Tỷ giá chưa vơi sức ép
Dù FED giảm mạnh lãi suất về 0- 0,25%, song tỷ giá USD/VND vẫn đối mặt với nhiều áp lực trước sự biến động của các đồng tiền mạnh, đặc biệt là đồng USD.
Cuộc đua về đáy
Ngày 15/3 FED lại gây bất ngờ cho thị trường khi tiếp tục cắt giảm mạnh lãi suất cho vay qua đêm về còn 0- 0,25%. Đây là lần thứ hai FED thực hiện cắt giảm lãi suất bên ngoài một cuộc họp chính sách và mức cắt giảm cũng rất lớn, đưa lãi suất xuống tương đương với mức mà FED đã duy trì trong suốt một thập kỷ để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Chưa dừng lại ở đó, FED còn triển khai một chương trình nới lỏng định lượng trị giá 700 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ chống lại những tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
Quyết định này của FED được đưa ra sau khi đã có khá nhiều NHTW lớn khác cũng đã nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế của mình như NHTW châu Âu, NHTW Anh, NHTW Canada, NHTW Trung Quốc... Trong đó, NHTW Canada cuối tuần trước cũng tiếp tục cắt giảm lãi suất lần thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày.
Đồng USD trên thị trường thế giới vì thế cũng biến động liên tục theo quyết sách của các NHTW. Theo đó, sau khi lập đỉnh 2,5 năm vào ngày 20/2, USD đã quay đầu giảm mạnh khi FED cắt giảm lãi suất.
Hiện chỉ số USD đang xoay quanh 98,2 điểm, giảm 0,54% so với trước khi quyết định giảm lãi suất lần thứ hai của FED được công bố.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đà giảm của đồng USD có thể chỉ là tạm thời bởi quyết định này của FED đang châm ngòi cho một cuộc đua về đáy. Trong khi FED đã cạn dư địa chính sách thì nhiều NHTW lớn khác vẫn có thể cắt giảm thêm. Chưa kể, hiện các nhà đầu tư vẫn đang xem đồng USD là một tài sản an toàn để trú ẩn trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng.
Trên thực tế, ngay sau quyết định cắt giảm lãi suất lần hai của FED, NHTW New Zealand cũng đã cắt giảm mạnh lãi suất 75 điểm cơ bản xuống còn 0,25%; NHTW Úc bơm thêm thanh khoản vào hệ thống… Cuộc đua về đáy chắc chắn còn chưa dừng lại và các đồng tiền lớn sẽ còn biến động.
Nhiều áp lực bủa vây
Sự biến động của đồng USD và nhiều đồng tiền chủ chốt khác trên thị trường thế giới cũng đang tạo nhiều sức ép đến tỷ giá trong nước. Trên thực tế, tỷ giá tuần qua cũng có xu hướng tăng theo đà phục hồi của đồng USD thế giới.
Do độ trễ của các thị trường nên sáng ngày 16/3 tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng 10 đồng lên 23.222 đồng/USD, cao hơn 12 đồng so với mức đáy ngày 10/3. Giá mua vào USD của các ngân hàng dao động xung quanh mức 23.130 đồng/USD, trong khi giá bán ra xoay quanh 23.290 đồng/USD, tăng 30 đồng mỗi chiều so với ngày 10/3.
Mặc dù sự đảo chiều của USD trên thị trường thế giới có thể làm vơi đi phần nào áp lực đến tỷ giá trong nước, song như trên đã phân tích, điều đó chỉ là tạm thời bởi biến động của đồng USD trên thị trường thế giới vẫn rất khó lường và phụ thuộc nhiều vào quyết sách của các NHTW lớn khác.
Bên cạnh đó, diễn biến của đồng Nhân dân tệ (CNY) cũng sẽ tạo thêm áp lực đến tỷ giá trong nước. Cuối tuần trước, NHTW Trung Quốc đã quyết định cắt giảm tiếp tỷ lệ dự trữ bắt buộc để bơm thêm thanh khoản cho các ngân hàng. Điều này chắc chắn sẽ tạo áp lực giảm giá cho CNY.
Trong khi đó, áp lực đến tỷ giá xuất phát từ nội tại nền kinh tế cũng không hề nhỏ. Điều đầu tiên phải nói tới chính là lạm phát. Mặc dù CPI tháng 2 giảm 0,17% so với tháng trước, tuy nhiên nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 2 tăng tới 5,4% và CPI bình quân 2 tháng đầu năm tăng tới 5,91%, đều là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây.
Có thể bạn quan tâm
Hiệu ứng bất ngờ của tỷ giá
05:00, 09/03/2020
“Phá sản” kịch bản tỷ giá 2020
12:00, 03/03/2020
Tỷ giá cũng bật tăng vì dịch nCoV-2019
11:44, 11/02/2020
Tỷ giá bật tăng mạnh vì đâu?
05:40, 01/02/2020
Điều hành tỷ giá linh hoạt để tránh "bẫy thao túng tiền tệ"
05:30, 16/01/2020
Thêm "điểm tựa" cho tỷ giá
13:25, 15/01/2020
Tỷ giá sẽ biến động ra sao trong năm 2020?
05:17, 10/01/2020
Sức ép tỷ giá còn đến từ việc chính sách tiền tệ trong nước cũng đang có xu hướng được nới lỏng hơn để hỗ trợ nền kinh tế. Phát biểu tại buổi họp báo mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng đã hé lộ khả năng NHNN có thể cắt giảm các mức lãi suất điều hành.
Trong khi đó, nguồn cung ngoại tệ năm nay cũng được dự báo sẽ không được dồi dào như các năm trước do xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đều gặp khó vì dịch COVID-19. Xem ra, áp lực đến tỷ giá trong nước thời gian tới là không hề nhỏ và cũng rất khó lường. Mặc dù, nhiều chuyên gia vẫn tự tin với kinh nghiệm điều hành và nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào, NHNN đủ sức can thiệp để duy trì tỷ giá năm nay sẽ chỉ biến động trong khoảng 1-2%.
“Các áp lực có thể gia tăng nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi nhưng nhìn về dài hạn, các công cụ hỗ trợ ổn định tỷ giá vẫn còn nhiều dư địa và vì vậy chưa có cơ sở để lo lắng về sự mất giá quá mạnh của VND”, Công ty chứng khoán SSI nhận định.
Trước diễn biến khó lường của tỷ giá, các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp cần sử dụng tối đa các công cụ phái sinh, như giao dịch kỳ hạn, hoán đổi ngoại tệ… để phòng ngừa rủi ro tỷ giá.