[NỚI LỎNG TIỀN TỆ] Chính sách tiền tệ với "cuộc chiến" chống COVID-19

Hà Anh 17/02/2020 15:01

Trong bối cảnh dịch cúm Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo giảm đà tăng trưởng kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng chính sách tiền tệ cần được nới lỏng hơn để hỗ trợ nền kinh tế.

Dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều ngành, như du lịch, vận tải hàng không, dệt may, bán lẻ…, khiến mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% mà Chính phủ đề ra trong năm 2020 đang bị đe dọa.

br class=

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị về các giải pháp tín dụng, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nguồn: NHNN

Nới... để kích

Theo hai kịch bản mà Bộ Kế hoạch – Đầu tư vừa đưa ra có tính đến tác động của dịch COVID-19, thì tăng trưởng GDP năm nay cao nhất cũng chỉ ở mức 6,27%. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ thận trọng cùng với mở rộng tài khóa nhằm giảm thiểu rủi ro đối với doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ông Đào Tấn Hải, Đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp da giày tại Hà Nội, cho biết dịch cúm COVID-19 đã và đang khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp da giày gặp rất nhiều khó khăn. “Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần xem xét hỗ trợ giảm thuế, giảm lãi suất cho vay, thậm chí xem xét khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp vượt qua thời kỳ dịch bệnh”, ông Hải kiến nghị.

TS. Nguyễn Trí Hiếu- Chuyên gia tài chính cho rằng, nền kinh tế năm nay gặp nhiều thử thách hơn năm ngoái, vì thế một chính sách tiền tệ nới lỏng là cần thiết. Trong đó, cần tìm cách giảm lãi suất, đồng thời triển khai các gói hỗ trợ của NHNN đối với một số đối tượng của nền kinh tế.

Nhìn sang các quốc gia trong khu vực, NHTW nhiều nước cũng đã thực hiện các biện pháp nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Đơn cử, NHTW Thái Lan mới đây đã giảm lãi suất xuống còn 1%, Philippines cũng giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống còn 3,75%, trong khi Cơ quan Tiền tệ Singapore mới đây cũng tuyên bố có thể giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế…

Có thể bạn quan tâm

  • [NỚI LỎNG TIỀN TỆ] Lãi suất cho vay còn dư địa giảm sâu?

    [NỚI LỎNG TIỀN TỆ] Lãi suất cho vay còn dư địa giảm sâu?

    05:20, 17/02/2020

  • [NỚI LỎNG TIỀN TỆ]

    [NỚI LỎNG TIỀN TỆ] "Tiếp sức” cho doanh nghiệp chống dịch COVID-19

    11:02, 14/02/2020

  • [NỚI LỎNG TIỀN TỆ] Cần thêm cơ chế cho ngân hàng hỗ trợ thiệt hại do dịch cúm COVID-19

    [NỚI LỎNG TIỀN TỆ] Cần thêm cơ chế cho ngân hàng hỗ trợ thiệt hại do dịch cúm COVID-19

    05:30, 07/02/2020

  • [NỚI LỎNG TIỀN TỆ] Ngân hàng vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch COVID-19

    [NỚI LỎNG TIỀN TỆ] Ngân hàng vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch COVID-19

    12:06, 06/02/2020

  • [NỚI LỎNG TIỀN TỆ] Ngân hàng sẽ xem xét tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do dịch COVID-19

    [NỚI LỎNG TIỀN TỆ] Ngân hàng sẽ xem xét tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do dịch COVID-19

    09:26, 05/02/2020

Phối hợp chính sách tiền tệ với tài khóa

Giá dầu thế giới giảm mạnh do dịch COVID-19 có nguy cơ làm giảm áp lực lạm phát cũng là một cơ hội để NHNN có thể mạnh dạn hơn trong việc nới lỏng tiền tệ. “Dịch COVID-19 có tác động giảm phát lên phần lớn giá hàng hoá và dịch vụ do nhu cầu tiêu dùng suy giảm. Đó có thể là động lực cho chính sách tiền tệ nới lỏng hơn từ NHNN”, Công ty Chứng khoán MB nhận định.

Mặc dù chưa tuyên bố, nhưng những động thái gần đây của NHNN cho thấy nhà điều hành đang có thiên hướng nới lỏng hơn chính sách tiền tệ. Theo đó, NHNN đã có văn bản yêu cầu các TCTD chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay…

“NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM. Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tiếp tục cho vay mới sẽ khiến dư nợ tín dụng tăng nhanh hơn. Trong khi việc bơm thêm thanh khoản để hỗ trợ các nhà băng ổn định lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay, xét ở một góc độ nào đó, cũng là một biện pháp nới lỏng tiền tệ.

TS. Cấn Văn Lực- Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, để kích thích tăng trưởng kinh tế bù đắp sự suy giảm cán cân thương mại có thể trông đợi từ các gói kích cầu, nhưng cần đúng đối tượng và hỗ trợ lãi suất chỉ dành cho các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. “Việc phối hợp các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là cực kỳ cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro đối với nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay”, ông Lực nhấn mạnh.

Hà Anh