Vì sao FED tiếp tục bất ngờ giảm mạnh lãi suất?

Nguyễn Long 16/03/2020 15:04

FED vừa bất ngờ thông báo cắt giảm lãi suất cơ bản về gần 0% trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang chao đảo vì dịch COVID-19.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.

Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn chỉ trích Chủ tịch FED về việc điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua

Sáng sớm ngày 16/3 theo giờ Việt Nam, FED đã bất ngờ quyết định hạ lãi suất cơ bản từ 1-1,25% xuống còn 0-0,25%. Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tuần FED hạ lãi suất cơ bản và cũng là lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 FED giảm lãi suất xuống mức thấp như vậy.

Bên cạnh việc hạ lãi suất, trong cùng ngày FED cũng tuyên bố sẽ mua ít nhất 500 tỷ USD trái phiếu kho bạc và ít nhất 200 tỷ USD chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp trong những tháng tới, tăng tổng số lượng trái phiếu nắm giữ lên ít nhất thêm 700 tỷ USD nữa. 

FED cũng cho biết sẽ xoá bỏ hạn mức yêu cầu dự trữ cho các ngân hàng bắt đầu từ ngày 26/3 tới, đồng thời khuyến khích các ngân hàng sử dụng chính sách cho vay khẩn cấp để có thể tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng hơn. Cả hai động thái được thiết kế để đảm bảo các ngân hàng có đủ lượng tiền mặt trong tay để người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể đi vay. 

Đặc biệt, FED cùng với các ngân hàng trung ương của Canada, Anh, Nhật Bản, EU và Thuỵ Sĩ, sẽ giảm giá các giao dịch chuyển đổi thanh khoản bằng USD để đảm bảo tính thanh khoản của đồng USD trên toàn thế giới. 

Theo FED, động thái nói trên của cơ quan này diễn ra trong bối cảnh dịch COVID—19 đã gây tổn hại cho cộng đồng và làm gián đoạn hoạt động kinh tế ở nhiều nước, trong đó có Mỹ. Điều kiện tài chính toàn cầu cũng bị ảnh hưởng đáng kể. FED cho biết sẽ duy trì khoảng lãi suất thấp mới này cho đến khi nào chắc chắn nền kinh tế đã vượt qua khó khăn hiện nay. 

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, mục đích cắt giảm lãi suất của FED nhằm hỗ trợ đối với nền kinh tế Mỹ, tăng cho vay chiết khấu với các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, động thái này của FED sẽ có độ trễ nhất định.

“Việc FED hạ lãi suất khẩn cấp liên tục trong 2 tuần qua cho thấy dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực đến thị trường tài chính và nền kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, nó còn thể hiện khả năng kinh tế Mỹ sẽ tương đối xấu trong thời gian tới. Việc hạ lãi suất sẽ khiến USD giảm giá và tác động đến tỷ giá đồng bạc xanh” – TS.Cấn Văn Lực cho biết.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng, có hai nguyên nhân dẫn đến quyết định trên của FED. Thứ nhất, do tác động của dịch bệnh COVID-19, không chỉ Mỹ mà các quốc gia khác đều bị ảnh hưởng cả hai phía cung-cầu hàng hóa, và để giảm thiểu tác động từ cuộc khủng hoảng này FED đã giảm lãi suất, nghĩa là bơm một lượng tiền lớn vào lưu thông bằng chính sách tiền tệ nới lỏng, từ đó phần nào giảm tác động dịch cúm và tác động trên cuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như cân bằng trên thị trường hàng hóa thế giới.

Thứ hai, nguyên nhân giảm lãi suất của FED có thể từ yếu tố chính trị. FED có khả năng bị tác động mạnh từ Tổng thống Mỹ Donald Trump khi cuối tuần qua ông Trump bày tỏ sự không hài lòng với việc điều hành chính sách tiền tệ của FED, dù FED vẫn độc lập với Chính phủ liên bang.

Có thể bạn quan tâm

  • Giá vàng tuần từ 16- 20/3: Cẩn trọng quyết định của FED

    Giá vàng tuần từ 16- 20/3: Cẩn trọng quyết định của FED

    04:50, 15/03/2020

  • Tác động giảm lãi suất của FED không lớn

    Tác động giảm lãi suất của FED không lớn

    11:00, 07/03/2020

  • FED hạ lãi suất tác động thế nào đến thị trường tài chính Việt Nam?

    FED hạ lãi suất tác động thế nào đến thị trường tài chính Việt Nam?

    16:42, 06/03/2020

  • Fed đã hành động, Việt Nam thì sao và sẽ thế nào?

    Fed đã hành động, Việt Nam thì sao và sẽ thế nào?

    08:01, 04/03/2020

Về tác động của động thái nói trên của FED đối với nền kinh tế thế giới, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, chính sách nới lỏng định lượng và giảm lãi suất của FED chỉ phần nào tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Mỹ trong dịch COVID-19. Dịch bệnh này không chỉ tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, mà còn làm đảo lộn cung – cầu hàng hóa trên thị trường, khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn do nhiều quốc gia đóng cửa biên giới. Nhiều quốc gia, trong đó có cả Mỹ nguồn cung-cầu hàng hóa đều đang giảm xuống rất mạnh. 

Đối với thị trường tài chính- tiền tệ, việc FED giảm lãi suất sẽ khiến USD giảm, qua đó làm hạ nhiệt tỷ giá USD/VND. Còn với lãi suất, lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng sẽ có xu hướng giảm đồng pha với lãi suất của FED. Tương ứng, NHNN có thể sẽ tiếp tục có những biện pháp thông qua hoạt động thị trường mở nhằm điều chỉnh lãi suất VND liên ngân hàng giảm tương ứng với lãi suất của USD, hạn chế chênh lệch lãi suất giữa VND và USD. Với áp lực lạm phát giảm do giá dầu giảm, cộng với động thái mới nhất của FED, NHNN có thể xem xét giảm một số lãi suất điều hành như lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn... nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có nguồn vốn giá rẻ cho vay ra thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch. 

Nguyễn Long