Chính sách tiền tệ, thắt chặt hay nới lỏng đều khó
Dịch bệnh do chủng mới của virus corona không chỉ đang gây ra những hiệu ứng sợ hãi từ xã hội, mà còn khiến nền kinh tế có nguy cơ đối mặt với những thiệt hại khó đong đếm được trong giai đoạn tới.
Một hệ quả rõ ràng nhất là nó khiến đời sống xã hội, những sinh hoạt thường nhật đang bị đảo lộn, giá cả một số hàng hóa, dịch vụ y tế tăng phi mã, gây nên những bức xúc, khiến rủi ro tiềm ẩn ngày càng gia tăng và có thể đẩy các lựa chọn chính sách vào thế kẹt.
Chính sách tiền tệ giữa “ngã ba đường”
Trước áp lực lạm phát đang mạnh dần kể từ quí 4-2019 đến nay, thêm đại dịch corona được cho sẽ làm các hoạt động thương mại trì trệ, hệ quả là giá cả hàng hóa, cả nhập khẩu và nội địa, leo thang, giá các tài sản nhạy cảm với nền kinh tế như vàng hay đô la Mỹ đang có dấu hiệu tăng, một số ý kiến cho rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ là cần thiết trong thời gian tới để ngăn ngừa rủi ro bất ổn vĩ mô.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng dịch bệnh khi ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, chuỗi cung ứng bị gián đoạn sẽ đẩy hoạt động sản xuất vào tình trạng ngưng trệ, các lĩnh vực như hàng không, du lịch, bán lẻ... bị tác động tiêu cực sẽ khiến tăng trưởng suy giảm, do đó cần phải nới lỏng chính sách để kích thích kinh tế nhằm duy trì đà tăng trưởng. Thậm chí đã bắt đầu xuất hiện những ý kiến kêu gọi Chính phủ sớm tung ra các gói kích thích tiền tệ mới để hỗ trợ nền kinh tế, ngăn chặn sự giảm tốc.
Thực tế nhiều nền kinh tế trong khu vực đã sớm có động thái nới lỏng để đối phó với đại dịch lần này. Ngày 3-2 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã quyết định bơm 1.200 tỉ nhân dân tệ, tương đương 174 tỉ đô la Mỹ vào hệ thống tài chính để giải cứu nền kinh tế đang lao đao vì dịch do chủng mới của virus corona (nCoV).
Ngày 5-2, đến lượt Ngân hàng Trung ương Thái Lan hạ lãi suất xuống còn 1%, đánh dấu lần cắt giảm thứ 3 trong 5 cuộc họp gần đây nhất, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, vốn có sự đóng góp rất lớn của ngành du lịch nhưng ngành này đã, đang và sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh gây ra.
Về phía Việt Nam, đến thời điểm này Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng sớm kêu gọi các ngân hàng phải giữ ổn định lãi suất và hỗ trợ các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi dịch bệnh corona, qua Công văn số 541/NHNN-TD ban hành ngày 4-2.
Theo đó, NHNN chỉ đạo các ngân hàng phải chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu... để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay... theo quy định pháp luật hiện hành.
Với các quan điểm trên, không loại trừ khả năng chính sách tiền tệ có thể rơi vào tình thế mắc kẹt. Cụ thể, nếu thắt chặt để ngăn ngừa bất ổn vĩ mô sẽ càng tác động xấu đến tăng trưởng, vốn đã bị ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh. Đó là chưa nói đến việc có thể làm tăng giá tiền đồng, ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh các đồng tiền khác tiếp tục bị phá giá, đơn cử như đồng baht của Thái Lan và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã mất giá rất mạnh từ đầu năm đến nay.
Ngược lại, nếu tiếp tục nới lỏng lại có thể càng gây áp lực lạm phát vốn đã tăng trở lại gần đây, mà hệ quả sẽ dẫn đến những bất ổn lớn hơn và xóa nhòa thành quả tăng trưởng đạt được. Rõ ràng việc bơm tiền là rất dễ đối với các ngân hàng trung ương, quan trọng là tiền đó sẽ được sử dụng như thế nào, có đến được người cần và đáp ứng được nhu cầu, cũng như đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra.
Có thể bạn quan tâm
[NỚI LỎNG TIỀN TỆ] Chính sách tiền tệ với "cuộc chiến" chống COVID-19
11:01, 17/02/2020
[NỚI LỎNG TIỀN TỆ] Lãi suất cho vay còn dư địa giảm sâu?
