Tỷ giá bật tăng mạnh vì đâu?

Hà Anh 01/02/2020 05:40

Tỷ giá trung tâm đã tăng tới 26 đồng so với trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trong khi giá mua bán USD tại các ngân hàng cũng tăng thêm 25-30 đồng/USD.

Biểu đồ diễn biến tỷ giá USD/VND

Biểu đồ diễn biến tỷ giá USD/VND

Biến động lạ

Thị trường ngoại hối trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày đã chứng kiến nhiều biến động trái ngược hoàn toàn với xu hướng tình lặng của giai đoạn trước đó.

Theo đó, tỷ giá trung tâm đã được NHNN điều chỉnh tăng tới 15 đồng, từ mức 23.170 đồng/USD lên 23.185 đồng/USD trong phiên ngày 30/1 và tiếp tục tăng thêm 11 đồng lên 23.196 đồng/USD trong phiên giao dịch ngày 31/1.

Như vậy chỉ trong hai phiên giao dịch đầu năm mới Canh Tý, tỷ giá trung tâm đã tăng tới 26 đồng. Đây là một điều khá lạ khi mà thời gian gần đây tỷ giá trung tâm dù liên tục được điều chỉnh tăng, song mức tăng của mỗi phiên là khá nhỏ, chỉ từ 3-5 đồng/USD; đặc biệt rất hiếm khi thấy tỷ giá trung tâm được tăng mạnh trong hai phiên liên tiếp như vậy.

Với mức tỷ giá trung tâm như vậy, hiện tỷ giá trần là 23.892 đồng/USD, còn tỷ giá sàn là 22.500 đồng/USD. Giá bán ra USD tại Sở Giao dịch NHNN cũng được nâng lên 23.842 đồng/USD, thấp hơn tỷ giá trần 50 đồng; trong khi giá mua vào vẫn được duy trì ở mức 23.175 đồng/USD.

Thị trường ngoại tệ cũng có nhiều dấu hiệu lạ. Sau nhiều ngày tĩnh lặng giai đoạn trước kỳ nghỉ Tết, giá mua - bán USD của các ngân hàng cũng nhanh chóng được nâng lên. Hiện giá bán ra USD cao nhất đã được đẩy lên mức 23.303 đồng/USD, cao hơn tới 60 đồng so với trước kỳ nghỉ Tết. Trong khi giá mua vào cao nhất cũng tăng lên mức 23.153 đồng/USD. Còn giá mua vào USD tại các nhà băng phổ biến trong khoảng 23.100 – 23.153 đồng/USD; trong khi giá bán chạy từ 23.265 đến 23.303 đồng/USD.

Đáng chú ý, tỷ giá có sự khác biệt lớn giữa các nhà băng và có thể vì thế nên nhiều ngân hàng liên tục thay đổi biểu tỷ giá. Đơn cử như trong ngày 31/1, Sacombank đã thay đổi giá mua bán đồng bạc xanh tới 4 lần, trong khi trước đó nhà băng này chỉ thay đổi khoảng 2-3 lần trong ngày. Đặc biệt chênh lệch giữa giá bán và giá mua đã được các nhà băng nới rộng lên khoảng 150 – 170 đồng/USD, một mức chênh lệch kỷ lục cho thấy bản thân các ngân hàng cũng lo ngại rủi ro.

Một điểm đáng chú ý nữa là tỷ giá trong nước tăng khá mạnh, cho dù đồng USD trên thị trường thế giới chỉ tăng có 0,05% trong phiên 31/1 lên 97,91 điểm, song vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 98,16 điểm trong phiên ngày 29/1.

Có thể bạn quan tâm

  • Điều hành tỷ giá linh hoạt để tránh

    Điều hành tỷ giá linh hoạt để tránh "bẫy thao túng tiền tệ"

    05:30, 16/01/2020

  • Thêm

    Thêm "điểm tựa" cho tỷ giá

    13:25, 15/01/2020

  • Tỷ giá sẽ biến động ra sao trong năm 2020?

    Tỷ giá sẽ biến động ra sao trong năm 2020?

    05:17, 10/01/2020

  • Ứng phó rủi ro tỷ giá năm 2020

    Ứng phó rủi ro tỷ giá năm 2020

    15:16, 28/12/2019

Nguyên nhân vì đâu?

Theo một chuyên gia ngân hàng, việc tỷ giá trong nước bật tăng mạnh do hội tụ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, đồng USD trên thị trường thế giới cũng tăng khá mạnh trong tháng 1 vừa qua, đặc biệt là trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán của Việt Nam. Tính chung, chỉ số đồng USD đã tăng gần 1,1% trong tháng 1, trong đó từ ngày 22/1 đến nay, chỉ số đồng USD tăng 0,39%. “Do độ trễ nên tỷ giá trong nước bật tăng sau kỳ nghỉ Tết cũng là hợp lý”, vị chuyên gia này cho biết.

Thứ hai, tỷ giá tăng còn do cầu ngoại tệ trong nước tăng, một phần do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng trong dịp Tết tăng, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất cũng tăng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 1/2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 11,29 tỷ USD, tăng 9,4% so với nửa cuối tháng 12.

Thứ ba, cầu ngoại tệ tăng mạnh trong những ngày sau Tết còn do người dân đẩy mạnh mua vào vàng và ngoại tệ sau khi chi dùng không hết tiền mặt trong dịp Tết. Cũng không loại trừ nỗi lo dịch bệnh viêm phổi do virus corona cũng thúc đẩy thêm nhu cầu này.

Thứ tư, cung ngoại tệ lại không còn dồi dào như giai đoạn trước sau khi NHNN đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ để bổ sung cho dự trữ ngoại hối. Theo NHNN Việt Nam, trong năm qua, cơ quan này đã mua vào hơn 20 tỷ USD để bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia, nâng quỹ này lên mức kỷ lục 79,9 tỷ USD, gấp 2,5 lần so với năm 2015.

Tuy nhiên, vị chuyên gia nói trên cũng có chung nhận định như nhiều công ty chứng khoán đó là tỷ giá sẽ tiếp tục tương đối ổn định trong năm 2020. “Nguồn cung ngoại tệ được dự báo sẽ tiếp tục dồi dào nhờ nguồn giải ngân vốn FDI, FII, nguồn kiều hối nên ngay cả khi cán cân thương mại không còn thuận lợn như năm trước thì nguồn cung này vẫn đủ để bù đắp. Trong khi hiện NHNN đã có kinh nghiệm điều hành, công thêm dự trữ ngoại tệ lớn giúp cho NHNN có đủ khả năng can thiệp để ổn định thị trường”, vị chuyên gia này nhận định.

Hơn nữa, Việt Nam vẫn đang nằm trong danh sách giám sát theo dõi thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ cũng khiến cho đồng VND sẽ không bị mất giá quá mạnh trong năm nay.

Với tất cả những lý do trên, hầu hết các tổ chức trong nước và quốc tế đều có chung dự báo, VND chỉ mất giá khoảng 1-2% trong năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tỷ giá bật tăng mạnh vì đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO