Mặc dù đánh giá cao sự nhanh chóng vào cuộc của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại vì dịch cúm Corona, song các chuyên gia cho rằng, cần có những quy định cụ thể hơn.
Hỗ trợ kịp thời
Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân; để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ và Thống đốc NHNN.
Đồng thời, các TCTD chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch Corona, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu,... để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, … theo quy định pháp luật hiện hành.
Ngay sau khi văn bản này của NHNN được ban hành, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng nhập cuộc hỗ trợ các khách hàng vay vốn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Corona. Theo đó, ABBank đã dành ra 4.000 tỷ đồng triển khai chương trình nguồn vốn chi phí thấp, ưu đãi lãi suất cho vay dành cho khách hàng nhằm giúp tháo gỡ khó khăn về vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho khách hàng. Trong khi HDBank miễn 100% mức phí thanh toán quốc tế theo biểu phí chuyển tiền quốc tế và tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng dược và vật tư y tế nhằm góp phần đảm bảo việc cung ứng và bình ổn giá các mặt hàng phòng chống dịch Corona…
TS.Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, việc NHNN đưa ra văn bản chỉ đạo các TCTD có các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh là vô cùng cần thiết và kịp thời trong thời điểm này. Chính vì thế, các TCTD cần phải nghiêm túc thực hiện yêu cầu của NHNN để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh trong dài hạn.
Có thể bạn quan tâm
12:06, 06/02/2020
12:00, 06/02/2020
09:26, 05/02/2020
Cần quy định cụ thể hơn
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng, các ngân hàng cần có sự thẩm định chuẩn xác đối với những doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch cúm Corona để có thể đưa giải pháp phù hợp, tránh trường hợp có những đối tượng lợi dụng để được hưởng lợi dù không chịu tác động từ dịch bệnh.
Cũng có chung quan điểm như vậy, song một chuyên gia ngân hàng cho rằng, NHNN cần phải có những quy định cụ thể hơn để các TCTD dễ thực hiện. “Hiện có rất nhiều doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng khi dịch Corona bùng phát tại Trung Quốc. Dễ nhận thấy nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Thế nhưng, không chỉ những đối tượng này mà cả những doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường khác cũng bị ảnh hưởng”, vị chuyên gia này cho biết.
Sở dĩ như vậy là bởi nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, thậm chí là sản xuất hàng điện tử… hiện đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Khi nguồn cung bị gián đoạn chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp này. Lẽ đương nhiên khi sản xuất, xuất khẩu bị đình trệ, doanh nghiệp sẽ không có nguồn thu để trả nợ ngân hàng.
“Đối tượng bị ảnh hưởng là rất lớn. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có những tiêu chí cụ thể về đối tượng, mức độ thiệt hại… thì các ngân hàng mới có cơ sở để thực hiện, có những giải pháp hỗ trợ phù hợp và đến đúng đối tượng cần được hỗ trợ. Điều đó cũng sẽ góp phần giảm thiểu được các hành vi trục lợi từ chính sách ý nghĩa này”, vị chuyên gia này nhấn thêm.
Bên cạnh đó, NHNN cũng cần có cơ chế khuyến khích các ngân hàng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn. Theo đó, nên cho phép các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ do doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Corona. Nếu không, nợ xấu của không ít ngân hàng sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Bởi theo quy định hiện hành, các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu hoặc các khoản nợ được miễn giảm lãi vay do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng sẽ bị phân vào nợ nhóm 3, tức nằm trong nhóm nợ xấu.
Ngoài ra, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nên có chính sách đồng bộ đối với cả ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và ngân hàng - tài chính. Tất cả đều cần chung tay hành động, như có thể xem xét giảm thuế, hay giảm lãi suất cho doanh nghiệp… “Ngành Công thương một mặt cần có tác động kịp thời trong đàm phán để có thêm cơ hội mở rộng thị trường, mặt khác có động thái cụ thể thúc đẩy thị trường trong nước, có thể mua dự trữ nông phẩm…”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.