[GÓI HỖ TRỢ 285 NGÀN TỶ ĐỒNG] Cách nào thực thi gói hỗ trợ tín dụng?
Mặc dù ghi nhận và đánh giá cao sự đồng hành của ngân hàng nhằm hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song giới chuyên gia vẫn tỏ ra băn khoăn về khả năng hấp thụ hiệu quả của gói hỗ trợ này.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, mà trọng tâm là gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng.
Trách nhiệm kép
Các ngân hàng cũng nhanh chóng vào cuộc như BIDV đăng ký hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Agribank 100 tỷ đồng, MB 35.000 tỷ đồng, ACB 15.000 tỷ đồng… Vụ tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN Việt Nam cho biết, hiện các ngân hàng đang xây dựng gói hỗ trợ tín dụng với quy mô 285.000 tỷ đồng. Bình quân lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ giảm 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường. Việc hỗ trợ này hoàn toàn đến từ các ngân hàng và không dùng nguồn ngân sách.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nếu như gói hỗ trợ tài khóa thể hiện trách nhiệm của Nhà nước với doanh nghiệp thì gói hỗ trợ tín dụng thể hiện trách nhiệm của ngân hàng với doanh nghiệp.
Theo đó, không chỉ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ… mà các ngân hàng còn dành một lượng tín dụng không nhỏ để cho vay mới với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi để cho vay với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung, các ngân hàng sẽ phải tiết giảm tối đa chi phí, thậm chí hy sinh lợi nhuận.
Băn khoăn khả năng hấp thụ
Mặc dù ghi nhận và đánh giá cao sự đồng hành, chia sẻ của các ngân hàng, song điều mà các chuyên gia băn khoăn là liệu gói hỗ trợ tín dụng có phát huy hiệu quả như mong muốn. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính, hiện nay hoạt động của nhiều doanh nghiệp đang bị ngừng trệ, vì vậy nhu cầu vay vốn trên thị trường không nhiều.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, một chuyên gia cho biết, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là sản xuất bị đình trệ do thiếu nguyên vật liệu do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, hoặc hàng hóa làm ra không xuất khẩu được do sức cầu sụt giảm vì dịch bệnh. Về phía ngân hàng cũng vậy, họ có thể giảm lãi suất, có thể cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nhưng đối với việc cho vay mới chắc chắn là các nhà băng sẽ phải cân nhắc cẩn trọng đối tượng khách hàng trước khi giải ngân nếu không muốn nợ xấu gia tăng trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp khó hấp thu ngay gói hỗ trợ 285 nghìn tỷ đồng
18:45, 11/03/2020
Sắp có gói tín dụng hỗ trợ thiệt hại dịch COVID-19 trị giá 285.000 tỷ đồng
10:37, 05/03/2020
[COVID-19] Doanh nghiệp cầm cự... chờ gói hỗ trợ
15:33, 13/03/2020
[COVID-19] Nhiều nước tung gói hỗ trợ tài chính tiếp sức nền kinh tế
11:00, 12/03/2020
Đằng sau gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng là gì?
22:05, 08/03/2020
Về bản chất, nguồn vốn của các ngân hàng được hình thành từ nguồn tiền gửi tiết kiệm của dân cư. Vì vậy, ưu tiên số một đối với các ngân hàng vẫn là đảm bảo an toàn đồng vốn.
Đồng tình, ông Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Vietnam đề xuất, gói hỗ trợ tín dụng không chỉ nên dành cho các doanh nghiệp chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch vì nhu cầu và năng lực hấp thu vốn mới của các doanh nghiệp này rất thấp. Thay vào đó cần hướng tới cả các doanh nghiệp không chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch, những doanh nghiệp có khả năng phát triển tốt.