Ngân hàng “bung” tín dụng xanh

Hà Phương 16/01/2020 11:00

VPBank vừa mở màn ký hợp đồng tín dụng xanh đầu năm 2020, được kỳ vọng mở ra một xu thế mới cung cấp vốn cho các doanh nghiệp xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.

VPBank đã ký kết hợp đồng tín dụng xanh đầu tiên năm 2020

VPBank đã ký kết hợp đồng tín dụng xanh đầu tiên năm 2020 với lãi suất hấp dẫn đối với các dự án thân thiện môi trường, giảm thải ô nhiễm...

Cuộc đua cấp tín dụng xanh

VPBank vừa ký kết Hợp đồng cho vay tín dụng xanh trị giá 212,5 triệu USD với Tổ chức tài chính quốc tế IFC và các nhà đồng tài trợ quốc tế uy tín, bao gồm Quỹ đồng cho vay được quản lý bởi IFC, Ngân hàng Bocom Trung Quốc, Tổ chức tài chính phát triển Đức DEG, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Tổ chức tài chính quốc tế đa phương IIB, Ngân hàng KEB Hana Hàn Quốc và Ngân hàng Thai Kiatnakin Bank Public Company Limited. Đây là giao dịch vay hợp vốn xanh đầu tiên tại thị trường Việt Nam.

Việc ký kết thỏa thuận này thể hiện cam kết vững chắc của VPBank trong chiến lược phát triển bền vững kết hợp bảo vệ môi trường theo đúng định hướng của NHNN và Chính Phủ. Gói cho vay này đánh dấu cột mốc quan trọng đối với VPBank và mở ra cơ hội tiên phong trên thị trường tài chính xanh tại Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nước có lượng khí thải nhà kính cao nhất trên thế giới. Trong bối cảnh các quốc gia đang từng ngày nỗ lực giảm khí thải nhà kính và thực hiện các biện pháp thích ứng với tác động của việc biến đổi khí hậu, một phần ba của gói tài chính sẽ được dành riêng cho các dự án thân thiện với môi trường, tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.

Đây cũng là cơ hội giúp VPBank có những đóng góp tích cực với định hướng quốc gia bằng cách cung cấp các giải pháp tài chính cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường như phát triển năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, sử dụng năng lượng hiệu quả, xây dựng các tòa nhà xanh, giao thông xanh, xử lý và quản lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của khoản vay, VPBank đã đầu tư đào tạo một nhóm chuyên gia tín dụng xanh được cấp chứng chỉ quốc tế để đánh giá việc đáp ứng tiêu chuẩn xanh của từng khoản vay theo từng dự án.

Ngoài VPBank, trong năm 2019, nhiều tổ chức tín dụng đã cho vay các dự án xanh. Điển hình là Vietinbank cho vay các dự án tiết kiệm và hiệu quả năng lượng theo Chương trình tín dụng môi trường EIB; Chương trình tín dụng GCPF; Chương trình cho vay dự án năng lượng tái tạo REDP. ACB cho vay theo dự án tài chính nông thôn RDF; Sản phẩm cho vay có bảo lãnh từ Quỹ tín dụng xanh dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Chương trình cho vay dự án năng lượng tái tạo REDP. Sacombank tham gia tài trợ các dự án cho vay nông thôn, lâm nghiệp; Cho vay phát triển kinh tế hộ gia đình; Cho vay các dự án tái chế chất thải, năng lƣợng tái tạo. BIDV cho vay các dự án thủy điện, phong điện; cho vay các dự án khu du lịch sinh thái... 

Theo tính toán của Viện Chiến lược ngân hàng và Trung tâm nghiên cứu BIDV, tổng tài sản tài chính của hệ thống ngân hàng chiếm tới trên 70%, còn lại chưa đầy 30% khu vực chứng khoán, bảo hiểm cho thấy vai trò và sứ mệnh hệ thống ngân hàng có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định cung ứng vốn để hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững.

