[COVID-19] Doanh nghiệp sẽ được vay không lãi để trả lương?

Ngọc Anh 28/03/2020 11:46

Tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 27/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NHNN tiếp tục nghiên cứu việc cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0% để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động…

v

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NHNN nghiên cứu việc cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0% để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thực hiện.

Theo các chuyên gia, đây là một trong những chính sách rất thiết thực nhằm đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm khó khăn, đặc biệt giảm thiểu tình trạng sa thải lao động trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang vắt kiệt sức của doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa, phá sản.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cho vay tái cấp vốn là hình thức NHNN cho các TCTD vay ngắn hạn bằng việc tái cấp vốn của NHNN thông qua cho vay lại theo hồ sơ tín dụng, chiết khấu, cho vay, cầm cố chứng từ có giá.

Cho vay tái cấp vốn hình thành trên cơ chế NHNN cho các TCTD vay trên cơ sở bù đắp thiếu hụt trong thanh toán để đáp ứng nhu cầu về vốn cho các TCTD để cung ứng vốn cho khách hàng, tạo ra kênh cung ứng vốn tín dụng có sự kiểm soát của NHNN.

Tuy nhiên, đối với trường hợp đặc biệt cho vay tái cấp vốn theo chỉ đạo nói trên của Thủ tướng Chính phủ, thì hoàn toàn khác, xuất phát từ nhu cầu cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính cho rằng, với chỉ đạo nói trên của Chính phủ, thì NHNN sẽ cho các TCTD vay tái cấp vốn với lãi suất 0%, sau đó các TCTD sẽ cho vay đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chương trình hỗ trợ tín dụng này cũng đã được một số quốc gia trên thế giới áp dụng, nhưng lãi suất của các quốc gia này đang ở mức rất thấp, thậm chí lãi suất âm. Trong khi đối với Việt Nam, mặt bằng lãi suất và lạm phát cao hơn nhiều các quốc gia này, nên phải cân nhắc thận trọng hơn. “Lãi suất hỗ trợ bằng 1/3, thậm chí bằng 1/2 mức lãi vay bình thường cũng là một hướng tích cực”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh và cho biết thêm, chắc chắn vấn đề này sẽ được các Bộ, ngành có liên quan thảo luận nhiều hơn nữa trước khi thực hiện.

Theo quyết định được ban hành mới đây, NHNN đã hạ lãi suất tái cấp vốn từ 6%/năm xuống còn 5%/năm. "Nếu nay giảm lãi suất cấp vốn xuống 0%, thì 5% kia sẽ được bù trừ thế nào? Chắc chắn khoản tiền hỗ trợ này phải xuất phát từ ngân sách Nhà nước. Có nghĩa là cấp bù lãi suất từ ngân sách Nhà nước. Do đó, nếu thực hiện sẽ phải sửa một số quy định để đảm bảo thực hiện thông suốt và chắc chắn phải có sự vào cuộc của Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH cùng Ngân hàng Nhà nước”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Trên thực tế, chính sách cấp bù lãi suất như được thực hiện năm 2009 rất phức tạp, tuy nhiên khi đó dòng tín dụng chảy nhiều vào lĩnh vực rủi ro, còn hiện nay dòng tín dụng chảy vào các đối tượng chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, nên chính sách này sẽ thuận lợi hơn nhiều. Mặc dù vậy, việc xác định đúng đối tượng được hỗ trợ vay ưu đãi là vấn đề cần phải làm kỹ lưỡng.

Có thể bạn quan tâm

  • Triển khai gói tín dụng 250.000 tỷ, lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp

    Triển khai gói tín dụng 250.000 tỷ, lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp

    06:49, 11/03/2020

  • Đằng sau gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng là gì?

    Đằng sau gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng là gì?

    22:05, 08/03/2020

  • [DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH TUẦN TỪ 2-7/3]

    [DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH TUẦN TỪ 2-7/3] "Bung" gói tín dụng- tài khóa hỗ trợ thiệt hại mùa dịch

    12:30, 07/03/2020

  • Sắp có gói tín dụng hỗ trợ thiệt hại dịch COVID-19 trị giá 285.000 tỷ đồng

    Sắp có gói tín dụng hỗ trợ thiệt hại dịch COVID-19 trị giá 285.000 tỷ đồng

    10:37, 05/03/2020

“Đối với khoản vay ưu đãi này cũng cần có quy định và truyền thông rõ ràng, nếu không, doanh nghiệp sẽ hiểu là tiền trợ cấp, hay tiền cho không, nên trách nhiệm trả nợ của doanh nghiệp sẽ yếu đi”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, nếu cho vay hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi nói trên, có thể sẽ làm tăng nợ công, nhưng không đáng kể. Bởi theo thống kê của Bộ LĐTBXH, mức hỗ trợ cho doanh nghiệp khoảng 20.000 tỷ đồng.

Trước đó để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã tung gói hỗ trợ trị giá 280.000 tỷ đồng, gồm 250.000 tỷ đồng hỗ trợ tín dụng nhằm khoanh, giãn nợ vay cho các doanh nghiệp chịu tác động COVID-19. Cùng đó, 30.000 tỷ đồng hỗ trợ giãn, hoãn nộp thuế cho doanh nghiệp. Gói hỗ trợ tài khoá này sau đó được Bộ Tài chính đề xuất tăng lên trên 80.000 tỷ đồng. 

Phải nói rằng, chỉ đạo nói trên của Chính phủ là rất thiết thực, các Bộ, ngành có liên quan cần sớm triển khai để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp cầm cự trong mùa dịch và có thể sớm khôi phục sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Ngọc Anh