05:20, 17/02/2020
[NỚI LỎNG TIỀN TỆ] "Tiếp sức” cho doanh nghiệp chống dịch COVID-19
11:02, 14/02/2020
[NỚI LỎNG TIỀN TỆ] Cần thêm cơ chế cho ngân hàng hỗ trợ thiệt hại do dịch cúm COVID-19
05:30, 07/02/2020
[NỚI LỎNG TIỀN TỆ] Ngân hàng vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch COVID-19
12:06, 06/02/2020
[NỚI LỎNG TIỀN TỆ] Ngân hàng sẽ xem xét tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do dịch COVID-19
09:26, 05/02/2020
Một số e ngại
Trong trường hợp lựa chọn chính sách nới lỏng, có một số vấn đề cần phải được cân nhắc. Nếu nới lỏng bằng cách mở rộng cung tiền, nới tăng trưởng tín dụng như một số đề xuất gần đây, thì câu hỏi đặt ra là liệu có được nền kinh tế hấp thụ hết.
Trước triển vọng kinh tế u ám, mọi quyết định đầu tư, sản xuất mới đang dè chừng nhìn vào cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay, sức cầu đang và sẽ còn có nguy cơ suy giảm, có lẽ ít doanh nghiệp nào dám đẩy mạnh vay vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh trong thời gian này. Như vậy, mở rộng thanh khoản và nới tín dụng liệu có ý nghĩa gì, hay dòng vốn đó lại chạy vào các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán và bất động sản.
Thực tế cho thấy nền kinh tế thời gian qua và cả hiện nay không thiếu tiền. Với dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào ồ ạt trong hai năm qua, NHNN đã mua vào một lượng ngoại tệ lớn và đồng thời bơm một lượng thanh khoản tiền đồng ra thị trường, khiến lượng tiền dư thừa là khá lớn, mà một số ý kiến cho rằng đã gây ra không ít áp lực lên lạm phát thời gian qua.
Minh chứng rõ nhất là nếu như mọi năm, thời điểm cận Tết thanh khoản hệ thống thường thiếu hụt, NHNN phải hỗ trợ cho các ngân hàng, thì trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua NHNN phải hút ròng.
Với đánh giá trên, có lẽ một gói kích thích tiền tệ cũng chưa thật sự cần thiết, vì có thể mang lại những hệ quả không mong muốn như gói kích thích năm 2009 để đối phó khủng hoảng, khi nguồn vốn không những đã không chảy được vào hoạt động sản xuất mà ngược lại còn rót vào các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán.
Rõ ràng, khi các doanh nghiệp không muốn, hay không dám vay tiền trong thời buổi rủi ro, nhưng các ngân hàng vì được bơm vốn rẻ nên cứ thế tìm cách “ấn tiền vào” cho khách hàng vay, thì việc sử dụng vốn sai mục đích hoặc đầu tư tràn lan, dễ dãi mà không cân nhắc, đánh giá kỹ các nguy cơ sẽ càng khiến nợ xấu có thể bùng lên trở lại, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc giữ ổn định và tìm cách giảm thêm lãi suất, một dấu hiệu khác của nới lỏng tiền tệ, sẽ có ý nghĩa nhiều hơn trong việc hỗ trợ nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, cũng như để giữ lửa cho cầu tiêu dùng của toàn xã hội. Hơn thế nữa, việc giảm thêm lãi suất lựa chọn nhắm vào các lĩnh vực, đối tượng, phân khúc khách hàng cụ thể là điều nằm trong tầm tay của nhà điều hành lẫn các ngân hàng. Ở góc độ quản lý chung, NHNN vẫn còn hạn mức điều tiết ở một số công cụ như lãi suất điều hành hay trần lãi suất cho vay.
Đối với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng, thay vì sử dụng các gói kích thích tiền tệ mà có thể mang lại nguy cơ và hệ quả không mong muốn, Chính phủ nên mở rộng, kích thích chính sách tài khóa đi đôi với nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, mà các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng có lẽ là lựa chọn phù hợp trong thời điểm hiện nay vì có sức lan tỏa lớn đến các ngành khác trong nền kinh tế.
Lựa chọn này cũng có thể giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt cổ chai tại một số khu vực đang có đà phát triển kinh tế mạnh nhưng lại bị hạn chế về cơ sở hạ tầng, không đáp ứng được yêu cầu phát triển cho giai đoạn kế tiếp, nhất là khi dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục dịch chuyển sang Việt Nam.