Có thể bạn quan tâm

  • VPBank ký kết thỏa thuận tín dụng xanh trị giá hơn 212 triệu USD

    VPBank ký kết thỏa thuận tín dụng xanh trị giá hơn 212 triệu USD

    09:01, 15/01/2020

  • “Đòn bẩy” tín dụng xanh

    “Đòn bẩy” tín dụng xanh

    04:00, 11/01/2020

  • Agribank tiên phong hành động vì một nền “tín dụng xanh”

    Agribank tiên phong hành động vì một nền “tín dụng xanh”

    09:00, 27/12/2019

  • Tín dụng xanh 'bắt tay' nông nghiệp sạch

    Tín dụng xanh 'bắt tay' nông nghiệp sạch

    11:01, 27/03/2019

  • Đầu tư vào năng lượng mặt trời được hỗ trợ Tín dụng Xanh

    Đầu tư vào năng lượng mặt trời được hỗ trợ Tín dụng Xanh

    14:43, 18/06/2019

Trở ngại cho vay các dự án xanh

Để hoàn thành cấp tín dụng cho phát triển kinh tế xanh, thời gian qua, NHNN đã ban hành rất nhiều chính sách hướng đến phát triển xanh bền vững: Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Hay như Quyết định số 1552/QĐ-NHNN về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020...

Theo các chuyên gia, việc củng cố thị trường cho vay xanh là cần thiết để giúp Việt Nam chuyển sang mô hình tăng trưởng bền vững. Năm 2020, VPBank trở thành tổ chức tài chính đầu tiên tại Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn quốc tế toàn diện về cho vay xanh, mang đến tín hiệu tích cực cho thị trường cũng như cho các nhà đầu tư quốc tế.

TS. Cấn Văn Lực- Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, ngành Ngân hàng đóng vai trò trọng yếu trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư. Tuy nhiên đến thời điểm này, việc đầu tư vào lĩnh vực xanh của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình cấp tín dụng cho các dự án trên, BIDV và nhiều ngân hàng đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí bảo vệ môi trường, đánh giá tác động của dự án môi trường xã hội. Đây là yêu cầu bắt buộc trong quá trình thẩm định các dự án liên quan đến lĩnh vực xanh.

Tuy nhiên, việc cấp tín dụng xanh còn nhiều vướng mắc như cơ chế ưu đãi chưa rõ, chi phí đầu tư rất lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài. Hơn nữa, nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn, trung hạn mà đầu tư cho dự án xanh lại đòi hỏi dài hạn. Điều này khiến các ngân hàng gặp khó khăn về nguồn vốn cho vay. 

Ông Nguyễn Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho biết thêm, hệ thống ngân hàng đang gặp phải khó khăn khi triển khai tín dụng xanh như hướng dẫn về danh mục các ngành, lĩnh vực xanh chưa có các tiêu chí cụ thể để các TCTD căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Trong thời gian tới, để khuyến khích các ngân hàng, cũng như các chủ đầu tư tích cực tham gia các dự án xanh, BIDV đề xuất không tính nguồn vốn cho vay dự án xanh, sạch vào tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn; ưu đãi tái cấp vốn, tái chiết khấu. Bên cạnh đó, NHNN cần xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với phần nguồn vốn ngân hàng huy động để cho vay dự án xanh.

Về phía các ngân hàng, việc rà soát, chọn lọc hồ sơ các dự án cần thận trọng để hạn chế rủi ro môi trường - xã hội khi cấp tín dụng xanh; đồng thời tạo cơ chế tài chính bền vững về thời hạn, lãi suất, thủ tục bảo lãnh…

Khi vay tín dụng xanh từ các ngân hàng, các doanh nghiệp cần tìm hiểu chính sách ưu đãi, hỗ trợ về lãi suất, thủ tục vay vốn, tài sản đảm bảo để tăng cường đầu tư vào dự án thân thiện với môi trường. Đồng thời doanh nghiệp cần sự kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để tìm kiếm các nhu cầu đầu tư xanh cùng hợp tác triển khai như trường hợp của VPBank bắt tay với các tổ chức quốc tế đưa dòng vốn tín dụng xanh đến tận tay các doanh nghiệp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngân hàng “bung” tín dụng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO