng trưởng để phát triển của ngân hàng. Vietinbank vẫn cần phương án tăng vốn mới và hiệu quả hơn nữa để ngân hàng tăng tốc trên con đường phất cờ số 1.
Vietcombank có thị phần thấp hơn Vietinbank và BIDV trong những năm trước đây, tại thời điểm hiện nay cũng là ngân hàng có quy mô tổng tài sản không ở vị trí số 1, tuy nhiên lại đang tỏ rõ năng lực chạm đến đích số 1 trên đường đua của hệ thống các nhà băng lớn. Liên tục trong 2 năm gần 2018 và 2019, Vietcombank đã có những cái "nhất" được định lượng cụ thể bởi giá trị lợi nhuận ròng đạt mức cao tuyệt đối so với các ngân hàng còn lại. Ở mức hơn 23.000 tỷ đồng lợi nhuận cuối 2019, Vietcombank hiện đang là ngôi sao cô đơn trên đỉnh lợi nhuận khó có bạn đồng hành. Đây được cho là thành quả của tái cơ cấu, phát huy lợi thế đối tác cổ đông chiến lược và đề cao quản trị rủi ro trên toàn hệ thống của Vietcombank.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch 2020 vừa qua, Vietcombank đã đưa ra thông điệp: "Trong giai đoạn phát triển mới, Vietcombank đã đề ra tầm nhìn và mục tiêu chiến lược đến năm 2025 giữ vững vị trí là ngân hàng số 1 Việt Nam; trở thành một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á; một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, có đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam". Như vậy, ngân hàng đã khẳng định vị trí số 1 của mình trong hệ thống. Nhiệm vụ của giai đoạn 5 năm tới là vị trí này cùng các mục tiêu cao hơn, xa hơn trên thị trường tài chính toàn cầu.
Nhưng mục tiêu và thông điệp khẳng định của Vietcombank có thực sự được xác lập bền vững, dài lâu? Những tổ chức còn lại liệu có cơ hội để tiếp bước thắp cờ và cạnh tranh ngôi số 1 với Vietcombank?
Chúng ta đừng quên ngoài Vietinbank, còn có BIDV. Gương mặt tưởng đã tụt lại trên đường đua vị thứ, sau nhiều ngổn ngang và thăng trầm nhất định, đến chặng cuối 2019, đã đột ngột xuất hiện những đòn bẩy tích cực. Việc hợp tác chiến lược bán vốn cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc là một trong những đòn bẩy đó, vừa giúp BIDV gỡ được bài toán khó như của Vietinbank, vừa hé mở những triển vọng nhất định về khả năng thúc đẩy hợp tác cả nguồn lực vốn lẫn nhân lực, quản trị cho một BIDV thời kỳ thăng hoa mới. Cổ phiếu BIDV tăng chóng mặt chỉ trong thời gian ngắn là một "hàn thử biểu" của kỳ vọng về ngân hàng ở tương lai.
Quan trọng hơn, BIDV thực tế vẫn là ngân hàng có quy mô, nền tảng và lợi thế khó so đọ với thị phần vững chắc, mạng lưới rộng lớn. Trở lại đường đua phong độ, BIDV dẫn đầu toàn hệ thống về quy mô tổng tài sản ở cuối quý III/2019. Và vị trí thứ 2 thuộc về Agribank. Xét chỉ tiêu này, Vietcombank chỉ đứng thứ tư. Rõ ràng bài toán của BIDV lúc này là làm sao sớm đưa "GDP" khủng của mình chuyển hóa thành nguồn thu ròng và lợi nhuận ròng, thể hiện hiệu suất kinh doanh hiệu quả. Tất nhiên, vốn của BIDV trước mắt cũng mới chỉ được hóa giải khó khăn một phần. Ngân hàng này sẽ cần thời gian để vững vàng bước chạy vượt tốc.
Ngoại trừ Agribank trong nhóm bộ tứ ngân hàng đang chưa cổ phần hóa, theo đánh giá của giới chuyên môn, sự thay đổi trong một cuộc đua ngôi vị số 1 vẫn luôn có thể đến từ những nhân tố bất ngờ. Những ngân hàng TMCP vốn tư nhân như Techcombank, VPBank, ACB, HDBank... đều có thể là những nhân tố ẩn chứa sự bứt ngờ đó...
Techcombank cách đây một vài năm, sẽ khó có ai hình dung nổi có một ngày sẽ là ngân hàng "cô đơn trên đỉnh giá" cổ phiếu khi IPO, vượt qua hàng loạt thị giá của các cổ phiếu "long lanh" khác. Cũng khó có thể hình dung đây sẽ là ngân hàng luôn bám đuổi Vietcombank về giá trị lợi nhuận ròng/ năm.
Trong khi đó, VPBank lại là một nhà băng luôn mang đến sự bất ngờ từ những táo bạo đột phá của định hướng ngân hàng bán lẻ và tiên phong số. Con số lợi nhuận vượt mốc 10.000 tỷ đồng ở 2019 mà VPBank mới công bố là một phần thể hiện cách mà VPBank dám tìm kiếm, thử và thậm chí chấp nhận sai để tìm một hướng đúng, kéo dài khoảng cách xa trên con đường áp dụng công nghệ số đầy sáng tạo vào ngân hàng, khiến VPBank xứng đáng có nhiều cơ hội gặt thành quả, thậm chí đáng để kiêng dè trên đường đua của các ngân hàng top đầu, "chiếu" 1.
Ngay cả HDBank, một ngân hàng có quy mô tổng tài sản và lợi nhuận khiêm tốn hơn so với các tổ chức đứng đầu, song cũng được đánh giá có thể là đối thủ đáng gờm khi trong quá khứ, bằng 2 thương vụ M&A, ngân hàng này đã thay đổi toàn bộ quy mô tổng tài sản, mạng lưới, thị phần và dẫn đầu về hệ thống về tăng trưởng kép hàng năm ở mức 67,1% liên tục suốt 5 năm. HDBank hiện tại sở hữu hệ sinh thái "khủng" và Big Data sẵn sàng cho tham vọng phục vụ gần 1/2 dân số Việt Nam, luôn hứa hẹn những đòn bẩy để thay đổi mọi chỉ số và tốc độ...
Rõ ràng, việc xem xét ngôi vị số 1, dù những tổ chức vượt trội là khá nổi bật và để khoảng cách xa, vẫn không thể khẳng định tuyệt đối với phương pháp căn cứ định tính hay định lượng chỉ ở 1, 2 chỉ tiêu. Việc "xếp hạng" theo các chỉ tiêu cơ bản như doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản, vốn hóa... thậm chí đối với lĩnh vực ngân hàng, cũng chỉ là sự lượng hóa vị thứ ở một thời khắc, giai đoạn nhất định. Trong cuộc đua này, ai sẽ ngồi ở ngôi vương bền lâu và ai sẽ thay ngôi, đổi số - đối với ngành ngân hàng cũng như mọi lĩnh vực kinh doanh - luôn là cuộc đua đường trường đầy ẩn số.